Trả lời bạn đọc

Cập nhật: 10-01-2015 | 09:04:26

Hỏi: Theo quyết định của TAND huyện Dầu Tiếng, chồng tôi là người mất năng lực hành vi dân sự và tôi là người giám hộ. Sau khi cha chồng tôi mất, các anh, chị, em trong gia đình không chia đất của cha chồng để lại cho chồng tôi. Do đó, tôi đã đại diện chồng tôi khởi kiện “Tranh chấp di sản thừa kế” tại TAND huyện Dầu Tiếng. Tôi muốn nhờ Trung tâm Trợ giúp pháp lý Nhà nước tỉnh Bình Dương cử người bảo vệ quyền lợi cho tôi trong vụ án trên thì có được không?

Bà CHÂU KIM E. (huyện Dầu Tiếng)

 

 

 Nhân viên trợ giúp pháp lý đang tư vấn cho người dân Ảnh: NGỌC HOÀNG

Trả lời: Cha chồng của bà chết thì phát sinh quyền thừa kế của những người thừa kế theo di chúc, theo pháp luật, thừa kế thế vị, thừa kế không phụ thuộc vào nội dung di chúc (nếu có) và chồng bà là một trong những người thừa kế của cha chồng bà. Do đó, khi quyền lợi hợp pháp bị xâm phạm (không được chia di sản của cha chồng), chồng bà có quyền khởi kiện yêu cầu chia di sản thừa kế của cha chồng. Trong vụ án “Tranh chấp di sản thừa kế” của cha chồng bà, chồng bà là nguyên đơn, còn bà chỉ là người đại diện theo pháp luật của chồng bà.

Điều 5 Luật Trợ giúp pháp lý quy định vụ việc trợ giúp pháp lý phải liên quan đến quyền, lợi ích hợp pháp của người được trợ giúp pháp lý và không thuộc lĩnh vực kinh doanh, thương mại. Như vậy, chồng bà phải là người yêu cầu trợ giúp pháp lý (vì vụ việc liên quan đến quyền, lợi ích hợp pháp của chồng bà) và bà chỉ là người đại diện cho chồng bà yêu cầu trợ giúp pháp lý.

Khoản 1 Điều 1 Nghị định số 14/2013/NĐ-CP ngày 5-2- 2013 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 07/2007/NĐ-CP ngày 12-1-2007 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Trợ giúp pháp lý quy định người khuyết tật thuộc đối tượng được trợ giúp pháp lý và Khoản 1 Điều 3 Luật Người Khuyết tật quy định các dạng tật, trong đó có khuyết tật thần kinh, tâm thần.

Điều 27 Luật Trợ giúp pháp lý quy định các hình thức trợ giúp pháp lý bao gồm: Tư vấn pháp luật, tham gia tố tụng, đại diện ngoài tố tụng và các hình thức trợ giúp pháp lý khác.

Căn cứ các quy định trên, chồng bà được xác định là người khuyết tật nên thuộc đối tượng được trợ giúp pháp lý. Bà có quyền đại diện cho chồng bà yêu cầu Trung tâm cử Luật sư là cộng tác viên hoặc Trợ giúp viên pháp lý tham gia tố tụng để bảo vệ quyền lợi hợp pháp cho chồng bà trong vụ án “Tranh chấp di sản thừa kế” của cha chồng bà.

  Hỏi: Tôi có một người chị gái bị khuyết tật tay nên không viết được. Chị gái tôi hiện là bị đơn trong vụ án “Tranh chấp quyền sử dụng đất”. Hỏi, chị tôi muốn yêu cầu trợ giúp pháp lý mà không viết được đơn thì phải làm như thế nào?

Ông NGUYỄN VĂN V. (thành phố Thủ Dầu Một)

Trả lời: Khoản 1 Điều 1 Nghị định số 14/2013/NĐ- CP quy định người khuyết tật thuộc đối tượng được trợ giúp pháp lý.

Điều 33 Luật Trợ giúp pháp lý quy định người được trợ giúp pháp lý phải có đơn yêu cầu hoặc gặp người thực hiện trợ giúp pháp lý trình bày và có giấy tờ chứng minh là người được trợ giúp pháp lý. Trong trường hợp người được trợ giúp pháp lý không thể tự mình viết đơn yêu cầu thì người thực hiện trợ giúp pháp lý có trách nhiệm ghi các nội dung vào mẫu đơn, để họ tự đọc hoặc đọc lại cho họ nghe và yêu cầu họ ký tên hoặc điểm chỉ.

Đồng thời tại Khoản 2 Điều 1 Thông tư số 19/2011/TT-BTP ngày 31-10-2011 của Bộ Tư pháp sửa đổi, bổ sung một số quy định về thủ tục hành chính của Thông tư số 05/2008/TT-BTP ngày 23-9-2008, Thông tư số 03/2008/TT-BTP ngày 25- 8-2008 và Thông tư số 01/2010/ TT-BTP ngày 9-2-2010 của Bộ Tư pháp quy định trong trường hợp người có yêu cầu chưa viết đơn thì người tiếp nhận phải hướng dẫn họ điền và ký vào đơn. Nếu họ không thể tự mình viết đơn được thì người tiếp nhận có trách nhiệm điền đầy đủ các thông tin cần thiết vào mẫu đơn, để họ tự đọc hoặc đọc lại cho họ nghe và đề nghị họ ký tên hoặc điểm chỉ vào đơn.

Căn cứ các quy định trên, chị của ông là người được trợ giúp pháp lý. Chị của ông có quyền yêu cầu Trung tâm Trợ giúp pháp lý nhà nước tỉnh Bình Dương thực hiện trợ giúp pháp lý theo quy định. Trường hợp, chị của ông không thể viết đơn yêu cầu trợ giúp pháp lý thì người tiếp nhận sẽ điền đầy đủ các thông tin cần thiết vào mẫu đơn theo lời trình bày của chị ông. Chị của ông tự đọc hoặc người tiếp nhận đọc lại cho chị ông nghe và chị ông điểm chỉ vào đơn.

Lưu ý: Khi yêu cầu trợ giúp pháp lý, chị của ông phải xuất trình giấy tờ chứng minh mình là người khuyết tật và các giấy tờ, tài liệu có liên quan đến vụ án (nếu có).

SỞ TƯ PHÁP BÌNH DƯƠNG

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
Quay lên trên