Tổng thống Biden thay đổi chính sách với Saudi Arabia

Cập nhật: 27-02-2021 | 11:33:56

Chính quyền Mỹ mong muốn Saudi Arabia cần thay đổi "cách tiếp cận" trong quan hệ song phương với Mỹ, và Tổng thống Joe Biden cũng sẽ hạn chế tối đa các tiếp xúc, trao đổi trực tiếp với Thái tử Mohammed bin Salman, vốn được xem là người nắm quyền lực trên thực tế tại vương quốc này.

Sự thay đổi nêu trên có thể hiểu chính xác hơn, đó là một sự "hiệu chỉnh" lại mối quan hệ đồng minh chiến lược giữa Mỹ và Saudi Arabia, sau một nhiệm kỳ được đánh giá là khá "đặc biệt" với những vấn đề phức tạp. Thư ký báo chí Nhà Trắng Jen Psaki cho biết Tổng thống Biden muốn "hiệu chỉnh lại" quan hệ giữa Mỹ với Saudi Arabia, và xem Vua Salman là người đồng cấp, tức là người ông sẽ thường xuyên tiếp xúc trong các mối quan hệ song phương hai nước, chứ không phải Thái tử Mohammed bin Salman như trước đây. Tương lai mối quan hệ Mỹ-Saudi Arabia sẽ tùy thuộc vào cách vương quốc này định hình lại cách tiếp cận quan hệ, và nó phải khác nhiều so với giai đoạn 4 năm qua.

Lập trường nêu trên thể hiện một sự thay đổi quan trọng trong chính sách của chính quyền Mỹ dưới thời Tổng thống Biden so với thời Tổng thống Donald Trump. Dưới thời ông Trump, Saudi Arabia được đặt lên hàng ưu tiên cao trong các mối quan hệ đối ngoại của Mỹ ở Trung Đông. Trong đó, chính quyền Trump dành sự quan tâm và ưu ái đặc biệt cho Thái tử Mohammed bin Salman.

Thái tử Mohammed bin Salman được đặc biệt trọng thị thời Tổng thống Trump.

Hầu như mọi sự tiếp xúc và thảo luận trực tiếp liên quan các chiến lược an ninh trong khu vực đều thông qua vị Thái tử trẻ tuổi này, đặc biệt là việc Mỹ ủng hộ Saudi Arabia vô điều kiện trong vấn đề Yemen. Giới phân tích cho rằng có lẽ chính vì sự ưu ái đặc biệt đó mà trong giai đoạn 4 năm qua, Mohammed bin Salman đã triển khai nhiều chính sách đối ngoại táo bạo trong khu vực, bên cạnh cuộc chiến tại Yemen còn có cả việc bao vây, tẩy chay Qatar, một đồng minh khác của Mỹ trong khu vực.

Dưới thời Tổng thống Trump, Mỹ bị dư luận nhiều nước trên thế giới lên án vì liên quan đến cuộc nội chiến tang thương nhất thế giới đương đại, gây ra thảm họa nhân đạo lớn nhất, thông qua việc bán vũ khí cho Saudi Arabia để nước này tiếp tục theo đuổi cuộc chiến tại Yemen. Xung quanh Tổng thống Trump khi đó có nhiều cái đầu "tham mưu" cực kỳ tham lam, với quan điểm "bán được vũ khí để tạo thêm việc làm", nhưng thực chất là lợi ích riêng của một nhóm người. Tổng thống Biden muốn Mỹ phải chấm dứt dính líu vào cuộc nội chiến đó, đồng thời phải thay đổi cán cân quan hệ trong khu vực, giữa Saudi Arabia với Iran chẳng hạn, để cân bằng lại, tạo sự ổn định mới trong khu vực.

Sự điều chỉnh lập trường quan hệ nêu trên cũng sẽ có tác động đáng kể đến cách tiếp cận và giải quyết vụ sát hại nhà báo gốc Saudi Arabia, Jamal Khashoggi, vào năm 2018. Các quan chức tình báo Mỹ đang sắp công khai một báo cáo mật đã được trình lên quốc hội trong đó chứa đựng đánh giá cụ thể của giới chức tình báo về mức độ dính líu của Thái tử Mohammed bin Salman, từ đó có thể giúp đưa ra kết luận Thái tử Mohammed bin Salman có phải là kẻ chủ mưu vụ sát hại nhà báo Khashoggi hay không. Giới chức tình báo Mỹ từng lên tiếng cáo buộc Thái tử Mohammed bin Salman là kẻ chủ mưu đứng sau vụ sát hại nhà báo Khashoggi, nhưng những ý kiến ấy ngay lập tức bị bác bỏ..

Sự "hiệu chỉnh" của Tổng thống Biden sẽ ảnh hưởng mạnh đến tương lai chính trị của Thái tử Mohammed bin Salman. Dư luận báo chí tại Mỹ hiện đang đặt vấn đề rằng liệu chính quyền Mỹ đang cố gây áp lực với Vua Salman để khiến ông thay đổi dòng kế thừa quyền lực, có nghĩa là vị thế của Thái tử Mohammed bin Salman đang lung lay rất nhiều. Trao đổi với báo chí về vấn đề này, một phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Mỹ không bác bỏ vấn đề, mà khẳng định Saudi Arabia là đối tác chủ chốt của Mỹ trong nhiều vấn đề, nhưng mối quan hệ đó dựa trên cơ sở "tôn trọng luật pháp và quyền con người".

Vụ án Khashoggi là một điển hình của chính sách mà Thái tử Mohammed bin Salman đã triển khai, được báo chí quốc tế gọi là "thanh trừng" trong nội bộ Hoàng gia và vương quốc. Những hoàng thân, thần dân nào không nằm trong "hệ" hoặc có thái độ, lời nói chống đối Thái tử Mohammed bin Salman đều đã bị bắt giam hoặc thủ tiêu theo cách này hay cách khác.

Thông tin tình báo Mỹ còn tiết lộ rằng, Thái tử Mohammed bin Salman đã tổ chức hẳn một mạng lưới tình báo ở Mỹ và khắp thể giới chỉ để phục vụ việc truy bắt những hoàng thân và những kẻ chống đối mang về vương quốc xử tội.

Tiêu biểu nhất trong các vụ bắt bớ trong năm 2020 là vụ bắt Hoàng tử Ahmed bin Abdulaziz, chú của Mohammed bin Salman, và Hoàng tử Mohammed bin Nayef, người anh họ trước đây từng là Thái tử bị chính Mohammed bin Salman thay thế. Chính quyền Mỹ dưới thời Tổng thống Trump cũng đã từng lên tiếng về các vụ bắt bớ và hoạt động tình báo nghe lén điện thoại trên đất Mỹ, nhưng sau đó không có động thái nào để gây áp lực buộc phải dừng lại.

Michele Dunne, nhà phân tích của tổ chức Carnegie Endowment cho rằng chính quyền Tổng thống Biden còn nhìn xa hơn vai trò chủ mưu của Mohammed bin Salman trong vụ sát hại nhà báo Khashoggi. Dunne cho rằng thế giới sẽ có trong tay một vấn đề lớn nếu một mai Thái tử Mohammed bin Salman lên ngôi vua ở Saudi Arabia. Hiện nay tuy mới chỉ là "thái tử nhiếp chính", nhưng ông ta đã triển khai nhiều chính sách quá hà khắc cả trong nước và quốc tế, vì thế sẽ rất khó khăn cho bất kỳ chính quyền nào ở Mỹ khi xử lý các vấn đề do ông ta gây ra.

Theo CAND

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
Quay lên trên