Trung tâm hòa giải, đối thoại tại TAND hai cấp: Tăng cường hòa giải, hàn gắn các mối quan hệ

Cập nhật: 20-01-2020 | 11:05:01

Là một trong 16 tỉnh, thành được chọn thí điểm về đổi mới tăng cường hòa giải, đối thoại trong giải quyết các tranh chấp dân sự, khiếu kiện hành chính tại Tòa án Nhân dân (TAND) 2 cấp, Bình Dương đã gặt hái được kết quả ấn tượng về công tác này và được đánh giá là đơn vị có tỷ lệ hòa giải thành cao nhất trong các địa phương.

Từ ngày 1-11-2018, 7 Trung tâm Hòa giải, đối thoại tại TAND hai cấp được thành lập và bắt đầu đi vào hoạt động. Nhờ có sự quan tâm, giám sát của lãnh đạo TAND 2 cấp, các trung tâm đều nỗ lực hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao. Hầu hết các trung tâm đều tích cực trong công tác hòa giải, đối thoại và đạt kết quả cao. Điển hình là trung tâm tại TAND TX.Thuận An, TX.Tân Uyên, TX.Dĩ An và TP.Thủ Dầu Một luôn đạt kết quả cao về số lượng vụ việc thụ lý, giải quyết. Số vụ việc hòa giải, đối thoại thành cũng như tỷ lệ hòa giải, đối thoại thành cũng đạt tỷ lệ cao tương tự.

Tại hội nghị trực tuyến sơ kết công tác này vào tháng 4-2019, ông Trần Văn Nam, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh, Trưởng ban Chỉ đạo cải cách tư pháp tỉnh và Trưởng ban Chỉ đạo thực hiện thí điểm về đổi mới, tăng cường hòa giải, đối thoại tại TAND 2 cấp của tỉnh cho rằng qua thực hiện thí điểm cho thấy công tác hòa giải, đối thoại tại tòa án mang tính nhân văn vì giải quyết các mâu thuẫn trong đời sống xã hội, hàn gắn được những rạn nứt; xây dựng mối quan hệ đoàn kết trong nội bộ nhân dân, đồng thời góp phần giảm số lượng các vụ việc phát sinh phải giải quyết bằng xét xử; tiết kiệm được chi phí, thời gian, công sức của Nhà nước.

Bà Nguyễn Ngọc Mai, Phó Chánh án TAND tỉnh, Giám đốc Trung tâm Hòa giải, đối thoại TAND tỉnh, cho biết: “Các trung tâm hoạt động hiệu quả góp phần làm giảm áp lực trong công tác thụ lý, giải quyết tranh chấp, giúp tăng hiệu quả công việc tại tòa án. Thời gian qua, các trung tâm hoạt động có hiệu quả như trên là nhờ sự chỉ đạo kịp thời, sâu sát của Ban Cán sự Đảng, lãnh đạo TAND tối cao, Thường trực Tỉnh ủy, sự hỗ trợ kinh phí của HĐND, UBND và sự tích cực của các trung tâm. Đặc biệt, các hòa giải viên, đối thoại viên đã nhanh chóng tiếp thu quy định về hòa giải, đối thoại của TAND để nhanh chóng thích nghi với công tác này. Chính nhờ hoạt động thí điểm được tổ chức hiệu quả, những kết quả tích cực, đem lại lợi ích nhiều mặt nên theo tôi việc nghiên cứu, đề xuất cơ chế mới về hòa giải, đối thoại tại tòa án là phù hợp”.

TÂM TRANG

Chia sẻ bài viết
Tags
TAND

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
Quay lên trên