Tổ chức kỳ thi THPT quốc gia: Hướng đến một kỳ thi hiệu quả, thiết thực

Cập nhật: 03-10-2014 | 08:35:27

Kỳ thi THPT quốc gia được xây dựng trên cơ sở kế thừa những thành công của kỳ thi TN THPT và tuyển sinh đại học (ĐH), cao đẳng (CĐ) những năm qua, nhất là năm 2014 đã được dư luận xã hội đánh giá cao. Việc tổ chức một kỳ thi quốc gia để xét công nhận tốt nghiệp THPT, đồng thời cung cấp dữ liệu cho các cơ sở giáo dục ĐH sử dụng làm căn cứ để tuyển sinh vào ĐH, CĐ thay vì tổ chức hai kỳ thi như trước đây đang tạo nhiều hiệu ứng tích cực trong xã hội.

 Thí sinh trao đổi kết quả làm bài trong kỳ thi ĐH năm 2014 tại trường ĐH Thủ Dầu Một Ảnh: N.THANH

Giảm áp lực, bớt tốn kém

Việc tổ chức liên tiếp 2 kỳ thi quốc gia như những năm gần đây đã tạo nhiều áp lực cho học sinh và tốn kém cho xã hội. Kỳ thi tuyển sinh ĐH, CĐ theo hình thức “3 chung” 13 năm qua đã khẳng định những ưu điểm, lợi thế, nhưng cũng ngày càng bộc lộ những hạn chế so với yêu cầu tuyển sinh đáp ứng sự phát triển đa dạng của các ngành đào tạo của các trường ĐH, CĐ nhất là khi các trường ĐH, CĐ thực hiện quyền tự chủ tuyển sinh theo Luật Giáo dục ĐH.

Trong những năm gần đây, Bộ Giáo dục - Đào tạo (GD-ĐT) đã phân cấp mạnh cho các địa phương và cơ sở giáo dục hầu hết các khâu của kỳ thi tốt nghiệp THPT. Bộ chỉ còn chủ trì việc xây dựng đề thi chung nhằm bảo đảm mặt bằng chung trong cả nước và giảm thiểu rủi ro có thể xảy ra.

Năm 2014, năm đầu tiên triển khai thực hiện Nghị quyết số 29-NQ/TW, Bộ GD-ĐT đã áp dụng một số điều chỉnh công tác tổ chức kỳ thi tốt nghiệp THPT theo hướng kết hợp kết quả thi tốt nghiệp với kết quả đánh giá cả năm lớp 12 để xét công nhận tốt nghiệp, nhận được sự đồng thuận, hưởng ứng của các học sinh, phụ huynh và toàn xã hội.

Ông Hà Hữu Phúc, Vụ trưởng, Giám đốc cơ quan đại diện của Bộ GD-ĐT tại TP.HCM, cho biết sự cải tiến này nhằm bớt chi phí so với kỳ thi “3 chung” bởi trước đây, nếu thí sinh tham dự cả 2 kỳ thi thì ít nhất phải làm bài với 7 lượt môn thi (gồm 4 môn thi trong kỳ thi tốt nghiệp THPT và 3 môn thi tuyển sinh ĐH hoặc CĐ); nhiều thí sinh tham dự 3 đợt thi với 10 lượt môn thi (gồm 4 môn thi trong kỳ thi tốt nghiệp THPT, 3 môn thi tuyển sinh ĐH đợt 1 và 3 môn thi tuyển sinh ĐH đợt 2); có những thí sinh tham dự tất cả 4 đợt thi với 13 lượt môn thi (gồm 4 môn thi trong kỳ thi tốt nghiệp THPT, 3 môn thi tuyển sinh ĐH đợt 1, 3 môn thi tuyển sinh ĐH đợt 2 và 3 môn thi trong đợt tuyển sinh CĐ). Nhưng trong kỳ thi THPT quốc gia mỗi thí sinh chỉ phải dự thi 4 môn thi tối thiểu, nhiều nhất là 8 môn thi và phổ biến sẽ là 5 hoặc 6 môn thi; với các thí sinh tự do (đã tốt nghiệp THPT từ 2014 về trước) thì số môn thi còn giảm đi, do vậy áp lực thi cử sẽ giảm đi rất nhiều. Thí sinh, gia đình và xã hội cũng sẽ giảm được chi phí cho kỳ thi.

Các trường ĐH, CĐ dễ tuyển sinh

Kỳ thi THPT quốc gia có ba điểm mới liên quan đến công tác tuyển sinh của các cơ sở giáo dục ĐH, đó là: Kết quả thi vừa dùng để xét công nhận tốt nghiệp THPT vừa làm căn cứ để các trường ĐH, CĐ sử dụng trong tuyển sinh; thí sinh đăng ký dự tuyển vào các trường ĐH, CĐ sau khi đã có kết quả thi; các trường ĐH, CĐ tự chủ và linh hoạt trong việc đề xuất các khối thi phù hợp với yêu cầu tuyển sinh đối với các ngành đào tạo.

Đối với thí sinh, việc đăng ký dự tuyển sau khi đã có kết quả thi sẽ giúp các em tránh được rủi ro là đạt điểm cao nhưng vẫn có thể trượt ĐH như những năm trước đây, các em lựa chọn được những trường ĐH, CĐ phù hợp với năng lực của mình, đáp ứng tốt hơn tính đa dạng về ngành nghề của giáo dục ĐH; cho phép các trường tuyển được các thí sinh có năng lực sát hơn với ngành nghề đào tạo.

Tiến sĩ Ngô Hồng Điệp, Trưởng phòng Đào tạo trường ĐH Thủ Dầu Một, cho rằng: “Việc thí sinh đăng ký xét tuyển sau khi có kết quả thi là thách thức nhưng cũng là cơ hội để các trường phát triển. Các trường muốn tuyển được thí sinh có chất lượng vào học phải xây dựng thương hiệu thông qua chất lượng đào tạo. Việc đăng ký dự tuyển sau khi đã có kết quả thi sẽ giúp thí sinh tránh được rủi ro là đạt điểm cao nhưng vẫn có thể trượt ĐH như những năm trước đây, thí sinh lựa chọn được những trường ĐH, CĐ phù hợp với năng lực của mình, đáp ứng tốt hơn tính đa dạng về ngành nghề của giáo dục ĐH, đồng thời cho phép các trường tuyển được các thí sinh có năng lực sát hơn với ngành nghề đào tạo. Việc xét tuyển ĐH, CĐ dựa vào kết quả kỳ thi cũng làm cho việc tuyển sinh của các trường ĐH trở nên đơn giản hơn, không còn hiện tượng đăng ký ảo như trước nữa. Đây cũng là động lực bên trong để các cơ sở giáo dục ĐH có các giải pháp nhằm nâng cao chất lượng đào tạo đáp ứng nhu cầu xã hội”.

Như vậy, có thể nói phương án tổ chức kỳ thi THPT quốc gia là cách tiếp cận mới trên cơ sở những đổi mới của kỳ thi TN THPT và tuyển sinh ĐH, CĐ những năm qua, nhất là năm 2014. Đây là phương án không dựa trên việc bỏ một trong 2 kỳ thi tốt nghiệp THPT hoặc tuyển sinh ĐH, CĐ mà là tổ chức một kỳ thi chung nhằm làm cho thi cử gọn nhẹ, hiệu quả, thiết thực, tiết kiệm mà vẫn cho kết quả đáng tin cậy và thực sự là động lực của quá trình nâng cao chất lượng dạy học trong các nhà trường phổ thông.

 

 NGỌC THANH

 

 

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
Quay lên trên
X