Tổng kết thực thi Hiến pháp năm 1992 trên cơ sở lý luận và thực tiễn

Cập nhật: 19-12-2011 | 00:00:00

Thường trực HĐND tỉnh Bình Dương vừa tổ chức Hội nghị tổng kết thi hành Hiến pháp 1992 trên địa bàn tỉnh. Trên cơ sở nhận thức rõ tầm quan trọng, vai trò của Hiến pháp 1992, HĐND - UBND tỉnh đã nghiêm túc tổ chức triển khai thực hiện việc tổng kết thi hành hiến pháp trên địa bàn tỉnh một cách toàn diện đối với các nội dung, trong đó đặc biệt chú trọng đến nội dung công tác HĐND và UBND được quy định tại Chương IX của Hiến pháp 1992.

 Đại biểu đóng góp ý kiến tại Hội nghị tổng kết thi hành Hiến pháp 1992 do HĐND tỉnh tổ chức

Về công tác triển khai thực hiện, thời gian qua, HĐND các cấp và các ngành đã tổ chức tổng kết các nội dung theo chức năng, nhiệm vụ. Tại hội nghị, các ý kiến đóng góp tập trung vào những bất cập, vướng mắc trên các lĩnh vực như việc thi hành các quy định của Hiến pháp 1992 về địa vị pháp lý, chức năng, nhiệm vụ của HĐND, UBND, Chủ tịch HĐND, Chủ tịch UBND; việc thi hành các quy định của Hiến pháp về các mối quan hệ; việc thi hành các quy định của Hiến pháp về tổ chức của HĐND, UBND theo cấp hành chính... Trên cơ sở thực tiễn của địa phương và các ý kiến tham gia, hội nghị đã đánh giá tổng quát những kết quả đạt được trong thực hiện Hiến pháp năm 1992, những bất cập, nguyên nhân và đề xuất, kiến nghị những nội dung cần sửa đổi, bổ sung.

Đối với các quy định liên quan đến HĐND và UBND, hội nghị cũng đã tập trung phân tích các quy định trong Hiến pháp 1992, Luật Tổ chức HĐND và UBND năm 2003 và các văn bản pháp luật có liên quan, qua đó nêu lên những mặt còn hạn chế, bất cập, nguyên nhân và kiến nghị sửa đổi, bổ sung những nội dung cụ thể. Từ kết quả tổng kết cho thấy, với vị trí, vai trò là đạo luật gốc, Hiến pháp 1992 đã đáp ứng cơ bản yêu cầu về thể chế chính trị, xu hướng phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội của đất nước; quy định khá rõ về địa vị pháp lý, mô hình tổ chức, nhiệm vụ, quyền hạn, cơ chế phân cấp, phân quyền giữa Trung ương và địa phương... Tuy nhiên, sau gần 20 năm thực hiện có một số nội dung của Hiến pháp 1992 (đã sửa đổi năm 2001) không còn phù hợp, cần phải được sửa đổi, bổ sung để đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ, quyền hạn của HĐND và UBND được Hiến pháp quy định.

Hội nghị cũng đã đề xuất, kiến nghị, bổ sung một số ý nhằm sửa đổi Hiến pháp năm 1992 trình Ủy ban dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992, Văn phòng Chính phủ và Bộ Tư pháp. Cụ thể, về địa vị pháp lý, chức năng nhiệm vụ của UBND, Chủ tịch UBND tại Điều 124 của Hiến pháp 1992, quy định: “Chủ tịch UBND có quyền đình chỉ việc thi hành hoặc bãi bỏ những văn bản sai trái của các cơ quan thuộc UBND và các văn bản sai trái của UBND cấp dưới; đình chỉ thi hành nghị quyết sai trái của HĐND cấp dưới, đồng thời đề nghị HĐND cấp mình bãi bỏ những nghị quyết đó”. Tại hội nghị, các đại biểu thống nhất đề nghị bỏ nội dung này vì hiến pháp không nên quy định các vấn đề một cách chi tiết mà chỉ quy định những nội dung có tính tổng hợp, khái quát, định hướng và mang cả tính nguyên tắc; quyền hạn của Chủ tịch UBND về xử lý văn bản sai trái nên được quy định trong Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật thì sẽ phù hợp hơn.

Đối với các quy định của Hiến pháp về tổ chức của HĐND, UBND theo cấp hành chính, kiến nghị xem xét không tổ chức HĐND cấp huyện bởi vì huyện chỉ là cấp trung gian giữa cấp tỉnh và cấp xã, chính quyền huyện chủ yếu tổ chức thực hiện các quyết định của cấp trên và chỉ đạo, hướng dẫn, kiểm tra hoạt động của chính quyền cấp xã. Đối với Điều 16 của Hiến pháp 1992, đề nghị nên sửa lại đoạn nêu về “Mục đích chính sách kinh tế của Nhà nước là làm cho dân giàu, nước mạnh, đáp ứng ngày càng tốt hơn nhu cầu vật chất, tinh thần của nhân dân...” vì có sự trùng lặp với một phần của Điều 3 Hiến pháp; tại Điều 59 của Hiến pháp 1992 quy định: “Bậc tiểu học là bắt buộc, không phải đóng học phí”, đề nghị sửa đổi Hiến pháp theo hướng: “Bậc tiểu học và THCS là bắt buộc, không phải đóng học phí” do hiện nay điều kiện, hoàn cảnh trong nước và quốc tế đã phát triển vượt bậc về khoa học công nghệ, đòi hỏi người dân phải được phổ cập giáo dục ở trình độ cao hơn bậc tiểu học...

Phát biểu kết thúc hội nghị, bà Trần Thị Kim Vân, Phó Chủ tịch HĐND tỉnh đã đề nghị Tổ giúp việc Tổng kết thi hành Hiến pháp 1992 ghi nhận các ý kiến đóng góp và nhanh chóng hoàn thiện báo cáo tổng kết thi hành Hiến pháp 1992 trên địa bàn tỉnh để trình Ủy ban dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992, Văn phòng Chính phủ và Bộ Tư pháp để xem xét.

PHƯƠNG HÙNG

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
Quay lên trên