Trận đánh suối Mạch Máng: Một trang sử hào hùng

Cập nhật: 22-12-2014 | 08:17:33

Trong những năm kháng chiến hào hùng của dân tộc, phường Tân Bình, TX.Dĩ An là địa bàn có nhiều cơ sở cách mạng bảo vệ, đùm bọc cán bộ chiến sĩ. Chiến tranh đã qua đi, chứng kiến nhiều trận đánh ác liệt trên quê hương, Tân Bình đã có hàng trăm chiến sĩ cách mạng và nhân dân ngã xuống trên mảnh đất anh hùng này.

 

Ông Nguyễn Minh Giao (đứng trước), Ủy viên Thường vụ, Trưởng ban Tuyên giáo Tỉnh ủy thắp hương tại bia tưởng niệm suối Mạch Máng

 Trận đánh oai hùng

Suối Mạch Máng - cái tên không biết có tự thời nào, nhưng sau trận đánh ngày 4-5-1968 ấy bỗng được nhân dân đổi thành suối Sọ. Gọi là suối Sọ bởi vì sau đó nhiều ngày, thậm chí nhiều tháng sau người ta vẫn còn thấy nhiều sọ người rơi vãi dọc theo con suối. Tại nơi đây, vào ngày 4-5-1968 đã diễn ra trận chống càn vô cùng dũng cảm và oanh liệt của lực lượng bộ đội chủ lực và dân quân địa phương, bao gồm: Đại đội 100, Tiểu đoàn 22, Tiểu đoàn 5, Tiểu đoàn 6 thuộc Trung đoàn 165 (Sư đoàn 7); bộ đội địa phương huyện Dĩ An và cán bộ dân quân du kích 2 xã Tân Bình và Bình Trị.

Ông Đặng Văn Năm, Phó Bí thư Đảng ủy - Chủ tịch HĐND phường Tân Bình, cho biết: “Hơn 45 năm qua, những người từng chứng kiến trận đánh và những người được nghe kể lại vẫn bùi ngùi xúc động với niềm tiếc thương vô hạn. Đảng bộ và nhân dân xã Tân Bình sẽ tiếp nối truyền thống của cha anh, kế thừa và phát huy để xây dựng vùng đất Tân Bình anh hùng ngày càng vững mạnh về mọi mặt”.

Hơn một ngày đêm bám trụ chiến đấu kiên cường, lực lượng chủ lực và dân quân của ta đã đánh trả hàng chục đợt tiến công của bộ binh Mỹ - ngụy với sự yểm trợ của phi cơ, pháo binh và xe thiết giáp. Chúng đã đổ xuống vùng đất này hàng trăm tấn bom đạn trong một ngày đầy máu lửa. Kết quả, quân ta đã bắn cháy 4 xe tăng, tiêu diệt và làm bị thương nhiều tên giặc, bẻ gãy hoàn toàn trận càn quy mô lớn của chúng để viết thêm một trang sử vẻ vang cho xã Tân Bình anh hùng nói riêng và sự nghiệp giải phóng dân tộc nói chung. “Có không dưới 4.000 quả trọng pháo đã được địch thả xuống trong ngày hôm ấy. Có thể nói, đây là trận đánh kinh hoàng nhất đã diễn ra ở xã Tân Bình trong suốt hai cuộc kháng chiến”, ông Lê Đức Phong, một trong những nhân chứng của trận đánh kể lại.

Chiến công này cũng đã đổi bằng xương máu của hàng trăm cán bộ, chiến sĩ thuộc lực lượng bộ đội chủ lực Sư đoàn 7 và quân dân địa phương huyện Dĩ An, xã Tân Hiệp và Bình Trị thời bấy giờ. Từ đó nhân dân đã đổi tên suối Mạch Máng thành suối Sọ để khắc ghi tội ác của kẻ thù xâm lược và mãi mãi ghi công những anh hùng liệt sĩ đã vì nước hy sinh. Đại tá Phan Bá Tuyết, Đảng ủy viên - Phó Chủ nhiệm Chính trị Quân đoàn 4, cho biết: “Trong trận chiến đấu này, mặc dù lực lượng quá chênh lệch, các đơn vị của Sư đoàn 7 cùng Tiểu đoàn 3 Dĩ An, dân quân du kích và đồng bào Tân Bình vẫn linh hoạt, chủ động, sáng tạo, duy trì cuộc chiến đấu tiêu hao, tiêu diệt lực lượng địch. Các trận đánh tại đây diễn ra vô cùng ác liệt. Mặc dù không có lực lượng tiếp ứng nhưng các đơn vị đã chiến đấu cực kỳ anh dũng, người trước ngã người sau tiếp tục. Đây là biểu tượng sáng ngời của chủ nghĩa anh hùng cách mạng Việt Nam”.

Tự hào quê hương anh dũng

Trong những năm kháng chiến hào hùng của dân tộc, quê hương Tân Bình rất tự hào là địa bàn đứng chân của nhiều đơn vị quân, dân, chính Đảng tập kết trước khi vào chiến trường. Do đó trong suốt hai cuộc kháng chiến, xã Tân Bình và Bình Trị có nhiều cơ sở cách mạng bảo vệ, đùm bọc những cán bộ cách mạng lão thành của Khu ủy miền Đông, Thủ Dầu Một, Biên Hòa và nhiều địa phương khác về đây bám trụ xây dựng và chỉ đạo phong trào trở thành hậu phương tại chỗ ngay sát hang ổ của kẻ thù. Từ đó, Tân Bình vừa là hậu phương vừa là tiền tuyến, chấp nhận mọi khó khăn khốc liệt do kẻ thù tăng cường kìm kẹp. Biết bao xương máu của cán bộ, chiến sĩ và đồng bào địa phương cùng những người con ưu tú trên khắp mọi miền đất nước đã ngã xuống, tô thắm truyền thống cách mạng vẻ vang của quê hương Tân Bình.

Ngày nay, trên con đường thênh thang chạy vào tận khu chiến ngày nào, với nhà cửa, ruộng vườn xanh tốt, ít ai biết rằng khi xưa đây là một vùng hoang vắng, đường đi chỉ là những bờ ruộng nhỏ, lầy lội khó đi. Năm 2007, phường cho xây dựng mở rộng tuyến đường này và lấy tên là đường 35 và sau đó đổi tên đường thành tên của người nữ anh hùng liệt sĩ Nguyễn Thị Tươi (tức Năm Lan). Được biết trong tình thế ngàn cân treo sợi tóc, mặc dù bị thương nặng, nữ Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân Năm Lan vẫn không cho anh em cứu chữa mà chị còn động viên anh em xông lên giết giặc trả thù cho đồng đội. Chị và các đồng chí đồng đội đã ngã xuống oanh liệt trong trận chiến không cân sức, để lại cho nhân dân địa phương sự tiếc thương và niềm tự hào vô hạn. Ông Võ Văn Quang, một lão thành cách mạng của địa phương, nhân chứng của trận đánh năm xưa bồi hồi xúc động mỗi khi nhắc lại: “Tân Bình 45 năm trước đây là một vùng đất tiếp cận giữa hai thành phố lớn là hai cơ quan đầu não của địch. Nhưng hôm nay, mọi thứ đổi thay khiến những người như chúng tôi cũng không ngờ đến. Phường Tân Bình nói riêng và TX.Dĩ An nói chung đang phát triển rất nhanh. Cuộc sống của nhân dân đã được thay đổi, mọi người đều no ấm, hạnh phúc”.

 NGỌC THANH

 

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
Quay lên trên