Trọn tình với quê hương

Cập nhật: 10-04-2015 | 10:21:45

Trong không khí cả nước chuẩn bị kỷ niệm 40 năm Ngày giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước (30.4.1975 - 30.4.2015), chúng tôi có dịp tìm gặp và trò chuyện với những người từng ra trận, “chắc tay súng, vững tay cày” để bảo vệ quê hương. Cô Trịnh Thị Tuyết Sương, người văn công năm nào đã dẫn dắt chúng tôi bằng những bài hát hào hùng một thời.

Cô Trịnh Thị Tuyết Sương (thứ 4 từ trái sang) trong những lần rút kinh nghiệm cho CLB Văn thể mỹ phường Mỹ Phước (TX.Bến Cát)

Sinh ra trong một gia đình có truyền thống cách mạng, cô Trịnh Thị Tuyết Sương đã sớm ý thức được trách nhiệm với đất nước đang trong cảnh chiến tranh dày xéo. Ngày ấy, cô đã cùng người anh thứ 4, Trịnh Văn Nợi, tham gia vào đội văn nghệ thiếu nhi xã Phú An (Bến Cát). Những bài hát như: “Cương quyết ra đi”, “Đoàn vệ quốc quân”… nhanh chóng ngấm vào máu và lòng căm thù giặc càng rõ ràng hơn bao giờ hết. Cô tham gia cách mạng với nhiệm vụ của một giao liên. Năm 14 tuổi, cô bắt đầu tham gia hoạt động ngầm, liên lạc cán bộ nằm vùng tại Phú An.

Năm 19 tuổi, cô tiếp tục tham gia vào đội giải phóng Phú An, tổ chức văn nghệ phục vụ bà con. Đến tháng 12-1961, cô được phân công về Tuyên huấn miền Đông đóng tại Chiến khu Đ. Từ đây, Tuyết Sương tập hợp chị em và cho ra mắt Đoàn văn công T1 vào ngày 20-12-1961. “Để kịp ra mắt đoàn trong thời gian gấp gáp và điều kiện khó khăn của chiến tranh, tất cả mọi người cùng đồng lòng. Tất cả vì lợi ích của quê hương”, cô Sương chia sẻ.

Chiến tranh ngày một ác liệt khiến ý chí và lòng căm thù giặc của những người con đất Việt càng dâng trào mạnh mẽ. Sau các buổi diễn văn nghệ đều có phần kêu gọi binh lính chiêu hồi, kêu gọi các anh quay lại phục vụ quê hương. “Sau những câu kêu gọi ấy là hàng loạt đạn pháo nổ để hăm dọa các cô, nhưng chẳng ai run sợ trước làn đạn như thế. Vui nhất là có hôm hàng chục binh lính bỏ vũ khí và quay về với cách mạng…”, cô Sương nhớ lại.

Cứ thế, Đoàn văn công T1 đã đi khắp các tỉnh như Đồng Nai, Vũng Tàu… làm nhiệm vụ của mình. Đến năm 1967, Đoàn T1 giải tán, song Tuyết Sương vẫn là một cô văn công được nhiều người yêu mến tại Phân khu 5. Họ quý cô không chỉ bởi giọng hát ngọt ngào trời phú, mà bởi cô còn rất mát tay trong việc xoa dịu nỗi đau của những thương bệnh binh. Đó cũng là lý do cấp trên cử cô đi học lớp y tá, y sĩ ngay trong rừng để phục vụ đồng đội những năm 1963, 1966. Tuy trình độ học vấn của cô Tuyết Sương chưa qua lớp 2 trường làng, nhưng cô đã hoàn thành xuất sắc lớp học và trở về phục vụ bộ đội.

Sau giải phóng, cô Sương chuyển về công tác tại bệnh viện huyện Bến Cát, Trung tâm Bảo vệ bà mẹ trẻ em rồi về Phòng Giáo dục… Với nhiệm vụ nào cô cũng được mọi người tin yêu. Đến nay dù đã về hưu, cô Sương vẫn tiếp tục đem sở trường văn nghệ của mình để phục vụ cộng đồng. Từ năm 2000 đến nay, cô làm Chủ nhiệm CLB Văn thể mỹ người cao tuổi phường Mỹ Phước (TX. Bến Cát). “Tuổi cao chí càng cao và để tuổi già không già, không là gánh nặng cho con cháu, thì chính các cô phải sống vui, sống khỏe và sống có ích”, cô Sương tâm sự.

Để ghi dấu cho sự trưởng thành, lớn mạnh của CLB qua 15 năm hoạt động và hòa chung không khí cả nước kỷ niệm 40 Ngày giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước, CLB Văn thể mỹ người cao tuổi phường Mỹ Phước được UBND phường Mỹ Phước đầu tư, xây dựng chương trình ca múa nhạc tổng hợp do chính cô Sương dàn dựng, biên tập. Hy vọng đây sẽ là dấu ấn để thế hệ trẻ hôm nay luôn thấy tự hào về những thế hệ đã đi trước.

 SONG ANH

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
Quay lên trên