TP.Thủ Dầu Một trên đường trở thành đô thị loại I - Kỳ cuối

Cập nhật: 18-03-2015 | 08:45:43

Kỳ cuối: Nỗ lực xây dựng các công trình

 

Năm 2015 diễn ra nhiều sự kiện quan trọng, cũng là thời điểm TP.Thủ Dầu Một phải tập trung hoàn thiện nhiều công trình hạ tầng kỹ thuật, văn hóa - xã hội trọng điểm, làm cơ sở để thành phố tiến lên đô thị loại I. Để hoàn thành nhiệm vụ đó, UBND TP.Thủ Dầu Một đã yêu cầu các ngành chức năng, đơn vị liên quan phải nêu cao tinh thần trách nhiệm, tăng cường sự phối hợp giữa các cấp, các ngành và cộng đồng, bảo đảm chất lượng công trình và phát huy hiệu quả đầu tư.

TP.Thủ Dầu Một nỗ lực trở thành đô thị loại I vào năm 2017. Trong ảnh: Một góc Thành phố mới Bình Dương (TP.Thủ Dầu Một). Ảnh: X.THI

Tập trung công tác đền bù, giải tỏa

Công tác giải tỏa, đền bù được lãnh đạo TP.Thủ Dầu Một xác định là khâu rất quan trọng trong quá trình thực hiện dự án, góp phần quyết định hiệu quả đầu tư. Bởi vì không giải phóng được mặt bằng sẽ dẫn đến kéo dài thời gian thi công, lãng phí tiền của, công sức, phát sinh nhiều vấn đề làm ảnh hưởng đến chất lượng công trình.

Theo Ban Quản lý dự án TP.Thủ Dầu Một, năm 2015, ban quản lý được giao quản lý 69 dự án, tổng vốn đầu tư là 698 tỷ đồng; trong đó vốn của tỉnh 3 dự án, vốn của thành phố 66 dự án, tập trung vào các công trình trọng điểm thuộc nhóm hạ tầng kỹ thuật, văn hóa - xã hội như: Nhóm công trình văn hóa - xã hội có các trường Tiểu học và THCS Tương Bình Hiệp, Mẫu giáo Hoa Hướng Dương, Mẫu giáo Sao Mai; nhóm công trình hạ tầng kỹ thuật có đường ven sông Sài Gòn giai đoạn I từ ngã ba đường Bùi Quốc Khánh đến cầu Thủ Ngữ, đường Bạch Đằng nối dài, đường Trần Văn Ơn… Các công trình này được thiết kế với yêu cầu vừa bảo đảm tính kỹ thuật, mỹ quan vừa phải đồng bộ với các hạng mục đô thị khác như cây xanh, đèn chiếu sáng, hệ thống điện, cấp - thoát nước, viễn thông… để tránh tình trạng làm đi làm lại nhiều lần. Tổng khối lượng thi công đến hết quý I-2015 ước đạt 15% khối lượng công trình của năm 2015. Hiện các công trình đã được giải ngân 110 tỷ đồng, chiếm 12% tổng vốn đầu tư các công trình này trong năm 2015.

Ông Nguyễn Văn Hiệp, Giám đốc Ban Quản lý dự án TP.Thủ Dầu Một cho biết, công tác đền bù giải tỏa rất quan trọng. Ngoài phần việc chuyên môn, Ban quản lý còn phối hợp chặt chẽ với các ban ngành, đoàn thể có liên quan để cùng nhau tháo gỡ khó khăn, vướng mắc; đồng thời kiến nghị lên cấp trên nhiều giải pháp trong quá trình đền bù, giải tỏa để triển khai dự án đúng kế hoạch, không để kéo dài thời gian và phát huy tốt hiệu quả vốn đầu tư.

Bảo đảm tiến độ và chất lượng công trình

Ông Hiệp cho biết thêm, để bảo đảm tiến độ thi công, chất lượng công trình, ngoài việc công khai, minh bạch trong việc tổ chức đấu thầu theo quy định của Luật Xây dựng, Luật Đấu thầu cùng các văn bản hướng dẫn khác, hồ sơ công trình như bản vẽ thiết kế, hạng mục công trình… đều phải được các ngành chức năng thẩm định theo quy định. Chủ đầu tư luôn tăng cường công tác kiểm tra, giám sát chặt chẽ các bước triển khai thi công nhằm bảo đảm chất lượng, kỹ thuật công trình đúng theo thiết kế; phát huy vai trò của tư vấn giám sát trong việc theo dõi, kiểm tra vật tư đúng theo yêu cầu đã được duyệt, không kéo dài thời gian, bảo đảm vệ sinh môi trường và không gây cản trở ảnh hưởng đến xung quanh. Chủ đầu tư cũng sẽ nâng cao trách nhiệm của đơn vị tư vấn giám sát; cùng với đó kịp thời phản ánh, kiến nghị lên cấp trên các yêu cầu bức xúc của nhân dân để có giải pháp hợp lý, đưa công trình hoàn thành đúng kế hoạch, chất lượng. Chủ đầu tư cũng sẽ nhanh chóng giải ngân, thanh toán khối lượng cho đơn vị thi công đúng với hợp đồng, góp phần phát huy hiệu quả đầu tư.

Từ việc bảo đảm chặt chẽ các quy định của pháp luật trong công tác đầu tư xây dựng, trong qúy I-2015, Ban Quản lý dự án TP.Thủ Dầu Một đã tiết kiệm được trên 277 triệu đồng cho ngân sách Nhà nước. Quan trọng hơn, không có công trình đang thi công nào vi phạm chất lượng, kỹ thuật, gây lãng phí từ khâu thiết kế, thi công đến giám sát, giải ngân…

“Cần sự chung tay, góp sức xây dựng đô thị văn minh, hiện đại”

Đó là ý kiến của ông Lâm Phi Hùng, Ủy viên Thường vụ Thành ủy, Phó Chủ tịch UBND TP.Thủ Dầu Một khi trao đổi với phóng viên Báo Bình Dương xung quanh nhiệm vụ của thành phố trong việc xây dựng đô thị văn minh, hiện đại. Ông Hùng cho biết:

TP.Thủ Dầu Một đã được công nhận là đô thị loại II và đang phấn đấu để trở thành đô thị loại I vào năm 2017. Đây là niềm vinh dự, tự hào, cũng là động lực để thành phố phấn đấu, vươn lên tiếp tục xây dựng và phát triển quê hương ngày một giàu đẹp, văn minh và hiện đại.

- Với tốc độ phát triển nhanh trên mọi mặt của thành phố trong thời gian qua thì nếp sống văn minh đô thị được thành phố thực hiện như thế nào, thưa ông?

- Trong đà phát triển nhanh chóng về kinh tế, hạ tầng, đô thị Thủ Dầu Một như hiện nay, vẫn còn có một bộ phận người dân chưa chuyển biến kịp với thời cuộc do thói quen, tập tục và cả ý thức. Vì vậy, ngoài việc tập trung tuyên truyền, vận động, hướng dẫn bằng nhiều chương trình, việc làm cụ thể nhằm nâng cao ý thức trách nhiệm, xây dựng nếp sống văn minh - gia đình văn hóa, thành phố cũng tăng cường công tác giáo dục, kiểm tra, xử lý bằng các công cụ hành chính đối với các hành vi lấn chiếm lòng lề đường, gây ô nhiễm môi trường, làm mất mỹ quan đô thị; từng bước tổ chức, xây dựng và nhân rộng điển hình gia đình văn hóa, khu phố văn hóa, tuyến phố văn minh…

- Theo tìm hiểu của phóng viên, một phần nguyên nhân của sự chưa chuyển biến kịp với nếp sống văn minh đô thị của một bộ phận dân cư là do đời sống kinh tế của người dân còn gặp khó khăn. Ý kiến của ông về vấn đề này như thế nào?

- Điều này hoàn toàn đúng với tầm nhìn và dự báo của thành phố. Vì thế, thành phố mới có kế hoạch giảm nghèo theo tiêu chí của tỉnh mỗi năm 1%, cùng với các giải pháp chuyển dịch cơ cấu kinh tế phù hợp; trong đó có tính đến khả năng thích ứng để vươn lên của một bộ phận dân cư có tay nghề nhưng thiếu vốn sản xuất hoặc ngược lại, bằng cách tham gia vào các làng nghề, các hợp tác xã hoặc chuyển đổi sang hình thức nông nghiệp đô thị không gây ô nhiễm môi trường, nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao. Ngoài ra, thành phố còn đẩy mạnh thu hút đầu tư phát triển công nghiệp theo định hướng của tỉnh đó là sử dụng công nghệ cao, ít thâm dụng lao động; thương mại - dịch vụ đô thị cao cấp; bên cạnh đó tạo điều kiện việc làm cho dân cư địa phương với thu nhập ổn định. Thành phố cũng khuyến khích người dân phát triển dịch vụ phù hợp, tạo điều kiện công ăn việc làm cho mình và người dân xung quanh.

Thay đổi thói quen đã hình thành từ lâu là vấn đề không đơn giản, cần có sự kiên trì, nỗ lực rất lớn từ nhiều phía, trong đó phải kể đến sự nỗ lực vươn lên của chính những người trong cuộc. Ngoài việc phát triển thương mại - dịch vụ cao cấp, thành phố vẫn duy trì các chợ truyền thống để người dân có điều kiện sinh hoạt, mua bán trao đổi hàng hóa nhưng phải được tổ chức phù hợp với không gian đô thị.

DUY CHÍ (thực hiện)

 

DUY CHÍ

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
Quay lên trên