Trả lời bạn đọc

Cập nhật: 14-05-2016 | 06:25:30

Hỏi: Vừa qua, con tôi điều khiển xe mô tô vượt đèn đỏ. Sau khi Cảnh sát giao thông kiểm tra giấy tờ, ngoài việc con tôi bị phạt lỗi vượt đèn đỏ thì còn phạt thêm lỗi tự ý đổi màu sơn của xe không đúng với giấy đăng ký xe mặc dù con tôi đã giải thích là do màu sơn trước bị tróc vảy nên sơn lại màu mới, tổng số tiền phạt vi phạm hành chính là 450.000 đồng. Vậy tôi xin hỏi việc xử phạt như vậy có đúng theo quy định không?

Ông Nguyễn Bá T. (TX.Dĩ An)

Trả lời: Theo quy định tại Điểm c, Khoản 4, Điều 6 Nghị định 171/2013/ NĐ-CP ngày 13-11-2013 của Chính phủ quy định về việc xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ và đường sắt thì phạt tiền từ 200.000 đến 400.000 đồng đối với hành vi khi tín hiệu đèn giao thông đã chuyển sang màu đỏ nhưng không dừng lại trước vạch dừng mà vẫn tiếp tục đi, trừ trường hợp đã đi quá vạch dừng trước khi tín hiệu đèn giao thông chuyển sang màu vàng.

Bên cạnh đó, Khoản 8, Điều 1 Nghị định 107/2014/NĐ-CP ngày 17-11- 2014 của Chính phủ về việc sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định 171/2013/NĐ-CP ngày 13-11-2013 của Chính phủ quy định về việc xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ và đường sắt quy định phạt tiền từ 100.000 đến 200.000 đồng đối với cá nhân là chủ xe mô tô, xe gắn máy và các loại xe tương tự xe mô tô, từ 200.000 đến 400.000 đồng đối với tổ chức là chủ xe mô tô, xe gắn máy và các loại xe tương tự xe mô tô thực hiện hành vi vi phạm tự ý thay đổi nhãn hiệu, màu sơn của xe không đúng với Giấy đăng ký xe.

Tại Điểm đ, Khoản 1, Điều 3 Luật Xử lý vi phạm hành chính năm 2012 quy định một người thực hiện nhiều hành vi vi phạm hành chính hoặc vi phạm hành chính nhiều lần thì bị xử phạt về từng hành vi vi phạm.

Khoản 4, Điều 23 Luật Xử lý vi phạm hành chính quy định: “Mức tiền phạt cụ thể đối với một hành vi vi phạm hành chính là mức trung bình của khung tiền phạt được quy định đối với hành vi đó; nếu có tình tiết giảm nhẹ thì mức tiền phạt có thể giảm xuống nhưng không được giảm quá mức tối thiểu của khung tiền phạt; nếu có tình tiết tăng nặng thì mức tiền phạt có thể tăng lên nhưng không được vượt quá mức tiền phạt tối đa của khung tiền phạt”.

Căn cứ các quy định trên, Cảnh sát giao thông đã xử phạt vi phạm hành chính đối với hành vi vượt đèn đỏ và tự ý đổi màu sơn của xe không đúng với giấy phép lái xe của con ông là hoàn toàn đúng theo quy định pháp luật. Vì con ông vi phạm hai lỗi là vượt đèn đỏ và tự ý đổi màu sơn của xe không đúng với giấy phép lái xe thì sẽ bị xử phạt về từng hành vi và mức phạt trung bình của khung hình phạt đối với hành vi vượt đèn đỏ là 300.000 đồng và hành vi tự ý thay đổi màu sơn của xe là 150.000 đồng. Tổng mức hình phạt đối với hai hành vi vi phạm hành chính nêu trên là 450.000 đồng.

Hỏi: Chị tôi về quê hơn 1 tháng nên tôi mượn xe máy của chị đi chơi, mặc dù tôi chưa có giấy phép lái xe. Tôi bị CSGT lập biên bản vi phạm về hành vi điều khiển phương tiện không có giấy phép lái xe. Tuy nhiên, CSGT còn lập biên bản hành chính đối với chị tôi về hành vi giao xe cho người không có đủ điều kiện theo quy định và bắt tôi ký tên chứng kiến vào biên bản. Sau đó họ còn ra quyết định xử phạt và bắt tôi phải đóng tiền phạt thay chị mới cho nhận lại xe. Tôi xin hỏi việc lực lượng công an lập biên bản và xử phạt với chị tôi trong khi chưa làm việc với chị tôi, chị tôi không có mặt tại nơi vi phạm như vậy có đúng không?

Anh Lê Thanh H. (TX.Tân Uyên)

Trả lời: Tại Khoản 2 Điều 74 Nghị định 171/2013/NĐ-CP có quy định: “Trong trường hợp chủ phương tiện vi phạm không có mặt tại nơi xảy ra vi phạm, thì người có thẩm quyền xử phạt căn cứ vào hành vi vi phạm để lập biên bản vi phạm hành chính đối với chủ phương tiện và tiến hành xử phạt theo quy định của pháp luật, người điều khiển phương tiện phải ký vào biên bản vi phạm hành chính với tư cách là người chứng kiến và được chấp hành quyết định xử phạt thay cho chủ phương tiện. Trường hợp người điều khiển phương tiện không chấp hành quyết định xử phạt thay cho chủ phương tiện thì người có thẩm quyền xử phạt tiến hành tạm giữ phương tiện để bảo đảm cho việc xử phạt đối với chủ phương tiện”.

Căn cứ theo quy định trên, việc CSGT lập biên bản khi chị của anh không có mặt tại nơi vi phạm, anh phải ký vào biên bản với tư cách là người chứng kiến và được chấp hành hình phạt thay cho chị anh để nhận lại xe là đúng theo quy định. Trong trường hợp anh không đóng tiền phạt thay cho chị anh thì CSGT có quyền tạm giữ xe của chị anh để bảo đảm cho việc xử phạt đối với chị anh.

SỞ TƯ PHÁP

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
Quay lên trên