Tối thứ bảy, xem trăng đỏ

Cập nhật: 07-12-2011 | 00:00:00

Tối 10-12 tới, người yêu thiên văn Việt Nam sẽ có cơ hội chiêm ngưỡng hiện tượng nguyệt thực toàn phần kéo dài 51 phút. Mặt trăng sẽ chuyển sang màu đỏ máu.

  Hiện tượng mặt trăng đỏ dự kiến sẽ xuất hiện tối 10-12

Đây là lần thứ hai hiện tượng thiên nhiên kỳ thú này xảy ra trong năm 2011. Lần đầu tiên vào ngày 16-6, nguyệt thực toàn phần kéo dài 100 phút là nguyệt thực toàn phần dài nhất thế kỷ 21.

Lần nguyệt thực toàn phần này, các khu vực bao gồm Alaska (Mỹ), bắc Canada, Đông Á và Trung Á, Australia, New Zealand, trong đó có Việt Nam có thể quan sát được.

Anh Đặng Vũ Tuấn Sơn, chủ tịch CLB Thiên văn trẻ Việt Nam, cho hay Việt Nam nằm trong khu vực có thể quan sát toàn bộ quá trình nguyệt thực toàn phần kéo dài gần sáu tiếng. Nguyệt thực nửa tối sẽ bắt đầu từ lúc 18h33 khi trăng đi vào vùng bóng nửa tối của Trái Đất.

Đến 21h06, nguyệt thực toàn phần bắt đầu, mặt trăng sẽ chuyển sang màu đỏ. Khi mặt trăng nhuốm màu đỏ sậm nhất cũng là lúc nguyệt thực toàn phần đạt cực vào lúc 21h33. Từ 21h57, nguyệt thực toàn phần sẽ chuyển dần sang nguyệt thực một phần, nguyệt thực vùng tối và kết thúc toàn bộ quá trình vào lúc 0h30 ngày 11-12.

Cũng theo anh Sơn, trong những lần nguyệt thực toàn phần diễn ra mấy năm gần đây, Việt Nam gần như không thể quan sát do mây mù nhiều. Vì vậy, lần nguyệt thực phần toàn phần sắp tới, được dự báo trời quang mây tạnh sẽ là cơ hội quý giá để giới yêu thiên văn học chiêm ngưỡng hiện tượng thiên nhiên kỳ thú này.

Việc quan sát nguyệt thực có thể bằng mắt thường mà không cần thiết bị bảo vệ mắt. Tuy nhiên, người quan sát nên chọn vị trí có ít ánh sáng đèn và ít bụi không khí sẽ dễ quan sát hơn.

Nguyệt thực là hiện tượng xảy ra khi mặt trăng đi vào vị trí thẳng hàng với trái đất và mặt trời nên bị che khuất bởi bóng của trái đất. Khi mặt trăng đi vào vùng bóng tối,.. ta có nguyệt thực một phần. Khi mặt trăng đi qua và nằm hoàn toàn trong vùng bóng tối ta có nguyệt thực toàn phần. Sau sự kiện nguyệt thực toàn phần tối 10-12 sắp tới, phải đến năm 2014, người yêu thiên văn mới lại có dịp chiêm ngưỡng hiện tượng thiên nhiên kỳ thú này.

Cũng trong tháng 12, còn có thể ngắm một trong hai trận mưa sao băng lớn nhất trong năm, dự báo sẽ xảy ra vào tối 14-12. Dù thời gian xảy ra cực điểm sao băng sẽ có trăng sáng, khó quan sát nhưng, nếu chịu khó chờ đợi vào đêm rạng sáng 15-12, vẫn có thể chiêm ngưỡng hiện tượng này.

Theo TPO

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
Quay lên trên