Trên mặt trận không tiếng súng : Những “viên đá” nền móng

Cập nhật: 05-05-2014 | 00:00:00

 LTS: Được thành lập từ những năm đầu của cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp (1949), ngành tuyên huấn Thủ Dầu Một (nay là ngành tuyên giáo Bình Dương) đã vượt qua nhiều khó khăn, thử thách, hy sinh, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao. Dù trong hoàn cảnh nào, ngành tuyên huấn cũng luôn giữ vai trò, vị trí quan trọng hàng đầu phục vụ công tác lãnh đạo của Đảng và tạo sự đồng thuận trong xã hội. Kỷ niệm 65 năm ngày thành lập Ban Tuyên huấn Thủ Dầu Một - Bình Dương (10.5.1949 - 10.5.2014), báo Bình Dương thực hiện loạt bài “Trên mặt trận không tiếng súng” để giới thiệu đến bạn đọc những chặng đường hoạt động gian khổ nhưng vô cùng vẻ vang của ngành tuyên giáo cũng như các thế hệ “chiến sĩ”’ trên mặt trận ấy.

 Bài 1: Những “viên đá” nền móng

 Trong những năm đầu của cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp, tuy chưa được thành lập nhưng do tính chất quan trọng và cấp bách của công tác vận động, tuyên truyền phục vụ cho cuộc kháng chiến, Tỉnh ủy Thủ Dầu Một đã rất quan tâm đến công tác tuyên truyền. Những cán bộ, chiến sĩ cách mạng với các hoạt động tuyên truyền, vận động lúc bấy giờ được xem là những người đặt “viên đá” đầu tiên xây dựng ngành tuyên giáo sau này.

   Một số tuyến đường trên địa bàn tỉnh được đặt tên Nguyễn Văn Tiết để ghi nhớ những công lao của ông. Ảnh: Đ.HẬU

 Người “chiến sĩ” đầu tiên

Mặc dù đến ngày 10-5-1949 Ban Tuyên huấn Tỉnh ủy Thủ Dầu Một mới được thành lập nhưng trước đó, hoạt động tuyên truyền, vận động đã được Tỉnh ủy Thủ Dầu Một ráo riết tổ chức. Lúc bấy giờ các đồng chí trong cấp ủy tỉnh như Nguyễn Văn Tiết, Văn Công Khai, Nguyễn Văn Thi… đã ra sức tuyên truyền bằng miệng nhằm giác ngộ cho cán bộ, đảng viên về giai cấp, vai trò lãnh đạo của Đảng. Song song đó, Tỉnh ủy Thủ Dầu Một cũng mở nhiều lớp tập huấn, huấn luyện ngắn ngày với nội dung học tập về Lịch sử Đảng, Điều lệ Đảng, những hiểu biết cụ thể về công tác chi bộ, công tác tiểu tổ... Học viên của các khóa huấn luyện là cán bộ cốt cán trong quân đội, các ngành chính quyền, Mặt trận Việt Minh và các đoàn thể cứu quốc.

Căn cứ tình hình Đảng bộ các tỉnh lúc bấy giờ và yêu cầu mới của công tác xây dựng Đảng, cuối tháng 4-1949, Xứ ủy Nam kỳ chỉ thị cho các tỉnh chọn cán bộ để thành lập các ban chuyên môn của Tỉnh ủy, gồm: Ban Văn thư, Ban Tuyên huấn và Ban Tài chánh.

Nếu nói người cán bộ tuyên giáo là chiến sĩ trên mặt trận tư tưởng của Đảng thì Nguyễn Văn Tiết là người chiến sĩ đầu tiên của ngành tuyên giáo Thủ Dầu Một - Bình Dương. Vào cuối những năm 1940, ông Nguyễn Văn Tiết (Sáu Tiết) là một người rất tích cực làm công tác tuyên truyền phát triển Đảng. Ông đã cùng cán bộ trong cơ quan Tỉnh bộ Việt Minh đến những địa điểm được bố trí canh gác cẩn thận để nói chuyện về Đảng, về Bác Hồ. Cũng có đêm, sẵn tài liệu được phát hành trong phạm vi hẹp, người cán bộ đi cùng Nguyễn Văn Tiết đọc to cho mọi người cùng nghe, sau đó ông giải thích, mở rộng thêm. Qua những cuộc tiếp xúc tuyên truyền vận động như vậy, nhiều cán bộ ở các xã thuộc quận Lái Thiêu lần lượt được tuyển chọn phát triển Đảng. Những cán bộ thường đi cùng ông Nguyễn Văn Tiết trong công tác tuyên truyền đã có cơ hội nắm vững những vấn đề và sau này đều trở thành những cán bộ tuyên truyền của Đảng.

Hiệu quả bước đầu

Trong giai đoạn từ 1947- 1949, hoạt động tuyên truyền được đẩy mạnh với nhiều tài liệu phong phú đã được phổ biến rộng rãi đến hàng ngũ cán bộ, như: Chủ nghĩa Các Mác phổ thông, Lịch sử tóm tắt của Đảng Cộng sản Đông Dương... Mặt khác, những tài liệu dành cho công tác Đảng cũng được phát hành ở Nam bộ, như Công tác chi bộ, Công tác tiểu tổ… Những tài liệu này giúp cho các chi bộ vừa mới thành lập còn non yếu nắm vững những kiến thức cơ bản rất cần thiết về công tác xây dựng Đảng.    Cán bộ, nhân viên Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Bình Dương trong một lần về nguồn tại căn cứ Trung ương Cục miền Nam. Ảnh: T.DŨNG

Để việc tuyên truyền thuận lợi hơn, vào giữa năm 1947, Tỉnh ủy Thủ Dầu Một đã ra tờ tin với tên gọi “Nhận định thời cuộc”, tờ tin tổng hợp những tin tức trong nước và trên thế giới. Sau khi được ông Nguyễn Văn Tiết (lúc này là Bí thư Tỉnh ủy) xem lại nội dung, tờ tin được đánh máy thành nhiều bản gửi cho các ngành, các quận trong tỉnh. Bản tin đã thực sự trở thành một trong những kênh tuyên truyền hiệu quả trong những buổi sinh hoạt ở các hội nghị của các ngành, các cấp ủy từ tỉnh xuống cơ sở.

Tờ tin “Nhận định thời cuộc” đã giúp cán bộ, đảng viên trong tỉnh thấy được sự lớn mạnh của phong trào độc lập dân tộc và hòa bình dân chủ trên thế giới; thấy được những mâu thuẫn nội tại của phe đế quốc do Mỹ cầm đầu. Từ đó, cán bộ, đảng viên trong tỉnh vượt qua những khó khăn gian khổ, vững tin vào thắng lợi cuối cùng của cách mạng mà hoàn thành nhiệm vụ.

Với tinh thần giàu lòng yêu nước nên khi được tuyên truyền, được Đảng giác ngộ về mục tiêu, ý nghĩa của cuộc kháng chiến, về phương pháp đấu tranh với kẻ thù, các tầng lớp nhân dân Thủ Dầu Một đã nâng cao giác ngộ và vững tin vào sự lãnh đạo của Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh. Nhiều phong trào như “Tuần lễ vàng”, “Quỹ độc lập”, “Hũ gạo kháng chiến”… đã được triển khai thực hiện. Phong trào vận động con em tòng quân tham gia diệt giặc hoặc bất hợp tác với giặc… của nhân dân Thủ Dầu Một trong những năm đầu kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược là kết quả của sự nhận thức sâu sắc về mục tiêu, ý nghĩa của cuộc đấu tranh cách mạng và người dân đã tự hiểu được trách nhiệm của minh khi Tổ quốc lâm nguy. Công tác tuyên truyền, vận động nhân dân của Tỉnh ủy Thủ Dầu Một trong thời gian này đã góp phần không nhỏ vào sự phát triển của phong trào cách mạng địa phương.

 Bài 2: Củng cố tổ chức

 TRÍ DŨNG - THU THẢO

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
Quay lên trên