Tọa đàm Kỷ niệm 40 năm giải phóng Thủ Dầu Một - Bình Dương: Nhiều ý kiến đóng góp

Cập nhật: 25-04-2015 | 08:30:24

Sáng qua (24-4), Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy phối hợp với Thành ủy Thủ Dầu Một và Hội Khoa học lịch sử tỉnh đã tổ chức Tọa đàm kỷ niệm 40 năm giải phóng Thủ Dầu Một - Bình Dương. Đến dự buổi tọa đàm có đồng chí Nguyễn Minh Giao, Ủy viên Thường vụ, Trưởng ban Tuyên giáo Tỉnh ủy và đông đảo các cựu chiến binh, nguyên là cán bộ, chiến sĩ, giao liên, binh vận, địch vận, các cơ sở mật của ta đã nhất tề đứng lên tham gia giải phóng tỉnh nhà trong mùa xuân 1975.

Những ngày cuối tháng 3-1975, tin chiến thắng dồn dập của tiến công và nổi dậy của quân và dân ta ở Tây nguyên, Huế, Đà Nẵng như “trúc chẻ ngói tan” làm nức lòng quân và dân cả nước. Ngày 31-3-1975, Bộ Chính trị họp và chỉ đạo: “Cuộc chiến tranh cách mạng không những đã bước vào giai đoạn phát triển nhảy vọt mà thời cơ chiến lược để tiến hành tổng công kích, tổng khởi nghĩa vào sào huyệt của địch đã chín muồi. Từ giờ phút này trận quyết chiến chiến lược cuối cùng của quân và dân ta đã bắt đầu, nhằm hoàn thành cách mạng dân tộc dân chủ nhân dân ở miền Nam và thực hiện thống nhất Tổ quốc. Bộ Chính trị quyết định toàn Đảng, toàn dân, toàn quân cần nắm vững thời cơ chiến lược hơn nữa với tư tưởng chỉ đạo thần tốc, táo bạo, bất ngờ, chắc thắng, thực hiện tổng công kích, tổng khởi nghĩa trong thời gian sớm nhất, tốt nhất là trong tháng 4-1975, không thể chậm”.   

Toàn cảnh buổi Tọa đàm kỷ niệm 40 năm
giải phóng Thủ Dầu Một - Bình Dương. Ảnh: X.THI

Thực hiện quyết tâm của Bộ Chính trị, ngày 29-4-1975, Tỉnh ủy tập trung hơn 400 cán bộ tại căn cứ Rừng Tre, xã Vĩnh Tân triển khai kế hoạch khởi nghĩa. Mục tiêu tiến công vào thị xã được xác định gồm: Tiểu khu Phú Lợi, Chi khu quân sự Châu Thành, Tòa hành chính, Ty cảnh sát, trường Sĩ quan công binh, Nhà máy đường...

Thay mặt Ban tổ chức, tiến sĩ Huỳnh Ngọc Đáng, Phó trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh, Chủ tịch Hội Khoa học Lịch sử tỉnh đã ôn lại những thời khắc hào hùng của đồng bào Sông Bé trong ngày quân ta tiến về giải phóng Thủ Dầu Một. Sau khi nghe Dương Văn Minh lên tiếng mời đại diện của cách mạng vào “bàn giao” chính quyền (thực chất chính quyền Sài Gòn không còn gì để bàn giao) thì ở Bình Dương, Nguyễn Văn Của, tỉnh trưởng ngụy quyền mở máy liên lạc với Ban chỉ đạo, Chỉ huy tiền phương của tỉnh xin “bàn giao chính quyền”. Trong tình thế tuyệt vọng, Nguyễn Văn Của cùng mấy tên tùy tùng đi trên 1 chiếc xe Jeep ra gặp ta như đã hẹn trước. Khi chúng ra tới ngã tư Gò Đậu thì bị 1 tổ nữ an ninh mật, do đồng chí Cẩm Vân phụ trách chặn giữ vào lúc 9 giờ 40 phút sáng ngày 30-4. Sau khi mũi tiến công vào nội ô thị xã, do đồng chí Tám Tấn, Ủy viên Thường vụ Tỉnh ủy, Trưởng Ban an ninh tỉnh phụ trách đã chiếm xong ty cảnh sát, khám đường đã lập tức tiến lên cắm cờ tòa hành chính ngụy quyền tỉnh vào lúc 10 giờ 30 phút. Cũng vào thời điểm này, đoàn của đồng chí Bảy Tấn cũng cắm cờ trên nóc Nhà việc Phú Cường. Khoảng 10 giờ 30 phút, ngày 30-4-1975, cờ cách mạng đã tung bay trên nóc nhà các cơ quan công sở địch. Ta hoàn toàn làm chủ tình hình thị xã Thủ Dầu Một. Nhân dân hân hoan đổ ra đường chào mừng các chiến sĩ giải phóng, chào mừng chiến thắng. Cả thị xã rực rỡ màu cờ Tổ quốc và cờ Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam Việt Nam.

Trong niềm vui chung của cả nước, ngày 15-5-1975, tại khu vực Gò Đậu, dưới sự chủ trì của Tỉnh ủy, hơn 40.000 đồng bào ở thị xã, Lái Thiêu, Châu Thành và các cán bộ, chiến sĩ một số đơn vị chủ lực, đại diện cho toàn thể quân dân trong tỉnh tham gia lễ mít tinh, diễu hành mừng chiến thắng, mừng đất nước hoàn toàn giải phóng trong niềm vui vỡ òa bất tận.

Tại buổi tọa đàm, các cựu chiến binh - là nhân chứng lịch sử đã có nhiều ý kiến đóng góp về các sự kiện diễn ra trong ngày 30-4. Các vấn đề nêu ra đã được Ban tổ chức tiếp thu tham khảo, nhằm bổ sung vào lịch sử truyền thống của tỉnh Bình Dương.

* Ông Lê Văn Cao (Út Cao), Nguyên chỉ huy cánh quân phía Bắc: Đập tan mọi sự kháng cự của địch

Cánh quân phía bắc do tôi chỉ huy tiến vào 3 mục tiêu là ấp Chánh Lập, bót Nhị Tỳ, bót Chánh An, Nhà việc Phú Cường. Lực lượng của địch ở 3 mục tiêu trên có nơi ít, nơi nhiều đã được chúng tôi trinh sát kỹ. Khi quân ta tiến vào ở mục tiêu thứ nhất là ấp Chánh Lập và bót Nhị Tỳ, trước khí thế của quân ta, quân địch đã hoàn toàn đầu hàng. Riêng mục tiêu thứ hai, quân địch chống cự nên ta dùng lực lượng vũ trang tiêu diệt và sau đó nhanh chóng tiến vào mục tiêu thứ ba bức hàng quân lính ở đây và cắm cờ giải phóng lên Nhà việc Phú Cường, trong niềm vui khôn tả của bà con đứng chật hai bên đường.

* Ông Phan Đăng Khoa, Nguyên Chỉ huy cánh quân phía Tây: Quân ta hoàn toàn nắm thế chủ động

Ngày 30-4-1975, đơn vị phía tây của chúng tôi nhận nhiệm vụ tiến đánh vào mục tiêu ấp Mỹ Hảo, Chánh Lộc và phát triển đánh vào thành Công binh. Đây là những mục tiêu nằm trong khu vực phòng thủ kiên cố của địch, có sông Sài Gòn bao quanh hiểm trở. Tôi nhớ, trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, chỉ có năm 1962 lực lượng của ta mới vào được khu vực này một lần. Do tính chất ác liệt của mục tiêu này nên từ năm 1962 trở đi, ta đã quyết tâm phải xây dựng được các cơ sở mật. Và năm 1975, ta đã xây dựng được hai cơ sở mật ở ấp Mỹ Hảo. Do đó, trước khi cánh quân phía tây tiến về giải phóng thị xã, các cơ sở mật đã cung cấp nhiều thông tin về lực lượng, vũ khí của địch. Nhờ vậy, quân ta đã hoàn toàn nắm thế chủ động tiến công mạnh mẽ vào các mục tiêu đã định trước. Quân địch ở đây buộc phải bàn giao vũ khí chấp nhận đầu hàng.

 

 KIẾN GIANG - XUÂN THI

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
Quay lên trên