Trạm thu phí và những điều bất hợp lý

Cập nhật: 26-08-2017 | 11:12:42

Chỉ sau 2 tuần đi vào hoạt động, Trạm thu phí Cai Lậy trên quốc lộ 1 đoạn qua TX.Cai Lậy, Tiền Giang đã gây nhiều bức xúc cho người dân và dư luận. Tuy nhiên, đây không phải là dự án BOT giao thông đầu tiên bị người tham gia giao thông phản ứng kịch liệt, mà trước đó Trạm thu phí Bến Thủy, Nghệ An và Trạm thu phí T2, TP.Cần Thơ cũng gặp tình cảnh tương tự.

Có nhiều ý kiến cho rằng, dự án BOT giao thông đang bộc lộ nhiều hạn chế.

Hầu hết các dự án BOT không phải xây dựng tuyến mới mà chỉ là nâng cấp, cải tạo các tuyến đường sẵn có hoặc nếu xây thêm đường mới cũng tìm cách bổ sung thêm việc cải tạo một vài đoạn tuyến của đường cũ. Nhiều quãng đường quá ngắn cũng làm BOT; chất lượng công trình một số dự án kém, giá thành dự án đầu tư cao. Nguyên nhân chủ yếu của sự việc trên là do khâu quản lý về mức thu, thời gian, thỏa thuận đặt trạm thiếu minh bạch.

Bên cạnh đó, dư luận và người dân đã phản ánh một số dự án BOT giao thông đã lập trạm thu phí trong khi mặt đường chưa được chủ đầu tư thực hiện hoàn chỉnh; mặt đường xuống cấp không được bảo trì, sửa chữa, xuống cấp, gây nguy hiểm cho người tham gia giao thông. Đây là điều hết sức vô lý. Tuy nhiên, người dân vẫn chưa thấy Bộ Giao thông - Vận tải lên tiếng về những sai sót này. Thậm chí, Bộ Giao thông - Vận tải vẫn cố ngụy biện cho những sai sót của mình. Đơn cử như vụ việc ở Trạm thu phí Cai Lậy, Tiền Giang.

Trong điều kiện nguồn vốn đầu tư từ ngân sách Nhà nước còn khó khăn, cần thì việc xã hội hóa, đa dạng hóa các phương thức đầu tư, trong đó có việc thu hút đầu tư tư nhân thông qua phương thức BOT để đầu tư đường, cầu là cần thiết và việc thu phí là lẽ tất nhiên. Song, vấn đề là phải tính toán khoa học và hợp lý để nhà đầu tư có lãi, xã hội có cơ sở hạ tầng giao thông tốt mà không tạo gánh nặng quá sức và bất hợp lý đối với doanh nghiệp và người dân.

Để các dự án BOT giao thông hoạt động thiết thực, hiệu quả, nhiều ý kiến cho rằng Chính phủ cần rà soát lại kế hoạch phát triển hệ thống kết cấu hạ tầng giao thông của từng lĩnh vực để kịp thời điều chỉnh cho phù hợp, tránh tình trạng “lùm xùm” như thời gian vừa qua. Có thể nói, đa số các dự án BOT giao thông trong những năm qua đã và đang khẳng định vai trò là động lực phát triển giao thông vì lợi ích quốc gia và cộng đồng. Song, các dự án BOT giao thông chỉ có ý nghĩa thực sự, chỉ phát huy hiệu quả tối ưu khi bảo đảm hài hòa lợi ích của tất cả các bên gồm Nhà nước, nhà đầu tư và người tham gia giao thông

 NHẬT HUY

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
Quay lên trên