Trang sử vàng của lực lượng an ninh Bình Dương trong kháng chiến chống Mỹ

Cập nhật: 18-08-2018 | 09:02:43

Trong suốt cuộc kháng chiến chống Mỹ, gắn liền công tác xây dựng và phát triển lực lượng, lực lượng an ninh Bình Dương từ tỉnh đến huyện, xã cũng từng bước trưởng thành qua đấu tranh diệt ác, phá kìm, xây dựng các phương án, kế hoạch đấu tranh bóc gỡ mạng lưới tình báo, gián điệp, biệt kích, bảo vệ vững chắc căn cứ địa cách mạng, lập nên nhiều chiến công, góp phần bẻ gãy hàng trăm cuộc hành quân, càn quét lớn, nhỏ của địch. Điển hình là các trận càn đẫm máu “Xê-đa-phôn” và “Ma-hát-tan” mùa khô năm 1966-1967 ở vùng Bến Cát. Bảo vệ vững chắc căn cứ địa cách mạng, bảo vệ an toàn các cơ quan, ban ngành và cán bộ lãnh đạo.

Cán bộ lão thành trong kháng chiến chống Mỹ cứu nước thăm khu căn cứ Bàu Gốc, xã Bình Mỹ, huyện Bắc Tân Uyên

 Thực hiện kế hoạch bình định và tìm diệt, tháng 1-1967 địch mở chiến dịch càn quét với quy mô lớn mang tên “Xê-đa-phôn” đánh vào khu Tam giác sắt: Bắc Bến Cát (tỉnh Thủ Dầu Một), Củ Chi (tỉnh Gia Định) và Trảng Bàng (tỉnh Tây Ninh) mà địch cho rằng “Tam giác sắt còn Sài Gòn mất”. Mục đích của Mỹ trong cuộc hành quân này là đánh phá căn cứ, tiêu diệt cơ quan đầu não Khu ủy Sài Gòn - Gia Định và Tỉnh ủy Thủ Dầu Một, triệt phá bàn đạp, hành lang dọc sông Sài Gòn, đồng thời tiến hành bình định gom dân, củng cố lại thế phòng thủ ở phía tây bắc Sài Gòn.

Tại địa bàn tỉnh Thủ Dầu Một, địch tập trung đánh vào xã Thanh Tuyền - huyện Bến Cát nơi đóng quân của các cơ quan đầu não Khu ủy Sài Gòn - Gia Định, kho tàng của Hậu cần đoàn 83 An ninh miền (R) và An ninh tỉnh Thủ Dầu Một.

Đêm 7-1-1967, địch cho máy bay B52 ném bom rải thảm liên tục, pháo bầy từ mọi hướng bắn liên tục vào khu căn cứ để phá hủy và dọn bãi đổ quân. Mờ sáng ngày 8-1-1967, máy bay lên thẳng của địch đổ xuống 35.000 bộ binh bao gọn khu rừng căn cứ (chu vi khoảng 10km), trên không máy bay quần đảo yểm trợ, ngày càng siết chặt vòng vây. Được tin báo trước của nội tuyến về trận càn Xê-đa-phôn, cấp trên đã chỉ thị các cơ quan đầu não Sài Gòn -Gia Định và An ninh Thủ Dầu Một phải khẩn trương đưa lực lượng ra khỏi khu vực càn quét trước 3 giờ sáng ngày 8-1-1967. Nhưng do địch bắn phá quyết liệt, toàn bộ cơ quan An ninh tỉnh lúc ấy ở căn cứ khoảng 25 cán bộ chiến sĩ đều bị kẹt trong vòng vây địch (trong đó có đồng chí Nguyễn Chí Thành, Thường vụ Tỉnh ủy, Trưởng ban An ninh tỉnh). Trước tình hình cấp bách, ác liệt lúc ấy, đồng chí Đỗ Văn A (Chín A) được giao phụ trách đội An ninh vũ trang quyết bám trụ, chống càn, bảo vệ căn cứ, bảo vệ an toàn lãnh đạo.

Toàn bộ lực lượng An ninh tỉnh nhanh chóng triển khai kế hoạch chống càn. Liên tục 3 ngày chiến đấu với kẻ địch, đội bom đội pháo, nhịn đói nhịn khát, đội An ninh vũ trang đã dũng cảm, ngoan cường đẩy lùi hàng chục đợt tấn công ác liệt của địch. Đến đêm thứ 3, lợi dụng đêm tối, ta đưa được một số cán bộ nữ và cán bộ văn phòng, hậu cần về vị trí an toàn, còn lại 7 đồng chí và đồng chí lãnh đạo tiếp tục bảo vệ căn cứ... Đến ngày thứ 7, địch tiếp tục tiến công do một tên phản bội của đoàn 83 dẫn đầu đánh thẳng vào khu căn cứ bằng chiến thuật bò. Đã chuẩn bị từ trước, thấy địch vừa bò đến khu vực bãi trái ta gài, đồng chí Chín A cho 14 trái nổ diệt 10 tên, 11 tên khác bị thương (trong đó có tên đầu hàng phản bội), bọn địch phải rút ra ngoài để củng cố lực lượng. Lúc này tuy mệt nhọc, đói khát, nhưng phấn chấn trước kết quả đạt được, đội quyết tâm chiến đấu đến cùng, sẵn sàng đợi địch tiến công. Khoảng 16 giờ chiều, địch ồ ạt tấn công vào căn cứ, đội An ninh vũ trang chiến đấu ngoan cường chống trả quyết liệt, cuộc chiến kéo dài đến 17 giờ chiều, bọn địch đã tiến sát căn cứ nhưng trụ lại đó mà không dám vào vì sợ trời tối ta phản công. Thấy rõ tương quan lực lượng quá chênh lệch, nếu tiếp tục ở lại chẳng những không bảo vệ được căn cứ mà tất cả sẽ hy sinh, đội quyết định lợi dụng đêm tối mở đường máu đưa cán bộ lãnh đạo ra khỏi vòng vây. Đội chia làm 2 tổ: 1 tổ ở lại bảo vệ căn cứ, 1 tổ tương đối còn khỏe hơn đi trinh sát dò đường. Tổ dò đường vừa trinh sát vừa cắt đường rừng, vượt qua nhiều chỗ nguy hiểm mà địch đang vây quét. Vượt khỏi vòng vây khoảng 200m không thấy địch, tổ dò đường quay về căn cứ đón lãnh đạo thì mất phương hướng vì trời tối lại vào ngay mục tiêu canh gác của địch, phải cắn răng gỡ trái địch, định hướng bò về căn cứ. Về đến cứ khoảng 21 giờ đêm, cả tổ lại mò mẫm trong đêm tìm kiếm căn hầm bí mật chỉ cách địch 50m. Tổ phân công người đứng gác sẵn sàng chiến đấu, người thì đào bới để có chỗ kề sát miệng xuống báo tin. Nhận được tín hiệu, các đồng chí đã bung nắp hầm lên, đưa lãnh đạo ra khỏi hầm, từng chút một nhích theo vị trí đã định, vượt qua nhiều chỗ nguy hiểm như các ổ mìn, vọng gác của địch... nhiều lúc tưởng chết ngất, lã đi vì mệt, đói, gắng sức, tất cả lại âm thầm động viên nhau vượt vòng vây về đến vị trí... Đến 4 giờ sáng tất cả về đến vị trí an toàn.

Trong trận này, đội An ninh vũ trang đã diệt tại chỗ 15 tên Mỹ, bắn bị thương 25 tên khác, bắn rơi một máy bay trực thăng. Sau trận càn, đội An ninh vũ trang trở lại căn cứ đào bới tìm lại được hầm bí mật lấy được tài liệu và tiền quỹ cất giấu lại 3.000.000 đồng. Đồng chí Đỗ Văn A, Đội trưởng An ninh vũ trang được tặng danh hiệu Dũng sĩ cấp ưu tú, đội An ninh vũ trang sau này được tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân.

(Theo lịch sử Công an Bình Dương)

 

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
Quay lên trên