Trợ giúp pháp lý cho đồng bào dân tộc thiểu số: Hiệu quả từ những cách làm hay

Cập nhật: 09-03-2017 | 08:17:46

Thời gian qua, việc triển khai thực hiện Quyết định số 59-2012-QĐ-TTg ngày 24- 12-2012 của Thủ tướng Chính phủ về chính sách trợ giúp pháp lý (TGPL) cho người nghèo, đồng bào dân tộc thiểu số (ĐBDTTS) giai đoạn 2013-2020 trên địa bàn tỉnh đã được thực hiện có hiệu quả. Bước đầu đã tạo được niềm tin, giúp đồng bào dân tộc ở vùng sâu vùng xa có thêm kiến thức về pháp luật, người dân có thể bảo vệ quyền và lợi ích chính đáng của mình khi xảy ra tranh chấp...

Một buổi tuyên truyền, trợ giúp pháp lý lưu động được thực hiện tại xã vùng sâu vùng xa của tỉnh

Kế hoạch thực hiện chính sách TGPL cho người khuyết tật, người nghèo, ĐBDTTS năm 2016 trên địa bàn tỉnh đã được triển khai kịp thời, hiệu quả với các hình thức như: Thực hiện TGPL (chủ yếu là hình thức tham gia tố tụng) cho đối tượng người nghèo, người khuyết tật và ĐBDTTS. Ngoài ra, việc tổ chức các đợt TGPL lưu động tại các xã khó khăn của tỉnh, Hội Người mù và Trung tâm bảo trợ xã hội Chánh Phú Hòa cũng được quan tâm.

Trung tâm TGPL tỉnh thường xuyên phối hợp với các Phòng Tư pháp huyện Dầu Tiếng, Phú Giáo, Bàu Bàng, Bắc Tân Uyên vàHội Nông dân tỉnh thực hiện 15 đợt TGPL lưu động tại 15 xã khó khăn trên địa bàn tỉnh với 462 người tham dự; tư vấn tại chỗ được 69 vụ việc; thực hiện 8 đợt tuyên truyền pháp luật về Luật Giao thông đường bộ, Luật Nghĩa vụ quân sự, Luật Đất đai cho ĐBDTTS theo kếhoạch phối hợp giữa Sở Tư pháp vàPhòng Dân tộc của Văn phòng UBND tỉnh tại các xã Minh Thạnh, Minh Tân, thị trấn Dầu Tiếng (huyện Dầu Tiếng); xã Tân Hiệp, An Linh (huyện Phú Giáo); phường Uyên Hưng (TX.Tân Uyên)… và thu hút nhiều người dân đến tham dự.

Thông qua các hoạt động TGPL, người dân đã biết quyền được TGPL của mình cũng như các quy định của chính sách pháp luật về xóa đói giảm nghèo. Theo đó, nhu cầu TGPL của người nghèo, ĐBDTTS đã được đáp ứng kịp thời, chất lượng dịch vụ pháp lý miễn phí từng bước được nâng lên, góp phần tích cực trong việc đưa pháp luật vào cuộc sống, từ đó nâng cao ý thức chấp hành pháp luật của nhân dân.

Thời gian qua các trợ giúp viên Trung tâm TGPL tỉnh còn tham gia tố tụng, bào chữa miễn phí cho các đối tượng đang bị tạm giam, tạm giữlà người dân tộc, thường trú tại các xã đặc biệt khó khăn. Các đối tượng này đã được TGPL tham gia tố tụng miễn phí theo đúng chế độ mà họ được hưởng. Cụ thể như vụ án của một người tên H., làm công nhân cho công ty gỗ. Trong thời gian đi làm tại KCN Mỹ Phước, TX.Bến Cát, H. quen với một nhóm bạn. Khi H. đi chơi chung thì nhóm này bàn cách đi cướp tài sản lấy tiền tiêu xài. H. tham gia với vai trò đồng phạm, giúp sức. Suốt quá trình tham gia tích cực và giúp đỡ bào chữa, H. đã được xem xét các tình tiết giảm nhẹ. Trong một vụ án khác cũng là người dân tộc ở khu vực miền Bắc nhưng lẩn trốn vào Nam và đang có lệnh truy nã, các trợ giúp viên vẫn đứng ra trợ giúp, tư vấn miễn phí, đồng thời vận động gia đình đưa đối tượng ra đầu thú…

Bà Lê Thị Hồng Nhung, Phó Giám đốc Trung tâm TGPL tỉnh, cho biết: “Từ những việc làm tưởng chừng như đơn giản nhưng chứa đựng bao tâm huyết của các trợ giúp viên TGPL tỉnh để đưa được kiến thức pháp luật đến từng hộ gia đình, người nghèo và ĐBDTTS, giúp các gia đình có hoàn cảnh khó khăn này được bào chữa, tư vấn nếu chẳng may con em họ phạm tội. Cũng từ đó, nhiều người đã tin tưởng tìm đến trung tâm để được giúp đỡ. Đây chính là động lực rất lớn cho các trợ giúp viên hoạt động ngày càng tích cực và hiệu quả hơn” .

 

 THỦY TRINH

 

 

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
Quay lên trên