Trăm năm guốc có còn khua gõ?

Cập nhật: 03-12-2019 | 08:39:27

Theo nhiều tài liệu ghi chép, nghề làm guốc mộc có mặt tại Bình Dương từ đầu thế kỷ XX. Từ những năm 1900, theo dấu chân của những người di dân, guốc mộc đã bắt đầu xuất hiện ở Nam kỳ lục tỉnh. Thời ấy không phải ai cũng có điều kiện mặc đồ âu phục, đi giày Tây. Guốc mộc trở thành món “thời trang” bình dân đại chúng, từ nam phụ, lão ấu đều có thể mang guốc mộc.


Dì Năm Ly tại cơ sở guốc của gia đình. Ảnh: PHÙNG HIẾU

Tiếng guốc khua đầu ngõ báo hiệu nhà có khách hay người thân từ phương xa trở về. Thậm chí, đối với nhiều phụ nữ, guốc mộc phải có tới 2 - 3 đôi, cái để mang đi chơi, cái để mang đi chợ... cũng là một cách để thể hiện sự “sang chảnh” theo quan niệm lúc bấy giờ.

Nghịch lý nghề làm guốc

Theo lời kể của nghệ nhân Sáu Dẻo (phường Phú Thọ, TP.Thủ Dầu Một), từ đời ông nội gia đình ông đã biết làm guốc. Ông nội truyền nghề cho cha ông, cha ông lại truyền lại cho con cháu. Nghề làm guốc khi ấy dư sức tạo ra sự phồn vinh cho kinh tế gia đình. Cứ thế, ông bám trụ với nghề ròng rã hơn 60 năm. Tới khi vào lứa tuổi “thất thập cổ lai hy” ông mới chịu ngơi tay, truyền nghề lại cho con cháu.

Khác với một số nghề truyền thống của người Hoa có mặt từ buổi đầu khai hoang đất Bình Dương chỉ biệt truyền, không truyền nghề cho người ngoài hay con gái. Nghề làm guốc mộc xưa theo lối cha truyền con nối, chồng truyền cho vợ, anh chị em trong nhà truyền nghề cho nhau. Từ một hai nhà làm guốc ban đầu, cứ thế theo thời gian cho ra đời hàng chục gia đình làm guốc mộc, tạo thành làng nghề làm guốc mộc nổi tiếng của Bình Dương: Làng Bình Nhâm (nay thuộc TX.Thuận An) và làng Phú Văn (nay thuộc TP.Thủ Dầu Một).

Ít có cái nghề nào lại dễ làm hơn guốc mộc. Từ đứa bé 7 - 8 tuổi đến cụ ông 70 - 80 tuổi nếu còn sức đều có thể tham gia vào một trong các công đoạn làm ra một đôi guốc mộc. Phụ nữ khéo tay, khéo chân thì nhận khâu vẽ trang trí họa tiết trên guốc, trai tráng lực điền thì xẻ gỗ, đục phôi… cứ thế họ cùng giúp nhau có thêm việc làm lúc nông nhàn. Cũng ít có nghề nào không có sự phân chia giai cấp giữa “chủ và tớ” như nghề làm guốc. Ông chủ, bà chủ cho đến thợ làm công quần quật cùng nhau làm guốc, tới bữa ăn trưa chủ thợ cùng quây quần bên mâm cơm nóng hổi, rổn rẻng tiếng nói cười như những người thân thích trong nhà.

Sau nhiều thăng trầm, từ năm 1975 đến năm 2000 nghề guốc mộc lại phát triển cực thịnh. Giai đoạn đất nước còn gặp nhiều khó khăn, dép nhựa, giày Tây... là món hàng xa xỉ, guốc mộc trở thành vật dụng không thể thiếu trong mỗi gia đình Việt Nam. Thậm chí đầu những năm 1990, guốc mộc còn xuất khẩu sang các nước châu Âu, Nhật Bản, lãnh thổ Đài Loan (Trung Quốc)... thu về cho tỉnh nhà hàng triệu USD.

Theo ông Thái Văn Anh Hùng, Giám đốc Công ty guốc Hùng Thái (TX.Thuận An), thời kỳ đỉnh cao mỗi tháng công ty xuất xưởng hàng chục ngàn đôi guốc. Từ năm 2010 đến nay, nghề làm guốc đi xuống, bởi hiện nay hàng hóa tràn ngập thị trường nội địa, đôi guốc mộc ngày xưa có đến hàng chục sản phẩm thay thế khác với những tên tuổi nổi tiếng thế giới như Adidas, Nike... Bên cạnh đó, thị hiếu tiêu dùng thay đổi, đời sống kinh tế của người dân ngày một đi lên nên họ có nhiều lựa chọn cho mình.

Nói nghịch lý nghề làm guốc là có lý do của nó. Trong khi thị trường nội địa tràn ngập dép, giày với đủ loại chất liệu nhựa, da, vải... đôi guốc mộc truyền thống không còn phù hợp với số đông người dân Việt. Nhưng ở thị trường xuất khẩu, các nhà buôn từ Nhật Bản, Hàn Quốc, châu Âu... vẫn còn chịu khó về Bình Dương để mua guốc mộc bán kiếm lời.

Rất khẽ tiếng xưa vọng về…

Nói “rất khẽ” là vì hiện nay Bình Nhâm không còn rộn ràng nhịp búa nhịp gỗ của nghề guốc xưa. Hiện chỉ có gia đình ông Út Đua và người cháu sản xuất guốc mộc theo cách thủ công; nhiều gia đình đã bỏ nghề từ hơn chục năm nay. Họ không trụ nổi do hàng ứ đọng vì người ta đang lãng quên một sản phẩm mang cốt cách Việt này, do thời trang giày dép du nhập từ Hàn Quốc, Tây phương “ùn ùn” kéo vào với nhiều chọn lựa tân thời.

Vì khó khăn trăm bề nên họ cũng không làm toàn bộ quy trình, mà chỉ dừng lại ở khâu gia công phôi guốc, sau đó đem đi bỏ cho các tiệm sơn khu chợ ở Thạnh Lộc, quận 12, TP.Hồ Chí Minh. Rồi thương lái ở đây đến lấy hàng, đem về đóng quai và mang đi bán, khi thì ra chợ Bến Thành bán cho khách du lịch, lúc lại đưa về làng quê hay vùng ngoại ô cho các bà, các chị mua mang đi chợ.

Trước đây, riêng ở Bình Nhâm đã có hàng trăm cơ sở làm guốc mộc; bình quân mỗi cơ sở sản xuất 500 - 700 đôi guốc mỗi ngày, hàng làm ra tới đâu bán hết tới đó. Ngoài nguồn khách từ các tỉnh, thành lân cận, khách thương hồ theo đường sông Sài Gòn về Bình Nhâm thu mua guốc rồi lại phân phối về các tỉnh miền Tây. Còn hiện nay, tại Bình Nhâm, chỉ còn một số gia đình vẫn đang cố gắng giữ nghề cha ông truyền lại.

Chúng tôi gặp dì Năm Ly, vợ nghệ nhân Sáu Dẻo, sau khi ông Sáu Dẻo “giải nghệ” vì không còn sức lao động. Dì tiếp quản cơ sở của chồng để lại. Theo dì Năm Ly, chừng 10 năm trước cơ sở của dì còn hoạt động nhộn nhịp, có đến hàng chục lao động, máy móc cả chục cái. Còn hiện nay, dì phải thu hẹp quy mô, thợ chỉ còn 3 - 4 người, chủ yếu là con cháu trong nhà. Mỗi tuần cơ sở chỉ xuất được vài chục đôi guốc. Hơn 50 năm theo chồng là từng đó quãng thời gian dì gắn bó với nghề làm guốc. Dì tâm sự, hiện tại phường Phú Thọ chỉ còn 4 - 5 cơ sở cố gắng giữ nghề. Các cơ sở này đang rất cần nguồn vốn vay lãi suất ưu đãi để mua thêm nguyên liệu, hiện đại hóa máy móc nhằm theo kịp thị hiếu tiêu dùng của khách hàng.

Anh Phan Thanh Trọng, chủ cơ sở guốc tại phường Phú Thọ, cho hay hầu hết các cơ sở làm guốc trên địa bàn đang hoạt động cầm chừng; có cơ sở một tháng chỉ làm 10 ngày vì không có đơn hàng.

Khá nhất trong nghề guốc hiện nay ở Bình Nhâm là Công ty Hùng Thái, nguyên là cơ sở gia đình guốc mộc Ba Thân. Theo ông Hùng, guốc ở đây chủ yếu xuất đi các nước châu Âu và thường là vào mùa hè. Lúc nghề này còn hưng thịnh - giai đoạn 2000-2007, anh thuê hơn 200 công nhân để làm guốc, nhưng giờ chỉ còn một nửa.

“Ở Bình Dương, có nhiều cơ sở làm guốc phát triển lên công ty rồi cũng phá sản vì vốn nặng: Gỗ phải nhập từ nước ngoài do gỗ nội địa chưa rõ ràng tiêu chuẩn chất lượng và chất độc hại bên trong nên phía khách hàng không chấp nhận. Ngoài ra, mẫu mã luôn phải đổi mới cho hợp thời; rồi hàng Trung Quốc phá giá, đặc biệt là loại guốc kimono rất dễ bắt chước... Những thách thức này khiến công ty ngày càng gặp khó, trong khi vẫn phải bảo đảm cuộc sống cho anh chị em công nhân”, anh Hùng cho biết. Nói rồi anh trầm ngâm, gác cặp kiếng cận lên trán thở dài: “Lớn thuyền lớn sóng. Làm nhỏ lo theo phận nhỏ, mở to lo chuyện của to”.

Ghé Bình Nhâm, được tận tai nghe những tiếng lộc cộc rất đỗi dung dị và thanh thoát, mọi người cảm nhận được cái nhẹ nhàng trong từng tiếng guốc khua mới hiểu hết cái hồn guốc mộc đã lay động trái tim của nhạc sĩ Trần Quang Lộc: “...Về đây mặc áo the đi guốc mộc...”.

Hiện nay, tỉnh Bình Dương đang quan tâm phát triển du lịch sinh thái gắn với văn hóa làng nghề, qua đó bảo đảm có ngành du lịch phát triển bền vững. Đây có thể coi là hướng đi để vừa bảo tồn vừa phát huy các làng nghề truyền thống. Hy vọng rằng, rồi đây khi đến Bình Dương, mọi người sẽ lại được nghe âm thanh lộc cộc của nghề làm guốc.

 PHÙNG HIẾU

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
Quay lên trên