Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp - Giáo dục thường xuyên huyện Phú Giáo: Đào tạo nghề gắn với nhu cầu xã hội

Cập nhật: 02-11-2018 | 06:38:48

 Hiện nay, học sinh (HS) vẫn còn tư tưởng chọn học đại học hơn học nghề. Thế nhưng có một địa chỉ HS lựa chọn để theo học các ngành nghề yêu thích, đó là Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp - Giáo dục thường xuyên (GDNN-GDTX) huyện Phú Giáo.

Phát huy hiệu quả hoạt động

Thực hiện phân luồng HS sau tốt nghiệp THCS, những HS không đủ điều kiện vào lớp 10 công lập đã chọn Trung tâm GDNN-GDTX huyện Phú Giáo để gửi gắm tương lai. Sự lựa chọn của các em là đúng đắn vì ở đây các em vừa học văn hóa và học nghề. Ông Nguyễn Thành Giàu, Giám đốc Trung tâm GDNN-GDTX huyện Phú Giáo, cho biết trung tâm có 2 chức năng, đó là dạy văn hóa và dạy nghề. Đối với lĩnh vực GDTX, trung tâm thực hiện chương trình xóa mù chữ và tiếp tục sau khi biết chữ; chương trình giáo dục đáp ứng yêu cầu người học, cập nhật kiến thức, kỹ năng, chuyển giao công nghệ; chương trình đào tạo, bồi dưỡng nâng cao trình độ về chuyên môn, nghiệp vụ; chương trình giáo dục để lấy bằng tốt nghiệp bổ túc THPT.

Ở lĩnh vực này, HS của trung tâm đã tạo được tiếng vang khi nhiều năm liên tục đều có HS đạt giải HS giỏi toán trên máy tính Casio do Bộ Giáo dục và Đào tạo tổ chức; cuộc thi HS giỏi cấp tỉnh ở môn toán và môn văn hàng năm các em cũng đều đạt giải.

Học sinh trong ngày khai giảng lớp trung cấp trồng trọt - bảo vệ thực vật

Ở lĩnh vực GDNN, trung tâm tổ chức đào tạo nhân lực trực tiếp cho sản xuất, kinh doanh và dịch vụ ở trình độ sơ cấp, đào tạo nghề nghiệp dưới 3 tháng; đào tạo theo hình thức kèm cặp nghề, truyền nghề, tập nghề; đào tạo, bồi dưỡng nâng cao kỹ năng nghề cho người lao động trong doanh nghiệp; bồi dưỡng hoàn thiện kỹ năng nghề nghiệp cho người lao động; đào tạo nghề cho lao động nông thôn và tổ chức thực hiện các chính sách hỗ trợ đào tạo trình độ sơ cấp và đào tạo dưới 3 tháng. Bên cạnh mở các lớp trung cấp, trung tâm còn dạy nghề ngắn hạn như: Thêu, cắm hoa, chứng chỉ ngoại ngữ, tin học… Ở mảng dạy nghề, trung tâm hoạt động khá hiệu quả khi thu hút đông đảo học viên theo học. Đến nay, trung tâm đã liên kết đào tạo được 13 lớp trung cấp các nghề như: Hàn, điện công nghiệp, trồng trọt và bảo vệ thực vật, kế toán, tin học. Năm 2019 tới đây, khóa đầu tiên đào tạo nghề sẽ tốt nghiệp, góp phần tích cực trong việc đào tạo nguồn nhân lực có tay nghề cho huyện Phú Giáo.

Đào tạo gắn với nhu cầu xã hội

Nhờ định hướng hoạt động phù hợp với tình hình hiện nay, đồng thời các ngành đào tạo gắn với nhu cầu của xã hội nên trung tâm đã nhận được sự quan tâm của HS. Thời gian qua, trung tâm phối hợp với trường Cao đẳng Quản trị Lilama2 mở nhiều lớp dạy nghề cho HS. Gần đây nhất là lớp trung cấp khóa 2018-2020 ngành điện công nghiệp và công nghệ hàn, với 131 học viên theo học. Theo ông Giàu, hiện nay nhu cầu về nhân lực nghề hàn, nghề điện đang ở mức rất cao, người học còn có cơ hội được đi xuất khẩu lao động sang các nước phát triển. Theo học lớp này, sau khi tốt nghiệp HS có 2 bằng: tốt nghiệp bổ túc THPT và bằng trung cấp nghề. Như vậy các em rút ngắn được thời gian học tập, giảm được chi phí cho gia đình và xã hội.

Lớp trung cấp ngành trồng trọt và bảo vệ thực vật liên kết với trường Cao đẳng Công nghiệp Cao su cũng là một lựa chọn của các em HS ở Phú Giáo. Quá trình hội nhập quốc tế hiện nay đang đòi hỏi Việt Nam phải thúc đẩy phát triển nền nông nghiệp công nghệ cao. Phát triển nền kinh tế hiện đại, nông nghiệp sạch, an toàn, nông nghiệp công nghệ cao là một trong những chủ trương xuyên suốt của Đảng bộ, chính quyền huyện Phú Giáo trong những năm qua. Chủ trương này đã được Đại hội đại biểu Đảng bộ huyện lần thứ IV, nhiệm kỳ 2015-2020 cụ thể hóa thành chương trình hành động bằng những mục tiêu cụ thể, để xây dựng Phú Giáo trở thành huyện nông nghiệp có nền tri thức và chất xám cao trong chuỗi sản phẩm làm ra. Đó cũng là lý do trung tâm chọn đào tạo ngành nghề này.

Theo ông Giàu, đáp ứng yêu cầu đào tạo nguồn nhân lực cho huyện nhà, trong thời gian tới, trung tâm có kế hoạch phát triển GDNN theo định hướng đổi mới, hệ thống lại ngành nghề phù hợp với địa phương, đào tạo gắn với nâng cao chất lượng, hiệu quả đào tạo. Bên cạnh đó, trung tâm còn triển khai dự án đổi mới và phát triển dạy nghề, đề án đào tạo nghề cho lao động nông thôn theo chức năng, nhiệm vụ được giao; thực hiện hiệu quả các chính sách, chương trình, dự án hỗ trợ phát triển đào tạo nghề, đặc biệt là dạy nghề cho lao động nông thôn, bộ đội xuất ngũ. Đề xuất các giải pháp để thu hút, tăng số lượng và chất lượng đào tạo nghề, nhất là trình độ trung cấp, sơ cấp, ngắn hạn đáp ứng nhu cầu lao động kỹ thuật chất lượng cao cho thị trường lao động trong tỉnh và khu vực, xuất khẩu lao động và yêu cầu chuyển dịch cơ cấu kinh tế, lao động, xây dựng nông thôn mới.

Công tác tuyên truyền, tư vấn nhằm thay đổi nhận thức của xã hội về học nghề, lập nghiệp, đáp ứng nhu cầu, yêu cầu nguồn nhân lực cho phát triển của huyện, tỉnh cũng được trung tâm quan tâm nhiều hơn. Những công việc khác được thực hiện song song, đó là tham mưu địa phương thực hiện chính sách khuyến khích hỗ trợ học nghề; khảo sát nhu cầu học nghề để tư vấn, định hướng các ngành nghề học phù hợp với quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội, quy hoạch phát triển nhân lực của địa phương, của tỉnh...

H.THÁI

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
Quay lên trên