Trả lời bạn đọc

Cập nhật: 12-12-2015 | 11:07:47

Hỏi: Do cần tiền nên tôi đã mang xe ô tô đến cầm cố tại tiệm cầm đồ của ông Hải. Trong hợp đồng, tôi và ông Hải có thỏa thuận về thời hạn trả nợ và lấy lại xe. Trong thời gian cầm cố, ông Hải đã cho người khác thuê xe của tôi sử dụng mà tôi không hề hay biết. Đến thời hạn ghi trong hợp đồng, tôi đến trả nợ, lấy lại xe thì chiếc xe của tôi đã bị hư hỏng nặng. Hỏi trong trường hợp này, tôi có quyền yêu cầu ông Hải bồi thường thiệt hại khi xe tôi bị hư hỏng hay không?

Ông NGUYỄN VĂN T. (TX.Thuận An)

Trả lời: Theo quy định tại Điều 326 Bộ luật Dân sự (BLDS) năm 2005 cầm cố tài sản là việc một bên giao tài sản thuộc quyền sở hữu của mình cho bên kia để bảo đảm thực hiện nghĩa vụ dân sự.

Tại Điều 332 BLDS quy định bên nhận cầm cố có các nghĩa vụ sau:

+ Bảo quản, giữ gìn tài sản cầm cố; nếu làm mất hoặc hư hỏng tài sản cầm cố thì phải bồi thường thiệt hại cho bên cầm cố;

+ Không được bán, trao đổi, tặng cho, cho thuê, cho mượn tài sản cầm cố; không được đem tài sản cầm cố để bảo đảm thực hiện nghĩa vụ khác;

+ Không được khai thác công dụng, hưởng hoa lợi, lợi tức từ tài sản cầm cố, nếu không được bên cầm cố đồng ý;

+ Trả lại tài sản cầm cố khi nghĩa vụ được bảo đảm bằng cầm cố chấm dứt hoặc được thay thế bằng biện pháp bảo đảm khác.

Ngoài ra, theo quy định tại Khoản 1 Điều 17 Nghị định 163/2006/NĐ-CP ngày 29-12-2006 của Chính phủ quy định về giao dịch bảo đảm thì trong trường hợp tài sản cầm cố bị hư hỏng do lỗi của bên nhận cầm cố thì phải bồi thường thiệt hại cho bên cầm cố.

Như vậy, căn cứ theo các quy định trên, việc ông Hải, chủ tiệm cầm đồ khi không được sự đồng ý của ông mà tự ý cho thuê chiếc xe là tài sản cầm cố của ông gây hư hỏng nặng thì đã vi phạm quy định về nghĩa vụ của bên nhận cầm cố. Trong trường hợp này ông có quyền yêu cầu ông Hải phải bồi thường thiệt hại đối với chiếc xe bị hư hỏng của ông. Trường hợp ông Hải không thực hiện việc bồi thường thì ông có quyền khởi kiện tại tòa án nhân dân quận, huyện, thị xã, thành phố nơi ông Hải cư trú để được giải quyết theo quy định của pháp luật.

Hỏi: Gia đình tôi có căn nhà tại phường Bình An, TX.Dĩ An. Căn nhà này đang được thế chấp tại Ngân hàng TMCP Công thương chi nhánh Dĩ An. Vừa qua bạn tôi muốn thuê lại căn nhà này để buôn bán. Tôi xin hỏi, căn nhà này đang thế chấp tại ngân hàng thì có được cho người khác thuê hay không?

Bà NGUYỄN QUỲNH H. (TX.Dĩ An)

Trả lời: Tại Khoản 5 Điều 349 BLDS 2005 quy định bên thế chấp có quyền được cho thuê, cho mượn tài sản thế chấp nhưng phải thông báo cho bên thuê, bên mượn biết về việc tài sản cho thuê, cho mượn đang được dùng để thế chấp và phải thông báo cho bên nhận thế chấp biết.

Do đó, căn cứ quy định trên thì bà có quyền cho người bạn của mình thuê căn nhà mà bà đang thế chấp tại Ngân hàng TMCP Công thương. Tuy nhiên, khi cho thuê căn nhà bà cần phải tiến hành thông báo cho người bạn của bà về việc căn nhà này đang dùng để thế chấp, cũng như phải thông báo cho Ngân hàng Công thương chi nhánh Dĩ An về việc cho thuê căn nhà này.

Trong trường hợp nếu bà cho thuê tài sản thế chấp mà không thông báo cho bên thuê là bạn của bà về việc tài sản đang được dùng để thế chấp thì trong trường hợp gây ra thiệt hại thì phải bồi thường cho bên thuê.

Khi tài sản thế chấp bị xử lý để thực hiện nghĩa vụ thì hợp đồng cho thuê tài sản đang thế chấp chấm dứt. Bên thuê phải giao tài sản cho bên nhận thế chấp để xử lý, trừ trường hợp bên nhận thế chấp và bên thuê có thỏa thuận khác (căn cứ Điều 23 Nghị định số 163/2006/ NĐ-CP ngày 29-12-2006 về giao dịch bảo đảm).

 

SỞ TƯ PHÁP TỈNH

 

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
Quay lên trên