Trang bị kỹ năng chống xâm hại tình dục cho trẻ em: Cần sự phối hợp từ nhà trường, gia đình

Cập nhật: 13-05-2019 | 19:41:03

Xâm hại tình dục (XHTD) trẻ em hiện đang trở thành vấn đề nhức nhối khi hàng loạt vụ việc XHTD trẻ em bị phát giác trong thời gian gần đây. Tuy nhiên, tại Việt Nam, nhiều phụ huynh vẫn chưa có nhận thức đúng đắn về vấn đề này. Để mọi người có cái nhìn đúng đắn về XHTD trẻ em, vừa qua tại tỉnh Bình Dương, Trung tâm đào tạo Sensecom đã phối hợp tổ chức lớp tập huấn “Dạy con tránh bị XHTD”.

Hàng trăm em nhỏ ở nhiều độ tuổi khác nhau cùng các bậc phụ huynh có mặt để tham gia lớp học. Đặc biệt, trong chương trình dạy con về phòng tránh XHTD trẻ em, cha mẹ cũng học cùng con. Chương trình có tiến sĩ Đoàn Văn Báu, chuyên gia tâm lý học tội phạm, trường Đại học An ninh nhân dân và thạc sĩ Trần Thị Phương Anh, giảng viên giáo dục mầm non, trường Đại học Thủ Dầu Một cùng chia sẻ với các em nhỏ và các bậc phụ huynh về XHTD trẻ em.

 Quang cảnh buổi tập huấn về dạy con tránh bị xâm hại

Theo tiến sĩ Đoàn Văn Báu, mọi trẻ trong cộng đồng đều có nguy cơ bị XHTD. Không những trẻ em gái mà trẻ em là nam giới cũng có thể trở thành nạn nhân bị XHTD. Trẻ em có thể gặp phải nguy cơ bị XHTD ở bất cứ đâu, trên sân chơi, ở trường học hay thậm chí ở trong chính ngôi nhà của mình. Nạn nhân của các vụ XHTD trẻ em phần lớn là dưới 16 tuổi.

Đáng nói, sau khi bị xâm hại, nạn nhân thường không hoặc không dám kể về những gì đã diễn ra với chúng. Hầu hết những người XHTD là nam giới và hầu hết các trẻ bị xâm hại bởi người quen biết, như họ hàng, bạn của gia đình hoặc hàng xóm… Đôi khi việc xâm hại này diễn ra trong một thời gian dài, thậm chí kéo dài nhiều năm. Thủ đoạn phổ biến của các đối tượng là lợi dụng sự tin tưởng hay sức ảnh hưởng của mình hoặc dùng lòng tốt nhằm dụ dỗ, đe dọa để thực hiện hành vi XHTD đối với trẻ.

Chị Trần Bích Thủy, một phụ huynh có con tham gia buổi học cho rằng buổi học có nhiều kiến thức rất quý. “Tôi nghĩ nên đưa nội dung này vào trong chương trình học của nhà trường để học sinh có thể hiểu biết thêm, qua đó các em sẽ tự biết cách để bảo vệ chính mình”, chị Thủy cho biết.

“Qua buổi học này, đối với những bạn nhỏ có thêm được những kỹ năng để tự bảo vệ mình, bảo vệ bản thân mình trước các nguy cơ XHTD ở xung quanh trẻ”, chị Nguyễn Thị Kim Chung, một phụ huynh cùng con đến buổi học cho biết.

XHTD trẻ em không chỉ là một hành động trái pháp luật; hành vi XHTD trẻ em không chỉ gây tổn thương thể chất và những hậu quả nhất thời mà còn có thể ảnh hưởng lâu dài. Những hậu quả lâu dài biểu hiện từ nhẹ đến những rối loạn rất nặng. Những rối loạn này không chỉ liên quan đến sức khỏe sinh sản mà còn liên quan đến khả năng học tập, khả năng hòa nhập cũng như đối với sức khỏe tâm thần của trẻ. Về mức độ ảnh hưởng tâm lý lâu dài, trẻ em từng là nạn nhân bị XHTD có nguy cơ tự tử, uống thuốc quá liều, bị rối loạn lo âu, trầm cảm, mất ngủ, các bệnh tâm lý tâm thần cao hơn nhiều so với các trẻ khác.

Thạc sĩ Trần Thị Phương Anh, giảng viên Khoa Sư phạm, trường Đại học Thủ Dầu Một cho biết: “Qua buổi trò chuyện, chúng tôi mong muốn một điều đơn giản là giúp các bậc phụ huynh, các em nhỏ có được nhận thức đúng đắn về XHTD, từ đó đưa ra những phương pháp, biện pháp để phòng chống XHTD cho trẻ em”.

 Để chung tay đấu tranh, phòng chống XHTD trẻ em, bên cạnh công tác tuyên truyền của cơ quan chức năng thì chính các phụ huynh cũng phải chú ý cảnh giác và nâng cao nhận thức để phòng ngừa cho con của mình. Đặc biệt, việc phụ huynh chú ý lắng nghe những chia sẻ của trẻ, bình tĩnh trao đổi với trẻ và điều quan trọng nhất là sự nhạy cảm và tinh tế của phụ huynh cảm nhận được những bất thường ở con của mình. Điều này giúp cho trẻ có thể tự tin trao đổi với ba mẹ, không phải giấu, sống dằn vặt sợ hãi một mình về bất kỳ vấn đề nhạy cảm nào.

NGỌC HÀ

 

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
Quay lên trên