Triển khai nghiêm túc, đồng bộ các giải pháp phòng, chống bệnh dịch tả heo châu Phi

Cập nhật: 30-05-2019 | 07:44:12

 Ngay khi xuất hiện bệnh dịch tả heo châu Phi tại địa phương, các cấp, các ngành của tỉnh đã quyết liệt xử lý vụ việc; có kịch bản chống bệnh dịch, dập dịch, hỗ trợ giảm thiểu thiệt hại cho người chăn nuôi. Xung quanh vấn đề này, phóng viên Báo Bình Dương đã có cuộc phỏng vấn ông Phạm Văn Bông, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn.

 Lực lượng kiểm tra liên ngành phối hợp với địa phương kiểm tra một trường hợp vận chuyển thịt heo trên quốc lộ 1K, phường Tân Đông Hiệp, TX.Dĩ An. Ảnh: TIỂU MY

 - Thưa ông, sau khi xuất hiện bệnh dịch tả heo châu Phi tại địa phương, công tác phòng chống bệnh dịch được triển khai như thế nào?

- Ngay khi xuất hiện bệnh dịch tả heo châu Phi trên địa bàn tỉnh, các ổ bệnh dịch đều được ngành chức năng phát hiện và báo cáo, xử lý kịp thời. Ngành nông nghiệp đã chỉ đạo Chi cục Chăn nuôi, Thú y và Thủy sản phối hợp với các ngành, đơn vị liên quan yêu cầu chính quyền địa phương tiêu hủy ngay toàn bộ số heo theo quy định.

Đồng thời, ngành nông nghiệp tỉnh yêu cầu triển khai nghiêm túc, đồng bộ các giải pháp phòng, chống bệnh dịch như: Rà soát, thống kê, ký cam kết; lập chốt kiểm dịch kiểm soát vận chuyển heo, sản phẩm của heo ra - vào vùng có bệnh dịch; tuyên truyền, hướng dẫn, lấy mẫu giám sát tại các hộ chăn nuôi heo xung quanh; khử trùng tiêu độc tại hộ, tổ dân phố, xã, phường, thị trấn theo quy định. Ngành nông nghiệp cũng đã phối hợp với các ngành, địa phương xây dựng kịch bản dập bệnh dịch, tiêu hủy trong trường hợp bệnh dịch có thể bùng phát nhiều hơn để bảo đảm an toàn vệ sinh môi trường và ngăn ngừa bệnh dịch phát tán.

Để phòng chống và ngăn chặn bệnh dịch lây lan, trước mắt ngành tập trung một số giải pháp trọng tâm, cụ thể: Tiếp tục phát động đợt tổng tẩy uế môi trường trên địa bàn; kiểm tra tất cả các huyện, thị, thành phố về công tác phòng, chống bệnh dịch tả heo châu Phi; thành lập chốt kiểm dịch tạm thời để kiểm tra bệnh dịch tại các vùng giáp ranh với các tỉnh, thành có dịch. Bên cạnh đó, ngành giám sát chặt chẽ tình hình bệnh dịch tại các cơ sở, kịp thời phát hiện và ngăn chặn có hiệu quả, không để lây lan diện rộng; chuẩn bị đầy đủ vật tư, hóa chất, dụng cụ lấy mẫu, dụng cụ chuyên ngành và bảo hộ lao động.

Ngành cũng đang xây dựng quy trình hướng dẫn các tổ chức, cá nhân chăn nuôi bảo đảm an toàn bệnh dịch, xử lý khi có bệnh dịch tránh lây lan ra môi trường xung quanh, bảo đảm an toàn môi trường… theo đúng quy định.

- Khó khăn trước mắt mà ngành gặp phải trong việc triển khai chống bệnh dịch và dập dịch tả là gì, thưa ông?

- Việc ngăn chặn bệnh dịch lây lan trên diện rộng của ngành còn gặp không ít khó khăn. Trước hết, do tỉnh Bình Dương giáp với những tỉnh, thành có nhiều tuyến đường giao thông nên việc quản lý vận chuyển động vật và sản phẩm động vật chung và từ heo là vô cùng khó khăn. Bên cạnh đó, điều chúng tôi lo là khi xảy ra bệnh dịch tả heo châu Phi khiến tâm lý người chăn nuôi bị ảnh hưởng, có tư tưởng bán nhanh, bán chạy heo để thu hồi vốn khiến việc phòng chống bệnh dịch thêm khó khăn.

- Xin ông cho biết công tác hỗ trợ cho người chăn nuôi được thực hiện như thế nào?

- Để người chăn nuôi yên tâm và chủ động khai báo khi heo bị nhiễm bệnh và phải tiêu hủy, UBND tỉnh đã chỉ đạo các địa phương cần chủ động ngân sách từ nguồn dự phòng để hỗ trợ kịp thời bà con chăn nuôi. Lãnh đạo tỉnh cũng đã chỉ đạo ngành nông nghiệp tính toán tham mưu UBND tỉnh số tiền hỗ trợ theo sát giá thị trường để kịp thời hỗ trợ các hộ chăn nuôi, bảo đảm tính chính xác trong công tác hỗ trợ.

Hiện ngành nông nghiệp đang xây dựng mức hỗ trợ cho các hộ chăn nuôi trong trường hợp có heo bị nhiễm bệnh dịch trên cơ sở nghiên cứu giá cả thị trường và ý kiến của ngành chức năng để trình UBND tỉnh trong thời gian sớm nhất. Trước mắt, tỉnh hỗ trợ 38.000 đồng/kg heo hơi.

- Công tác tuyên truyền để người chăn nuôi ngăn ngừa, xử lý bệnh dịch hiệu quả được ngành nông nghiệp triển khai như thế nào, thưa ông?

- Tôi xin khẳng định chủ trương của tỉnh và ngành nông nghiệp là không giấu bệnh dịch. Chúng tôi đã và đang đẩy mạnh tuyên truyền và thông tin kịp thời để người chăn nuôi phòng, chống, xử lý hiệu quả khi có bệnh dịch tả heo châu Phi.

Thời gian qua, các cơ quan báo, đài trong và ngoài tỉnh đã hỗ trợ ngành nông nghiệp rất nhiều trong việc tuyên truyền, thông tin về bệnh dịch tả heo châu Phi. Tuy nhiên, vấn đề ở đây tôi xin nhấn mạnh là mọi thông tin đều phải được xử lý theo đúng quy trình. Để người dân yên tâm trong việc chăn nuôi, người tiêu dùng yên tâm tiêu thụ, mọi thông tin chúng tôi đưa ra đều phải chính xác trên cơ sở kết luận mang tính khoa học của ngành chức năng, không thông tin theo phỏng đoán, dự đoán. Việc heo chết trong quá trình chăn nuôi tại các hộ, cơ sở chăn nuôi xảy ra nhiều, tuy nhiên để xác minh nguyên nhân có phải do nhiễm bệnh dịch tả heo châu Phi hay không thì cần kết luận của cơ quan chuyên môn. Vì vậy, tôi mong muốn cơ quan truyền thông hỗ trợ chúng tôi để tuyên truyền những thông tin mang tính chân thực, chính xác.

Đặc biệt, trong khi các bộ, ngành chức năng và các địa phương quyết liệt chống bệnh dịch, nhất là bệnh dịch tả heo châu Phi có dấu hiệu lan rộng thì có những trang mạng, facebook đã đưa thông tin, hình ảnh sai sự thật về việc chế biến, bày bán heo nhiễm bệnh dịch tả heo châu Phi. Những hình ảnh này được đăng tải lên mạng gây hoang mang dư luận và người dân khi sử dụng thịt heo.

Để công tác phòng chống bệnh dịch đạt hiệu quả, đúng yêu cầu, vừa bảo vệ sản xuất vừa thúc đẩy tiêu thụ sản phẩm thịt heo an toàn, ngành nông nghiệp tỉnh nhà mong muốn các ngành chức năng tăng cường kiểm soát những thông tin đăng tải sai sự thật để tránh gây hoang mang trong xã hội. Song song với đó, chúng tôi mong các cơ quan truyền thông tiếp tục chỉ đạo để thông tin kịp thời, chính xác cho người dân về diễn biến dịch tả heo châu Phi và các biện pháp phòng chống bệnh dịch theo chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ về việc triển khai đồng bộ các giải pháp cấp bách chống bệnh dịch tả heo châu Phi.

Nhân đây tôi cũng xin khẳng định, bệnh dịch tả heo châu Phi không lây sang động vật nuôi khác, không lây sang người. Do đó, người dân cần bình tĩnh, không nên hoang mang tẩy chay sản phẩm thịt heo an toàn, không bị bệnh dịch và được chế biến hợp vệ sinh.

 TIỂU MY (thực hiện)

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
Quay lên trên