Tín hiệu lạc quan cho tiến trình hòa giải dân tộc tại Tây Ban Nha

Cập nhật: 13-06-2018 | 14:24:14

Việc lãnh đạo đảng Xã hội Tây Ban Nha, ông Pedro Sanchez lên nắm chức thủ tướng thay cho ông Mariano Rajoy ngày 2-6 được xem là một tín hiệu lạc quan cho việc hàn gắn vết thương sắc tộc tại Tây Ban Nha.

Ngày 2-6, ông Pedro Sanchez, 46 tuổi, đã chính thức tuyên thệ trước Quốc vương Tây Ban Nha Felipe VI tại Điện Zarzuela, gần thủ đô Madrid. Cho dù đảng Xã hội không nắm đa số tại Quốc hội Tây Ban Nha, nhưng ông Pedro Sanchez đã thành công trong việc vận động được một liên minh 180 dân biểu, thuộc 6 đảng khác nhau trong nghị viện, bỏ phiếu thông qua kiến nghị bất tín nhiệm ông Mariano Rajoy, đẩy lùi được 169 người bác bỏ kiến nghị. Đây là một thành công tương đối của ông Sanchez vì để được thông qua, kiến nghị bất tín nhiệm chỉ cần được 176 phiếu mà thôi.

Cựu Thủ tướng Rajoy, lãnh đạo đảng Nhân dân cánh hữu, lên cầm quyền từ năm 2011, đã bị dính líu đến một vụ án tham nhũng, rửa tiền nghiêm trọng, liên quan đến đảng của ông. Hôm 24-5 vừa qua, thủ quỹ đảng Nhân dân bị kết án 33 năm tù vì tội nhận hối lộ, rửa tiền, trong một vụ án liên quan đến một quỹ vận động tranh cử của đảng từ 1999 đến 2005.

Ông Pedro Sanchez, lúc đó trong tư cách là lãnh đạo đảng Xã hội đối lập, đã đề xuất một kiến nghị bất tín nhiệm để lật đổ ông Rajoy, với lý do là cựu thủ tướng đã không chịu gánh vác trách nhiệm trong vụ tham ô trong đảng Nhân dân của ông. Như vậy, ông Mariano Rajoy trở thành thủ tướng đầu tiên bị lật đổ bằng hình thức bỏ phiếu bất tín nhiệm kể từ khi Tây Ban Nha lập lại nền dân chủ.

Sau khi tuyên thệ nhậm chức, tân thủ tướng Tây Ban Nha còn phải thành lập chính phủ trước khi thực sự cầm quyền. Giới phân tích đang tự hỏi là với một liên minh lỏng lẻo hiện thời, liệu chính phủ Pedro Sánchez có thể tại vị được lâu dài hay không.

Theo AFP, tân Thủ tướng Sanchez từng là giáo sư kinh tế và được mệnh danh là “lãng tử” ở Tây Ban Nha. Nhiệm vụ của tân thủ tướng xã hội là phải thành lập được một đa số liên minh tại nghị viện (180 nghị sĩ). Ngoài 84 nghị sĩ đảng Xã hội, ông Pedro Sanchez phải tìm được liên minh với đảng Podemos, phe đòi ly khai Catalunya và đảng dân túy xứ Basque.

Việc ông Pedro Sanchez nhậm chức thủ tướng được giới chuyên gia nhìn nhận là một tín hiệu lạc quan về tương lai hòa giải giữa chính quyền trung ương và vùng ly khai Catalunya. Đúng vào ngày ông Sanchez nhậm chức thì tại Barcelona chính quyền vùng này cũng đã tuyên thệ nhậm chức. 13 thành viên trong Hội đồng vùng Catalonia do Thủ hiến Quim Torra lựa chọn không bao gồm các nhân vật trong chính quyền cũ đang bị giam giữ hoặc sống lưu vong.

Việc chính quyền mới của vùng Catalonia nhậm chức sau nhiều tháng đình đốn là động thái mở đường để chính quyền trung ương ở Madrid chấm dứt sự lãnh đạo trực tiếp đối với khu vực tự trị này.

Đa số người dân Tây Ban Nha hy vọng ông Pedro Sanchez lên nắm quyền sẽ làm thay đổi về chiều sâu quan hệ thù địch hiện nay giữa Madrid và Barcelona. Trong diễn văn nhậm chức, lãnh đạo đảng Xã hội hứa sẽ chứng tỏ thiện chí hòa giải hơn nữa với các lãnh đạo phe ly khai muốn đơn phương ra khỏi Tây Ban Nha.


Ông Pedro Sanchez tuyên thệ nhậm chức Thủ tướng Tây Ban Nha ngày 2-6.

Về phần mình, ông Quim Torra tỏ vui mừng rõ rệt trước việc Thủ tướng Rajoy bị lật đổ và bày tỏ mong muốn đối thoại với tân chính phủ ở Madrid. Dẫu sao thì vẫn còn có lý do phải thận trọng. Lãnh đạo Catalunya giờ đây lấy khẩu hiệu ủng hộ các tù nhân chính trị để “ám chỉ tới các đồng đội đang bị ngồi tù vì nổi dậy chống nhà nước Tây Ban Nha”.

Các lãnh đạo chủ chốt của phong trào ly khai Catalunya đang trong tù hoặc phải tị nạn ở nước ngoài né tránh tư pháp. Tổng cộng có đến 9 nhân vật đòi ly khai bị bắt giam với tội danh "nổi dậy" và 7 lãnh đạo đòi độc lập đang lưu vong.

Vào giữa tháng 5 vừa qua, hơn 300.000 người đã biểu tình ở Barcelona yêu cầu trả tự do cho những lãnh đạo đòi độc lập cho vùng Catalunya. Họ cũng nêu lên lo ngại về tương lai của Catalunya. Vùng này rơi vào bế tắc chính trị sau cuộc trưng cầu ý dân trái phép vào tháng 10-2017, các cựu lãnh đạo vùng đã đơn phương tuyên bố độc lập bất chấp sự phản đối của Madrid, khiến chính quyền trung ương đình chỉ quy chế tự trị của vùng này, giải tán cơ quan lập pháp và chính quyền vùng, đồng thời tổ chức cuộc bầu cử địa phương mới vào ngày 21-12-2017.

Nhưng từ cuộc bầu cử trên, việc đề cử một lãnh đạo vùng đã thất bại đến 4 lần, mãi đến gần đây vùng Catalunya mới bầu một lãnh đạo mới, ông Quim Torra, 55 tuổi, nhân vật được chính ông Carles Puigdemont, cựu lãnh đạo ly khai, đề nghị.

Ông Torra là luật sư, kiêm nhà văn và... không có kinh nghiệm chính trị. Ông có ưu điểm là không nằm trong danh sách các chính khách bị chính quyền trung ương truy tố, nhưng do quan điểm rất địa phương chủ nghĩa của ông, giới quan sát lo ngại là vùng Catalunya sẽ lại đối đầu, và lần này là mạnh mẽ hơn, với chính quyền trung ương Tây Ban Nha ở Madrid.

Quim Torra là một nhân vật cực đoan đã đánh giá rằng Catalunya đã sống dưới ách của Tây Ban Nha từ 3 thế kỷ nay và phải dứt khoát thoát khỏi ách này. Nhưng đó là lúc chính quyền Tây Ban Nha còn dưới sự điều hành của Thủ tướng Mariano Rajoy. Ông Rajoy là người đã quyết định đặt Catalunya dưới quy chế bảo trợ của trung ương và là người “không hề muốn đối thoại”. Nay có lẽ tình hình sẽ khác.

Theo quyết định của chính quyền trung ương Madrid, chính quyền mới ở Catalunya sẽ đảm đương việc điều hành vùng tự trị này cho đến khi ổn định, sự quản lý trực tiếp từ chính phủ trung ương sẽ tự động được xóa bỏ.

Theo đạo luật khẩn cấp về chính quyền Madrid giành lại quyền quản lý trực tiếp vùng Catalunya, cơ chế quản lý trực tiếp chỉ được dỡ bỏ sau khi vùng này thành lập được chính quyền mới. 

Theo CAND

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
Quay lên trên