Trả lời bạn đọc ngày 16-7

Cập nhật: 16-07-2016 | 08:56:14

Hỏi: Chồng tôi tham gia kháng chiến chống Pháp bị thương ở chiến trường và về nghỉ thương binh theo mức 62% tỷ lệ thương tật kể từ ngày 1-12-1988. Đến năm 2000 thì chồng tôi chết, lúc đó tôi chưa được hưởng tiền tuất do chưa đủ tuổi hưởng. Lúc chồng tôi còn sống, vợ chồng tôi sinh sống tại xã Thiệu Yên, huyện Yên Định, tỉnh Thanh Hóa. Năm nay tôi đã 55 tuổi thì tôi cần làm thủ tục gì để được hưởng tiền tuất của chồng?

NGUYỄN THỊ N. (xã Tân Định, huyện Bắc Tân Uyên)

Trả lời: Căn cứ Khoản 2, Điều 32, Nghị định 31/2013/NĐ-CP ngày 9-4-2013 của Chính phủ quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành một số điều của Pháp lệnh Ưu đãi người có công với cách mạng, trường hợp thương binh suy giảm khả năng lao động do thương tật từ 61% trở lên chết thì thân nhân sẽ được hưởng trợ cấp tiền tuất hàng tháng, cụ thể là cha đẻ, mẹ đẻ, vợ hoặc chồng từ đủ 60 tuổi trở lên đối với nam, từ đủ 55 tuổi trở lên đối với nữ; con dưới 18 tuổi hoặc từ đủ 18 tuổi trở lên nếu còn tiếp tục đi học được hưởng trợ cấp tuất hàng tháng từ tháng liền kề khi thương binh chết.

Theo thông tin bà cung cấp chồng bà tham gia kháng chiến và là thương binh theo mức 62% tỷ lệ thương tật. Năm 2000 chồng bà chết và hiện bà đã đủ 55 tuổi, do đó bà có quyền được hưởng trợ cấp tiền tuất hàng tháng theo quy định trên.

Để được hưởng chế độ tử tuất, theo Điều 40 Thông tư 05/2013/TT-BLĐTBXH về hướng dẫn thủ tục lập hồ sơ, quản lý hồ sơ, thực hiện chế độ ưu đãi người có công với cách mạng và thân nhân, bà cần chuẩn bị một bộ hồ sơ gồm các giấy tờ sau:

- Bản khai của thân nhân người có công với cách mạng từ trần theo mẫu TT1/Thông tư 05/2013/TT-BLĐTBXH.

- Bản sao giấy chứng tử.

Về thủ tục, bà cần lập bản khai tình hình thân nhân gửi UBND xã Thiệu Yên, huyện Uyên Định, tỉnh Thanh Hóa (nơi chồng bà sinh sống trước khi chết) kèm bản sao giấy chứng tử.

UBND cấp xã trong thời gian 5 ngày kể từ ngày nhận được bản khai và các giấy tờ kèm theo, có trách nhiệm chứng nhận tình hình thân nhân (bao gồm cả trường hợp thân nhân hưởng thêm trợ cấp tiền tuất nuôi dưỡng hàng tháng) và gửi các giấy tờ này đến Phòng Lao động - Thương binh và Xã hội. Phòng Lao động - Thương binh và Xã hội trong thời gian 10 ngày kể từ ngày nhận đủ các giấy tờ, có trách nhiệm lập danh sách những trường hợp đủ điều kiện hưởng trợ cấp tiền tuất hàng tháng gửi đến Sở Lao động - Thương binh và Xã hội kèm các giấy tờ theo quy định. Sở Lao động - Thương binh và Xã hội trong thời gian 10 ngày kể từ ngày nhận đủ hồ sơ hợp lệ có trách nhiệm đối chiếu, ghép hồ sơ người có công đang quản lý với hồ sơ đề nghị hưởng tuất và ra quyết định trợ cấp.

 Hỏi: Trong thời gian tham gia kháng chiến chống Mỹ, Tôi bị thương và được hưởng chế độ trợ cấp hàng tháng dành cho thương binh hạng 3. Từ khi đất nước được giải phóng cho đến nay, tôi sinh sống tại huyện Đức Trọng, tỉnh Lâm Đồng. Nay tôi đang làm thủ tục chuyển hộ khẩu về Bình Dương sinh sống với gia đình đứa con trai út. Bây giờ, tôi muốn ủy quyền cho người em trai của tôi ở huyện Đức Trọng nhận tiền trợ cấp thương binh hàng tháng thì có được không? Trường hợp tôi chuyển hồ sơ hưởng trợ cấp về Bình Dương thì thủ tục như thế nào?

Ông LÊ VIỆT H. (xã Lai Uyên, huyện Bàu Bàng)

Trả lời: Về trường hợp ủy quyền cho em trai nhận trợ cấp hàng tháng đối với thương binh.

Theo quy định tại Điều 42 Thông tư số 05/2013/ TT-BLĐTBXH về hướng dẫn thủ tục lập hồ sơ, quản lý hồ sơ, thực hiện chế độ ưu đãi người có công với cách mạng và thân nhân, trường hợp của ông đã thay đổi nơi cư trú nên không có điều kiện trực tiếp nhận tiền lương hưu hàng tháng thì ông có thể lập giấy ủy quyền có xác nhận của UBND cấp xã nơi cư trú để ủy quyền cho người em trai nhận tiền lương hàng tháng thay ông.

Giấy ủy quyền có thời hạn là 3 tháng đối với người có công hoặc thân nhân hiện đang cư trú trong nước và thời hạn 6 tháng đối với trường hợp đang cư trú ở nước ngoài. Khi hết thời hạn được ủy quyền, trong thời gian không quá 3 tháng nếu chưa có giấy ủy quyền mới thì Sở Lao động - Thương binh và Xã hội ra quyết định tạm đình chỉ chế độ trợ cấp.

Về thủ tục chuyển hồ sơ hưởng chế độ từ tỉnh Lâm Đồng về Bình Dương: Căn cứ Điều 49 Thông tư 05/2013/TT-BLĐTBXH, trường hợp ông thay đổi nơi cư trú từ Lâm Đồng về Bình Dương thì để được hưởng trợ cấp tại Bình Dương, hướng dẫn ông liên hệ Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tỉnh Lâm Đồng để thực hiện các thủ tục cần thiết. Hồ sơ bao gồm:

- Đơn đề nghị di chuyển hồ sơ theo mẫu (Mẫu HS6).

- Bản sao sổ hộ khẩu hoặc sổ tạm trú dài hạn.

Trong thời gian 15 ngày kể từ ngày nhận đơn, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội Lâm Đồng có trách nhiệm kiểm tra, hoàn tất hồ sơ di chuyển và gửi đến Sở Lao động - Thương binh và Xã hội nơi cá nhân cư trú cụ thể là Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tỉnh Bình Dương, đồng thời 1 phiếu báo di chuyển hồ sơ về Cục Người có công để theo dõi, quản lý và gửi 1 phiếu báo di chuyển cho cá nhân để biết.

Trong thời hạn 10 ngày kể từ ngày tiếp nhận hồ sơ, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tỉnh Bình Dương tiến hành xem xét hồ sơ và thực hiện đăng ký quản lý đối tượng và thực hiện tiếp các chế độ ưu đãi theo quy định dành cho người được hưởng chế độ.

SỞ TƯ PHÁP

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
Quay lên trên