Trách nhiệm với cử tri

Cập nhật: 20-04-2021 | 08:27:06

Cách đây 5 năm, trong chương trình hành động khi ứng cử đại biểu Quốc hội, bà Trương Thị Bích Hạnh, Trưởng ban Tuyên giáo Tỉnh ủy, khẳng định: “Tôi sẽ dành tâm sức để tham gia xây dựng các chủ trương, chính sách, pháp luật nhằm bảo vệ quyền lợi hợp pháp, chính đáng của công nhân, viên chức và người lao động (NLĐ), góp phần xây dựng giai cấp công nhân và tổ chức công đoàn ngày càng lớn mạnh”. Và trong nhiệm kỳ 5 năm làm đại biểu Quốc hội khóa XIV, Ủy viên Ủy ban Về các vấn đề xã hội Quốc hội, bà Trương Thị Bích Hạnh đã thực hiện lời hứa của mình trước cử tri; đồng thời tham gia xây dựng nhiều chương trình hiệu quả dành cho NLĐ.

Bà Trương Thị Bích Hạnh, đại biểu Quốc hội khóa XIV chất vấn tại nghị trường Quốc hội

Nói đi đôi với làm

Tôi gặp bà Trương Thị Bích Hạnh khi nhiệm vụ của người đại biểu Quốc hội của bà cơ bản đã hoàn thành. Như bà từng hứa: “Tôi ý thức rằng một cá nhân không thể am hiểu thông suốt tất cả các lĩnh vực nhưng với trách nhiệm trước cử tri, người đại biểu cần phải lắng nghe, tập hợp và phản ánh đầy đủ những ý kiến của cử tri đến cơ quan chức năng”. Và, bà đã thực hiện được lời hứa đó trước cử tri. Tại nghị trường Quốc hội, bà đã có nhiều phát biểu liên quan đến công nhân lao động, đến bình đẳng giới, trong đó đặc biệt bảo vệ quyền lợi của nữ công nhân lao động.

Bà Hạnh từng đề cập đến các trường hợp doanh nghiệp vi phạm pháp luật lao động, trong đó có các quy định riêng đối với lao động nữ trong thời gian qua đã ảnh hưởng đến quyền lợi hợp pháp của NLĐ và sự nghiêm minh của pháp luật như tỷ lệ lao động nữ qua đào tạo thấp hơn nam, tỷ lệ thất nghiệp, thiếu việc làm ở nữ đều cao hơn nam, thu nhập bình quân hàng tháng của lao động nữ làm công hưởng lương thấp hơn 10,7% so với lao động nam. Mặt khác, tình trạng hạn chế sử dụng lao động độ tuổi 35 trở lên, trong đó phần lớn là lao động nữ đang là một vấn đề nổi lên trong thị thường lao động.

Khi Quốc hội lấy ý kiến dự thảo Bộ luật Lao động (sửa đổi), với vai trò Ủy viên Ủy ban Về các vấn đề xã hội Quốc hội, Chủ tịch Liên đoàn Lao động tỉnh, bà đã dành nhiều tâm huyết cho các vấn đề mà NLĐ quan tâm. Đó là việc điều chỉnh tăng tuổi nghỉ hưu và việc tăng giờ làm thêm. Những ý kiến này của bà và các đại biểu khác đã được ghi nhận và Bộ luật Lao động (sửa đổi) khi có hiệu lực đã nhận được sự đồng tình của NLĐ.

Đề xuất các giải pháp

Không chỉ làm tốt vai trò người đại biểu dân cử, khi đảm trách cương vị Chủ tịch Liên đoàn Lao động tỉnh, bà đã cùng tập thể đề ra nhiều giải pháp, hoạt động hiệu quả. Nổi bật là Đề án tổng thể “Đổi mới tổ chức, nội dung và phương thức hoạt động Công đoàn tỉnh Bình Dương trong tình hình mới”. Đề án này đã củng cố và phát triển tổ chức công đoàn cơ sở vững mạnh, mối quan hệ lao động hài hòa, ổn định, tiến bộ tại doanh nghiệp, góp phần phát triển bền vững kinh tế - xã hội của tỉnh. Theo đó, Liên đoàn Lao động tỉnh đã xây dựng các đề án thành phần như thành lập Quỹ “Hỗ trợ công nhân lao động có hoàn cảnh khó khăn”; Đề án “Chăm lo đời sống vật chất, tinh thần cho đoàn viên, NLĐ” và nhiều mô hình, kế hoạch thí điểm… Đặc biệt là thành lập đường dây “nóng” về quan hệ lao động của Công đoàn Bình Dương. Sau khi đi vào hoạt động, đường dây “nóng” đã tiếp nhận nhiều thông tin phản ánh của NLĐ. Các thông tin cần hỗ trợ, tư vấn pháp luật đã được hướng dẫn, chuyển thông tin về cho Trung tâm Tư vấn pháp luật kịp thời tiếp nhận, xử lý, hỗ trợ NLĐ. Những đề án này đã tạo ra đột phá nhằm đổi mới và nâng cao chất lượng hoạt động công đoàn, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới.

Bà Trương Thị Bích Hạnh chia sẻ: “Đối với một đại biểu kiêm nhiệm, đặc biệt ở vai trò lãnh đạo cơ quan thì việc thu xếp thời gian để vừa bảo đảm công tác lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành hoạt động đơn vị, vừa bảo đảm thời gian hoạt động của Quốc hội là không dễ. Bản thân tôi, trong nhiệm kỳ qua đã được sự giúp đỡ, tạo điều kiện của các đồng chí lãnh đạo, đồng chí, đồng nghiệp trong hoạt động chuyên môn. Một trong nhiều thuận lợi của tôi là có quá trình, thời gian dài gắn bó với thực tiễn hoạt động công đoàn và cuộc sống của NLĐ, từ đó kiên trì đề xuất trong công tác xây dựng luật, cũng như công tác giám sát của Quốc hội...”.

Trong phiên chất vấn ngày 1-11-2018, bà Hạnh nêu ý kiến, tại kỳ họp thứ 4, bà và một số đại biểu đã chất vấn về các vướng mắc liên quan đến quyền khởi kiện của tổ chức công đoàn đối với các doanh nghiệp nợ bảo hiểm xã hội. Từ những vướng mắc đó, Nghị quyết số 55 của Quốc hội về hoạt động chất vấn tại kỳ họp đã giao cho ngành tòa án thống nhất công tác xét xử liên quan đến nợ bảo hiểm xã hội. Tuy nhiên, vấn đề vẫn “giẫm chân tại chỗ”. Và, trong báo cáo của Chánh án Tòa án Nhân dân tối cao tại phiên chất vấn cũng không đề cập đến nội dung trên. Vì vậy, bà đề nghị Chánh án Tòa án Nhân dân tối cao cho biết hướng giải quyết đối với những vướng mắc nêu trên, nhằm bảo đảm quyền lợi an sinh hợp pháp của NLĐ và quyền khởi kiện của tổ chức công đoàn. Đi đến cùng của vấn đề, ý kiến chất vấn của bà đã được cơ quan chức năng lắng nghe, tiếp thu.

 THU THẢO

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
Quay lên trên