Trung tâm Giới thiệu việc làm phụ nữ tỉnh: Điểm tựa cho chị em phát triển kinh tế

Cập nhật: 21-10-2016 | 14:52:46

Để giúp phụ nữ vươn lên thoát nghèo bền vững, thời gian qua Trung tâm Giới thiệu việc làm phụ nữ (TTGTVLPN) tỉnh Bình Dương đã trở thành địa chỉ tin cậy của hàng ngàn phụ nữ. Từ địa chỉ này, nhiều chị em hội viên, phụ nữ đã tìm được những hướng đi mới, tìm thấy con đường để vươn lên thoát nghèo, thậm chí nhiều người đã trở nên khá giả, có của ăn, của để.

 Mô hình Tổ hợp tác nấu ăn đãi tiệc đã phát huy hiệu quả, giải quyết việc làm, giúp chị em phụ nữ vươn lên phát triển kinh tế gia đình . Ảnh: T.THỦY

Đa dạng hình thức đào tạo

Thời gian qua, TTGTVLPN tỉnh Bình Dương đã nỗ lực phấn đấu và đạt được nhiều kết quả trong lĩnh vực hỗ trợ phụ nữ học nghề, tạo việc làm phát triển kinh tế, tham gia công tác xã hội, phát triển thể chất tinh thần và hỗ trợ phụ nữ xây dựng gia đình hạnh phúc. Qua 5 năm (2011-2016), những ngành nghề được trung tâm tập trung đào tạo là nữ công gia chánh (nấu ăn, trang trí rau câu, làm bánh bông lan, pha chế nước, nghệ thuật cắm hoa, nghề dịch vụ gia đình…), thẩm mỹ, lĩnh vực văn phòng (các lớp tin học chứng chỉ A, B, lớp chuyên đề, tiếng Hoa, kế toán…), lĩnh vực chăm sóc sức khỏe…; đặc biệt là tham gia dạy nghề cho đối tượng chính sách.

Theo Đề án 295 của Chính phủ về việc “Hỗ trợ phụ nữ học nghề, tạo việc làm giai đoạn 2010-2015”, trung tâm đã tổ chức khai giảng được 30 lớp dạy nấu ăn đãi tiệc với 603 học viên tham gia. Trung tâm cũng đã phối hợp với Phòng Lao động - Thương binh và Xã hội các huyện, thị, thành phố dạy nghề cho lao động nông thôn với 26 lớp đào tạo, thu hút trên 720 học viên.

Song song đó, trung tâm còn tích cực tham gia các hoạt động xã hội như giảm học phí cho gần 1.000 lao động nữ nhân các ngày lễ lớn của dân tộc, tham gia “Ngày hội đoàn viên”, “Tháng Công nhân và Tuần lễ thanh niên Công Nhân tỉnh Bình Dương” với nhiều hoạt động thiết thực như tư vấn nghề cho người lao động, cắt tóc miễn phí cho công nhân lao động, học sinh nghèo…

Bà Võ Thị Kim Lang (xã An Sơn, TX.Thuận An) cho biết, tháng 5-2014, Tổ hợp tác nấu ăn đãi tiệc tại địa phương đã được thành lập với 22 thành viên, trong đó bà Lang là tổ phó. Ngay sau khi thành lập, tổ hợp tác này đã được TTGTVLPN tỉnh hỗ trợ về trang thiết bị và được tập huấn các kiến thức về ẩm thực, kỹ thuật nấu ăn từ những kiến thức cơ bản cho đến nâng cao. Đến nay, mô hình tổ hợp tác này đã đi vào hoạt động hiệu quả. Các thành viên trong tổ đã tạo nên một chuỗi liên kết khép kín, từ việc nấu ăn, cung cấp nguyên liệu, thực phẩm sạch, cung cấp đồ uống và các dịch vụ khác… mang lại hiệu quả cao. Mô hình tổ hợp tác đã giúp cho nhiều hộ gia đình phụ nữ trên địa bàn có công ăn việc làm, tăng thu nhập; uy tín của tổ hợp tác cũng được nâng cao nên ngày càng nhiều đơn đặt hàng tìm đến.

Hướng tới các mô hình hợp tác kiểu mới

Bà Tô Nguyễn Anh Thi, Giám đốc TTGTVLPN tỉnh nhận định, 5 năm qua, dưới sự lãnh đạo trực tiếp của Hội LHPN tỉnh, TTGTVLPN đã đạt được những kết quả đáng khích lệ. Tuy nhiên, sau 5 năm triển khai, công tác giới thiệu việc làm, đào tạo nghề cho lao động nông thôn vẫn còn gặp phải một số khó khăn do thiếu cơ chế hỗ trợ cơ sở vật chất, thiết bị dạy nghề. Cụ thể như tại Bình Dương, mới chỉ có mô hình được kinh phí Trung ương và tỉnh đầu tư đó là Tổ hợp tác nấu ăn đãi tiệc, còn lại các mô hình khác là do thành viên trong tổ đóng góp.

Việc tổ chức dạy nghề cho các địa bàn khu vực vùng sâu, vùng xa còn gặp nhiều khó khăn. Bên cạnh đó, với tốc độ phát triển công nghiệp thuộc top đầu cả nước, Bình Dương đã và đang tạo ra nhiều việc làm cho lao động nông thôn trong đó có lao động nữ. Điều đó cũng đặt ra yêu cầu nâng cao tay nghề, trình độ chuyên môn nghiệp vụ cho lao động nữ để đáp ứng nhu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước…

“Trong giai đoạn 2016-2020, TTGTVLPN tỉnh sẽ tập trung một số nhiệm vụ trọng tâm trong như đào tạo nghề có địa chỉ việc làm sau học nghề, đào tạo nghề có sẵn gắn với các mô hình dịch vụ xã hội, sản xuất, kinh doanh áp dụng khoa học kỹ thuật công nghệ cao thông qua áp dụng dạy nghề lưu động, tổ chức đào tạo nghề tại cơ sở để thu hút lao động nữ, lao động nông thôn tham gia học nghề; tập trung thành lập các mô hình hợp tác kiểu mới, theo hướng liên kết vùng”, bà Thi chia sẻ.

THU THỦY

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
Quay lên trên