Chia sẻ bài viết lên facebook

TP.Thủ Dầu Một: Phát triển mạnh dịch vụ chất lượng cao

Cập nhật: 09-07-2015 | 09:39:54

 Theo quy hoạch vùng Đông Nam bộ, TP.Thủ Dầu Một (TDM) là một trung tâm dịch vụ lớn phục vụ phát triển công nghiệp và đóng vai trò là cực phát triển trong hệ thống đô thị của vùng. Vì vậy, những năm qua, TP.TDM đã tập trung phát triển loại hình dịch vụ chất lượng cao (DVCLC) như tài chính - ngân hàng, hệ thống trung tâm thương mại, siêu thị phân phối, bán lẻ hàng hóa hiện đại...

 “Phố ngân hàng” ở Bình Dương

Khoảng chục năm trở lại đây, đại lộ Bình Dương (đoạn qua khu vực TP.TDM) đã nổi tiếng với “phố” ngân hàng. Hiếm nơi nào trên cả nước tập trung đông đảo nhiều chi nhánh các ngân hàng đến vậy. Trên đoạn đường chỉ khoảng 2km nhưng có đến hàng chục chi nhánh ngân hàng đang hoạt động sôi động. Ở đây, hầu như có đủ mặt các tên tuổi ngân hàng lớn, từ Viettinbank, Vietcombank, BIDVBank... cho tới các ngân hàng “sinh sau, đẻ muộn” như Eximbank… đều có cả. Theo đại diện một chi nhánh ngân hàng ở Bình Dương vừa khai trương cách đây không lâu, đơn vị quyết định mở chi nhánh trên đoạn đường này bởi nơi đây rất “sung túc”. Dân cư tập trung đông, mà chủ yếu là tiểu thương, các doanh nghiệp vừa và nhỏ. Đây là những đối tượng khách hàng mà ngân hàng nhắm đến. Ngoài ra, có một lý do không kém phần quan trọng để giúp “phố” ngân hàng ngày càng xôm tụ, chính là xuất phát từ quan niệm “buôn có bạn, bán có phường”.

“Phố ngân hàng” trên đại lộ Bình Dương. Ảnh: T.THẢO

Không chỉ nổi tiếng với “phố” ngân hàng, thời gian gần đây ở TP.TDM các trung tâm thương mại, siêu thị cũng được đầy mạnh phát triển. Nếu như năm 2004, người dân vui mừng vì từ nay được thỏa sức mua sắm theo phong cách hiện đại ở Siêu thị Vinatex trên tầng 2 của chợ Thủ, thì hiện nay trên địa bàn đã hình thành hơn 10 trung tâm thương mại, siêu thị hoạt động. Đặc biệt, chợ Thủ Dầu Một nổi tiếng từ xưa đến nay, hiện vẫn đáp ứng nhu cầu mua sắm không chỉ của người dân TP.TDM mà còn cả vùng lân cận.

Ông Bùi Minh Thạnh, Phó Chủ tịch UBND TP.TDM, cho biết cuối năm 2012, thành phố đã xây dựng và ban hành Kế hoạch số 46/KH-UBND về phát triển DVCLC giai đoạn 2011-2015, tầm nhìn đến năm 2020 để thực hiện Chương trình hành động số 21 của Tỉnh ủy Bình Dương về phát triển DVCLC giai đoạn 2011-2015, tầm nhìn đến năm 2020 và Kế hoạch số 281 của UBND tỉnh. Qua 3 năm triển khai thực hiện, một số lĩnh vực DVCLC của thành phố đã phát triển nhanh về quy mô, đa dạng về sản phẩm và chiếm tỷ trọng cao trong cơ cấu kinh tế của thành phố như ngân hàng, giáo dục, viễn thông, dịch vụ truyền hình cáp; trong đó nổi bật nhất là lĩnh vực tài chính - ngân hàng. Lĩnh vực này đang phát triển theo hướng vừa nâng cao chất lượng, vừa mở rộng đối tượng cho vay, đáp ứng cơ bản nhu cầu về vốn cho sản xuất, kinh doanh trên địa bàn. Hiện nay, TP.TDM có 51 ngân hàng và chi nhánh các ngân hàng cùng 4 quỹ tín dụng nhân dân đang hoạt động. Các tổ chức tín dụng này còn đồng thời phát triển mạnh các dịch vụ thanh toán không dùng tiền mặt, thanh toán liên thông, trả lương, bảo hiểm... tạo thuận lợi hơn cho người dân, doanh nghiệp.

Nâng tầm dịch vụ

Một lĩnh vực cũng phát triển rất mạnh, đóng góp quan trọng vào tăng trưởng kinh tế của TP.TDM, đó là thương mại, xuất nhập khẩu. Loại hình này tiếp tục phát triển dưới nhiều hình thức, có sự tham gia của nhiều thành phần kinh tế. Tính đến cuối năm 2014, trên địa bàn thành phố có trên 12.000 đơn vị hoạt động trên lĩnh vực này. Chỉ tính riêng trong năm 2014, giá trị kim ngạch xuất khẩu đạt 724 triệu USD, tăng bình quân 23,4%/năm. Giá trị kim ngạch nhập khẩu đạt 703 triệu USD, tăng bình quân trên 25%/năm.

Mặc dù đạt được nhiều kết quả khả quan, tạo điểm nhấn cho TP.TDM trên đường phát triển đô thị, song theo đánh giá lĩnh vực DVCLC trên địa bàn vẫn còn bộc lộ hạn chế. DVCLC phát triển về số lượng nhưng chất lượng ở một một số lĩnh vực chưa đi vào chiều sâu, chưa phong phú, đa dạng. Cụ thể như dịch vụ khám chữa bệnh, giáo dục - đào tạo, dịch vụ logistic... Vì vậy, với việc tiếp tục xác định cơ cấu kinh tế của TP.TDM từ nay đến năm 2020 là dịch vụ - công nghiệp và nông nghiệp với tỷ trọng tương ứng là 60,89% - 39,07 - 0,04%, xây dựng thành phố theo hướng nâng cao chất lượng tăng tưởng kinh tế, TP.TDM sẽ tập trung mạnh hơn cho DVCLC. Cụ thể, thành phố sẽ tiếp tục kêu gọi phát triển DVCLC, đáp ứng nhu cầu phục vụ cho sản xuất và đời sống, tạo điều kiện thuận lợi về đất đai, cơ sở hạ tầng nhằm thu hút các thành phần kinh tế tham gia đầu tư vào các dịch vụ như trung tâm thương mại, tài chính - ngân hàng, bưu chính, viễn thông, nhà ở, nhất là nhà ở xã hội, phát triển hệ thống bán lẻ như hệ thống siêu thị, chuỗi siêu thị mini, chợ truyền thống theo hướng văn minh hiện đại. Đặc biệt, thành phố sẽ phát triển mới 5 trung tâm thương mại, nâng cấp 3 chợ và xây thêm chợ mới...

Để DVCLV phát triển, TP.TDM đang đặt ra mục tiêu phát triển cho từng lĩnh vực. Chẳng hạn, đối với lĩnh vực tài chính - ngân hàng sẽ tiếp tục đổi mới quy trình, thụ tục hành chính theo hướng đơn giản, rõ ràng, bảo đảm tính minh bạch, công khai; thực hiện các biện pháp hỗ trợ doanh nghiệp, bình đẳng phát triển đối với mọi thành phần kinh tế. Thành phố sẽ có định hướng phát triển thị trường nội địa, bảo đảm hàng hóa lưu thông thông suốt; trong đó tăng cường công tác tiếp thị, mở rộng thị trường để tiêu thụ hàng hóa. Song song đó, thành phố cũng sẽ phát triển nhanh, đa dạng hóa, khai thác có hiệu quả các loại hình dịch vụ bưu chính, viễn thông nhằm cung cung cho người sử dụng dịch vụ chất lượng cao, an toàn, bảo mật, đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội của một đô thị trung tâm.

 Lĩnh vực du lịch tuy không phải là thế mạnh nhưng thời gian qua, nhờ phối hợp triển khai các chương trình kích cầu du lịch gắn với việc thúc đẩy ngành du lịch đang trên đà phát triển, TP.TDM cũng đã thu hút một lượng khách lớn, với mức tăng bình quân 12%/năm. TP.TDM cũng chú trọng đến việc mở rộng, trùng tu, tôn tạo các di tích lịch sử, văn hóa làm điểm đến tham quan, nghiên cứu khoa học cho du khách như lò lu Đại Hưng, nhà cổ Trần Văn Hổ, làng sơn mài Tương Bình Hiệp... Đặc biệt, dịch vụ lưu trú phát triển mạnh với chất lượng ngày càng được nâng cao với 22 khách sạn và 99 nhà nghỉ, trong đó có 9 khách sạn được xếp hạng từ 1 - 5 sao như khách sạn Becamex, The Mira…, bảo đảm các điều kiện để tổ chức hội nghị, hội thảo, các sự kiện lớn mang tầm quốc tế.

 

THU THẢO

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
Quay lên trên