Tình người ở khoa tâm thần!

Cập nhật: 08-11-2013 | 00:00:00

Có nhiều nguyên nhân gây ra bệnh tâm thần như do tổn thương não, do nhiễm độc thần kinh (nghiện rượu, ma túy…) hay do các nguyên nhân tâm lý như bị stress… nhất là trong thời kỳ phát triển công nghiệp như hiện nay, con người phải đối mặt với nhiều áp lực, cuộc sống căng thẳng, ô nhiễm môi trường, tiếng ồn... Bệnh tâm thần làm giảm sút khả năng lao động, học tập, nếu không được chữa trị kịp thời có thể dẫn đến tâm thần sa sút, người bệnh trở thành gánh nặng cho gia đình và xã hội. Điều chúng ta muốn nói ở đây, họ là những con người thật đáng thương, họ rất cần sự quan tâm chăm sóc của xã hội. Nếu được điều trị tốt, kịp thời họ sẽ sớm hòa nhập trở thành người có ích cho xã hội. Đừng kỳ thị, ám chỉ mà vô tình chúng ta làm cuộc sống của họ thêm đau khổ…

 BS Phạm Đăng Cửu, Trưởng khoa Tâm thần kinh BVĐK tỉnh khám bệnh cho bệnh nhân. Ảnh: Q.NHƯ 

Vui… vui ngôn ngữ người điên!

Có lẽ đối với nhiều người tiếp xúc với bệnh nhân tâm thần là điều thật đáng sợ, nhưng nếu có dịp tiếp xúc với họ chúng ta sẽ nhận thấy rằng phần lớn họ là những con người thật đáng thương, nếu không muốn nói là rất dễ mến vì tính tình khôi hài của họ nữa. Trong ngôn ngữ vừa thực vừa ảo của họ khơi gợi trong chúng ta lòng trắc ẩn. Qua đó, ta thấy thế giới riêng của họ có lúc sầu, buồn thê thảm, có khi lạc quan yêu đời đến kỳ lạ, đến mức buồn cười. Ở khu trại khoa Tâm thần (BVĐK tỉnh) nhộn nhịp nhất là vào buổi sáng và buổi chiều. Đó là lúc họ cất lên lời ca tiếng hát, mà lời ca tiếng hát của họ cũng thật “ngộ” nhưng cũng thật nhiều ý nghĩa.

Khu trại được xây dựng thành hai dãy bệnh nhân nam và nữ đối diện nhau, ở giữa là một khoảng sân rộng mà chỉ có khu bệnh nhân nam mới có thể ra khoảng sân này được. Bệnh nhân nam thường đến sát tường rào khu bệnh nhân nữ rồi họ hát với nhau. Bên nữ vừa dứt một bài mùi mẫn thì bên nam cũng cất giọng trữ tình “Tóc ngang lưng vừa chừng em bới, để chi dài, để chi dài bối rối lòng anh…”, rồi hai anh cặp kè nhau ra giữa sân nhìn lên trời nói đêm nay có một nửa vầng trăng vậy mình hát bài “Cắt nửa vầng trăng”, rồi họ cất tiếng hát nhưng lời bài hát thì họ đã chế tác lại “cắt nửa quần Jean… cắt nửa quần Jean… tôi làm cái quần... lửng”.

Ngôn ngữ của họ vừa khôi hài vừa bi quan, nếu gọi là bi hài thì có lẽ chính xác hơn. Đôi khi có người la hét, chửi bới vu vơ, còn lại đa phần họ có đầu óc khôi hài, nhưng trong sự khôi hài đó của họ tôi nhận thấy chính là sự bi hài của cuộc đời họ thì đúng hơn. Chắc đó cũng là nguyên nhân khiến họ mắc căn bệnh đau khổ này.

Loạn thần do rượu

Theo đánh giá của ngành y tế, đáng lo ngại là trong 10 loại rối loạn tâm thần thường gặp, các rối loạn về nghiện rượu đang có xu hướng gia tăng. Theo ghi nhận tại khoa Tâm thần (BVĐK tỉnh) hầu như khoa thường xuyên tiếp nhận bệnh nhân loạn thần do uống quá nhiều rượu, phần lớn phải nhờ bảo vệ “hộ tống” họ mới chịu nhập trại. Nhưng chỉ sau một thời gian ngắn điều trị họ lại trở lại bình thường.

Như trường hợp của bệnh nhân Hậu đang điều trị tại đây cho biết, khi anh đang uống rượu ngoài quán, do uống quá nhiều rượu nên anh bị cao huyết áp, bị ảo giác cứ nghe có người đòi bắn mình nên anh lật đật lấy xe đi về, trên đường về anh không dám chạy thẳng mà chạy lạng lách ngoằn ngoèo (vì sợ bị bắn trúng!?), cũng may là anh không tông phải xe tải hay xe ben gì đó nhưng anh cũng bị lọt xuống kênh nước đen, mặt mày bị bầm dập, thâm tím, nhờ người dân kéo lên đưa về nhà, nhưng khi về đến nhà anh vẫn trấn cửa cố thủ vì cứ sợ bị kẻ xấu tấn công. Thấy anh có biểu hiện rối loạn tâm thần, người nhà đưa anh vào khoa tâm thần, chỉ sau vài ngày điều trị và không có uống rượu nên sức khỏe anh đã bình phục.

Những người loạn thần do rượu phải nhập viện như anh Hậu chỉ cần điều trị và cai rượu một thời gian ngắn là sức khỏe bình phục, chẳng có biểu hiện gì của bệnh tâm thần cả. Vậy loạn thần do rượu là gì? Theo thống kê của Tổ chức Y tế Thế giới, loạn thần do rượu chiếm 10% các trường hợp nghiện rượu mạn tính. Thuật ngữ loạn thần do rượu được xác định bởi loạn thần xuất hiện và phát triển do hậu quả tác dụng trực tiếp của rượu lên não. Về lâm sàng loạn thần do rượu có sảng rượu, ảo giác do rượu, hoang tưởng do rượu,... Tiến triển của ảo giác do rượu có thể cấp, kéo dài và có thể ảo giác mãn tính. Chính vì rượu và ma túy ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe tâm thần nên các bác sĩ khuyên chúng ta nên quan tâm chăm sóc sức khỏe tâm thần, hãy tránh xa ma túy và không nên lạm dụng bia rượu.

Một tổ chức từ thiện chuẩn bị phát cơm cho bệnh nhân tâm thần

Tình người ở nơi “ý thức đi vắng”

Hàng ngày các bác sĩ, nhân viên khoa tâm thần vẫn lặng lẽ làm công việc của mình, thầm lặng nhưng thật ra họ rất quan tâm đến bệnh nhân của mình, họ nắm rõ không chỉ bệnh lý mà còn tính tình của từng bệnh nhân. Cô Phạm Thị Mùng làm điều dưỡng ở đây tâm sự, cô chứng kiến biết bao nhiêu chuyện buồn vui trong nghề, cô đã sống với nghề nhiều độc hại nguy hiểm này đã hơn 30 năm nay. Ở đây cả bác sĩ, nhân viên đều bị bệnh nhân tâm thần đánh cũng là chuyện bình thường. Vậy tại sao họ vẫn bám nghề? Câu trả lời rất đơn giản vì họ yêu nghề, vì lòng trắc ẩn của người lương y với những số phận đau khổ trong cuộc sống.

Cô Mùng kể một trường hợp đáng thương của gia đình bệnh nhân tên Nghĩa, nhà nghèo nhưng có đến 4 người mắc bệnh tâm thần, cha mẹ Nghĩa mắc bệnh tâm thần nhẹ còn Nghĩa và em gái bị bệnh nặng, đặc biệt em gái Nghĩa vừa bệnh tâm thần vừa bị mù. Đó là một hoàn cảnh thật đau lòng. Và có lẽ đau lòng nhất đối với các y bác sĩ, nhân viên ở đây là khi xảy ra trường hợp bệnh nhân tự tử.

Có lần một bệnh nhân nam đã có biểu hiện muốn tự tử, các y bác sĩ ở đây đã cố gắng hết sức để không xảy ra chuyện đau lòng, họ phải nhốt bệnh nhân vào một căn phòng không có vật dụng gì để có thể tự tử nhưng cô Mùng về phòng cứ nằm suy nghĩ mãi, nếu đã có ý định tự tử thì anh ta sẽ cố làm cho bằng được, trong căn phòng trống đó anh ta có thể nghĩ ra cách gì để tự tử? Cô liền bật dậy đến mở cửa phòng thì quả đúng như cô suy nghĩ, anh ta leo lên cửa sổ tự thả tay ngã ngửa xuống nền nhà, anh ta đang nằm trên vũng máu nhưng nhờ cô vào kịp thời nên đã cấp cứu được anh thoát chết. Vì những số phận con người đáng thương như vậy nên các bác sĩ, nhân viên ở đây quyết bám nghề, lúc nào cũng trăn trở suy nghĩ đến từng tiến triển tâm lý, bệnh lý của bệnh nhân. Họ làm công việc đó một cách thầm lặng.

Tại khoa tâm thần này, các bệnh nhân còn có được những bữa cơm ấm lòng, đó là những phần cơm từ thiện do sự chung tay đóng góp của các Mạnh Thường Quân. Tuy thức ăn không có nhiều thịt, cá nhưng cũng giúp bệnh nhân no lòng và nhất là ngon miệng hơn vì đó là những phần cơm ấm áp tình người. Khi nghe có cơm từ thiện đến họ vui lắm, họ quây quần bên nồi cháo, bên những suất cơm, bên những bịch sữa để được chia phần. Đối với họ, những thức ăn này rất quý vì đa phần họ đều là bệnh nhân nghèo.

Tôi đã có thời gian gần gũi với những người bị bệnh tâm thần, cũng nhờ đó tôi có dịp hiểu hơn những con người mà xã hội và mọi người thường ngại tiếp xúc - người điên. Với bài viết này tôi muốn mọi người hiểu rằng họ thật đáng thương, họ cần nhiều sự quan tâm giúp đỡ của cộng đồng. Đừng kỳ thị, ám chỉ mà vô tình chúng ta làm cuộc sống của họ thêm đau khổ. Tôi mong sao tình người sẽ mãi mãi ấm áp ở những nơi như thế này để giúp những con người đau khổ sớm hồi phục, hòa nhập cuộc sống cộng đồng.

ĐỨC LÊ

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
Quay lên trên