Trợ giúp pháp lý cho lao động nữ: Việc làm thiết thực

Cập nhật: 17-09-2016 | 09:46:54

Nhờ sự tư vấn nhiệt tình của cán bộ sở, ngành có liên quan, cán bộ công đoàn các công ty nhiều lao động nữ (LĐN) đã hiểu biết pháp luật, tìm quyền lợi hợp pháp cho mình. Đó là khẳng định chung rất nhiều LĐN đang làm việc tại các doanh nghiệp (DN) ở Bình Dương.


Lao động nữ được hỗ trợ pháp lý, tuyên truyền pháp luật (buổi tuyên truyền pháp luật tại Công ty Nhôm Tung Shin - KCN Sóng Thần 2)

Có thêm kiến thức pháp luật

Vào làm tại Công ty Foster VSIP 2 (TP.Thủ Dầu Một) được 2 năm, một hôm, trên đường đi làm, chị Nguyễn Thị Thập bị té xe khá nặng và được đưa đến bệnh viện điều trị. Nhờ một số đồng nghiệp hướng dẫn chị đã liên hệ công đoàn công ty để xin chế độ. Sau khi xem xét, hướng dẫn làm thủ tục, chị được công ty chấp thuận hưởng chế độ bị tai nạn lao động theo Điều 39 Luật Bảo hiểm xã hội quy định về điều kiện hưởng chế độ tai nạn lao động; trong đó có điều kiện bị tai nạn trên tuyến đường đi và về từ nơi ở đến nơi làm việc trong khoảng thời gian và tuyến đường hợp lý. “Cũng may nhờ được tư vấn pháp lý để đi xin chế độ chứ không tôi đã bị trừ lương, không được nhận khoản tiền hỗ trợ”, chị khoe.

Nhờ các buổi tuyên truyền pháp luật do Liên đoàn Lao động (LĐLĐ) tỉnh, TX.Thuận An tổ chức tại DN mà “bà bầu” Nguyễn Thị Ly, làm việc Công ty TNHH Giày Thông Dụng (TX.Thuận An) nắm rõ về các chế độ mà mình được hưởng trong thời kỳ mang thai. Theo đó, trong thời kỳ mang thai chị được nghỉ việc để đi khám thai 5 lần (lần/ngày); sinh con được nghỉ việc hưởng chế độ thai sản trước và sau khi sinh con là 6 tháng và thời gian nghỉ hưởng chế độ thai sản trước khi sinh tối đa không quá 2 tháng; mức hưởng bảo hiểm xã hội trong thời gian nghỉ sinh...

Chị Ly kể, sau khi hết thời gian nghỉ thai sản, do sức khỏe yếu nên chị đã xin nghỉ thêm. Theo như chị được tư vấn pháp luật, ở Điều 33, khoản 1 và khoản 3 Điều 34 của Luật BHXH năm 2014, chị được nghỉ 5 đến 10 ngày nhưng vẫn được hưởng chế độ dưỡng sức, phục hồi sức sau thai sản một ngày bằng 30% mức lương cơ sở. Được nghỉ thêm vài ngày, sức khỏe chị ổn định và có thêm khoản tiền lo cho con nên chị rất vui.

Nhiều cách làm hay

Bình Dương hiện có trên 940.000 lao động, trong đó LĐN chiếm khoảng 60%. Với số lượng lớn LĐN việc có các buổi tuyên truyền luật, sức khỏe sinh sản… là việc làm hết sức thiết thực. Từ đó, một số đơn vị có liên quan đã chủ động đưa ra những cách làm hay, góp phần bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của người lao động (NLĐ).

Sở Lao động - Thương binh và Xã hội có Phòng Bình đẳng giới, quan tâm, chăm lo đến nữ công nhân viên chức, lao động trong tỉnh. Sở cũng đã phối hợp với Chi hội DN đầu tư Hàn Quốc tại Bình Dương ký bản ghi nhớ “Chương trình phối hợp tuyên truyền, giải đáp vướng mắc về pháp luật lao động”; phối hợp với Chi hội Thương gia Đài Loan tổ chức tuyên truyền pháp luật lao động cho các DN Đài Loan trong tỉnh. Hàng năm, sở hướng dẫn và trả lời bằng văn bản những vướng mắc của DN trong việc chấp hành các quy định của pháp luật lao động.

LĐLĐ tỉnh thành lập Trung tâm Tư vấn pháp luật góp phần nâng cao hiệu quả công tác tuyên truyền, tư vấn, trợ giúp pháp lý cho NLĐ. Từ khi thành lập đến nay, trung tâm đã có hàng chục ngàn lượt NLĐ liên hệ với văn phòng nhờ giúp đỡ, trong đó đối tượng là LĐN chiếm trên 60%. Ða phần LĐN đều rất quan tâm đến các vấn đề như quyền lợi khi mang thai, nuôi con nhỏ; tăng ca đối với NLĐ nuôi con nhỏ; cho nghỉ việc khi mang thai... Có trường hợp DN thực hiện chưa đúng chế độ, chính sách cho LĐN, nhưng cũng có không ít trường hợp do bản thân NLĐ không nắm đầy đủ các thông tin nên phản ứng sai, hoặc chịu thiệt thòi. Khi đó, văn phòng sẽ xem xét, tư vấn, giải thích để NLĐ và cả DN hiểu được việc làm đúng, sai của mình. Từ đó, giúp họ chấp hành tốt quy định của pháp luật.

Ông Trần Anh Dũng, Giám đốc Trung tâm Tư vấn pháp luật Liên đoàn Lao động tỉnh nhận định, mặc dù tuyên truyền, tư vấn pháp luật rất nhiều cuộc với số lượt NLĐ không ít, nhưng phải thừa nhận rằng hiện nay NLĐ nói chung và nữ công nhân biết về pháp luật chưa sâu và khi gặp phải tình huống liên quan đến pháp luật thì không vận dụng được dẫn đến hiện tượng đình công.

Để có được mối quan hệ lao động hài hòa, theo ông Dũng bản thân NLĐ, trong đó có LĐN cần được trang bị cho mình kiến thức về pháp luật để tự bảo vệ mình trước các vấn đề liên quan đến pháp luật, hoặc chủ động liên hệ với các cơ quan chức năng để được giải quyết. Bên cạnh đó, các chính sách do DN đưa ra phải thực sự hướng về NLĐ. Muốn vậy, bản thân người sử dụng lao động hoặc đại diện người sử dụng lao động phải thường xuyên đối thoại trực tiếp với NLĐ để nắm bắt tâm tư, nguyện vọng và kịp thời giải quyết bức xúc của họ. Điều không kém phần quan trọng, các cơ quan chức năng cần tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền pháp luật cho NLĐ tại DN hoặc khu vực nhà trọ.

 

THIÊN LÝ

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
Quay lên trên