Trợ giúp pháp lý cho người khuyết tật: Nỗ lực phá bỏ “rào cản”

Cập nhật: 27-01-2015 | 08:13:47

 Trợ giúp pháp lý cho người khuyết tật (TGPLCNKT) là một nội dung quan trọng trong Đề án trợ giúp NKT giai đoạn 2012- 2020 của Thủ tướng Chính phủ, mở ra cơ hội cho NKT được tiếp cận các dịch vụ TGPL miễn phí. Với sự nỗ lực của các sở, ban ngành, NKT trên địa bàn tỉnh đã nhận được sự hỗ trợ tích cực về pháp lý…

 

Ông Nguyễn Văn Nam, Chủ tịch Hội Bảo trợ người khuyết tật, trẻ mồ côi và bệnh nhân nghèo tỉnh thăm hỏi và tặng quà cho người khuyết tật tại buổi tư vấn pháp lý tại Trung tâm Dạy nghề người khuyết tật tỉnh Ảnh: VĂN SƠN

 Địa chỉ gỡ rối cho NKT

Có dịp tham gia buổi TGPL lưu động của Trung tâm TGPL tỉnh tại Hội Người mù tỉnh mới thấy được niềm vui và sự xúc động của các hội viên khi nhận được sự quan tâm thiết thực. Với những người không may bị khiếm khuyết, mọi sự giúp đỡ như thế đều thật quý giá. Giờ đây, họ biết thêm một địa chỉ gỡ rối những thắc mắc trong cuộc sống. Bản thân họ là NKT được hưởng những quyền lợi và có những nghĩa vụ gì chưa hẳn họ đã nắm hết. Qua những buổi TGPL lưu động, NKT không những có cơ hội nắm bắt đầy đủ, được giải đáp các thắc mắc về pháp luật mà chính họ sẽ là những tuyên truyền viên pháp luật cho cộng đồng.

 Vừa qua, tại hội nghị tổng kết năm 2014, ông Nguyễn Văn Nam, Chủ tịch Hội Bảo trợ người khuyết tật, trẻ mồ côi và bệnh nhân nghèo tỉnh, nhấn mạnh: “Năm 2015, hội sẽ phối kết hợp chặt chẽ hơn nữa với Trung tâm TGPL để giúp NKT trên địa bàn nắm vững pháp luật, thực hiện tốt quyền và nghĩa vụ của mình”.

Để tham dự buổi tư vấn pháp lý tại Hội Người mù tỉnh, anh Nguyễn Văn Hải (xã An Lập, huyện Dầu Tiếng) đã cùng người thân vượt chặng đường dài mấy chục cây số. Nhưng sau khi được trực tiếp lắng nghe những trợ giúp viên giải đáp cụ thể thắc mắc bấy lâu nay, những vất vả của chuyến hành trình đều biến mất. “Đây thực sự là hoạt động có ý nghĩa với những người không may bị khuyết tật. Bản thân tôi dù rất quan tâm tới những chính sách pháp luật của Nhà nước nhưng không có điều kiện để nắm bắt đầy đủ. Tôi cảm ơn sự quan tâm của cấp ủy, chính quyền, giúp NKT được hưởng các quyền lợi bình đẳng như những người bình thường khác”, anh Hải chia sẻ.

Các buổi TGPL tại các xã, phường luôn thu hút đông đảo NKT tham gia. Nhìn những trường hợp với đôi chân tập tễnh đi lại khó nhọc nhưng họ vẫn cố gắng đến dự để nhận được sự hỗ trợ trực tiếp, các trợ giúp viên của Trung tâm TGPL tỉnh lại càng có nhiều động lực để làm tốt nhiệm vụ hơn. Tại đây, những NKT đã được trợ giúp viên pháp lý thông tin các quy định cơ bản về Luật NKT, những văn bản liên quan đến quyền và nghĩa vụ NKT, đồng thời được tư vấn pháp luật miễn phí. NKT đã có cơ hội chia sẻ những khó khăn, vướng mắc trong cuộc sống với các đồng đẳng viên. Những câu hỏi được NKT đưa ra chủ yếu xoay quanh vấn đề chính sách ưu đãi vốn, bảo đảm việc làm, quyền được học tập, bảo trợ xã hội, luật đất đai, thừa kế, quy định pháp luật về hôn nhân… Phần lớn các thắc mắc đều được trả lời tại chỗ, những câu hỏi khó hơn của NKT được trung tâm sắp xếp buổi tư vấn riêng.

Trong thời gian qua, Trung tâm TGPL phối hợp với Hội Bảo trợ NKT, trẻ mồ côi và bệnh nhân nghèo tỉnh khảo sát nhu cầu TGPL cho 113 NKT tại Trung tâm Dạy nghề cho NKT và xã Lạc An, huyện Bắc Tân Uyên. Trung tâm đã lắp đặt 3 bảng thông tin, 3 hộp tin TGPL và cung cấp 3.600 tờ rơi pháp luật tại trụ sở Hội Bảo trợ NKT, trẻ mồ côi và bệnh nhân nghèo tỉnh và TP.Thủ Dầu Một... Từ những hoạt động cụ thể, Bình Dương trở thành một trong các tỉnh đi đầu trong công tác tổ chức phối hợp TGPL hiệu quả, nhận được sự đánh giá cao của Trung ương Hội Bảo trợ NKT, trẻ mồ côi và bệnh nhân nghèo.

Thách thức lớn, nỗ lực nhiều

Trên thực tế, hoạt động TGPL cho NKT vẫn gặp không ít khó khăn. Trước hết, bản thân NKT nhận thức còn hạn chế, nhiều người có thái độ mặc cảm. Một số địa phương chưa thật sự quan tâm đúng mức tới công tác này. Các nội dung triển khai thực hiện khá nhiều, trong khi đối tượng và địa bàn được hưởng các chính sách TGPL nói chung, TGPLCNKT nói riêng lại tương đối rộng. Hơn nữa do đặc thù đối tượng đòi hỏi yêu cầu cao về kỹ năng tư vấn, tiếp cận của trợ giúp viên, cộng tác viên.

Ông Đỗ Thanh Vũ, Chuyên viên Trung tâm TGPL tỉnh, cho biết: “Trong thời gian tới, theo trung tâm sẽ triển khai thường xuyên, liên tục các buổi TGPL lưu động, đồng thời đa dạng hóa và nâng cao hiệu quả các hoạt động TGPL tới tận các địa phương. Ngoài ra, sẽ thành lập các câu lạc bộ để việc TGPL thực sự giúp những NKT chủ động tháo gỡ, giải quyết những vướng mắc trong cuộc sống thường nhật”.

TGPLCNKT là hoạt động thiết thực, mang tính nhân văn sâu sắc. Hy vọng trong thời gian tới với sự đổi mới, đa dạng hình thức trong công tác TGPL, các chính sách pháp luật của Nhà nước về NKT sẽ đi vào cuộc sống, tạo điều kiện để NKT hòa nhập sâu hơn vào cộng đồng, đóng góp sức mình cho sự phát triển của xã hội.

 HỒNG THỦY

 

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
Quay lên trên