Trước thềm kỳ họp thứ 5, HĐND tỉnh khóa IX: Cử tri quan tâm đến vấn đề nông nghiệp, nông thôn

Cập nhật: 01-12-2017 | 11:00:41

Trong các buổi tiếp xúc cử tri (TXCT) trước kỳ họp thứ 5, HĐND tỉnh khóa IX, cử tri tại các địa phương trong tỉnh đã có nhiều ý kiến, quan tâm đến các vấn đề liên quan trong lĩnh vực sản xuất nông nghiệp, phát triển nông thôn. Cử tri đã gửi gắm nhiều tâm tư, nguyện vọng, mong muốn các đại biểu HĐND tỉnh tập trung thảo luận, đề nghị cơ quan chức năng có giải pháp hợp lý để giải quyết tốt những vấn đề còn vướng mắc trong lĩnh vực này.

Vùng cây có múi ở Bắc Tân Uyên đang phát triển mạnh

 Phân bón giả, kém chất lượng

Trong đợt TXCT vừa qua, nhiều cử tri xã An Sơn, phường Lái Thiêu, phường An Thạnh, phường Hưng Định (TX.Thuận An) và cử tri các xã thuộc 3 huyện: Bắc Tân Uyên, Dầu Tiếng, Phú Giáo đều phản ánh tình trạng phân bón giả tràn lan, gây ảnh hưởng đến việc sản xuất nông nghiệp của người dân. Cử tri cũng đặt ra nhiều câu hỏi và đề nghị cơ quan chức năng có giải pháp mạnh tay hơn, có khuyến cáo và định hướng cho người nông dân trong việc mua phân bón chính hiệu, đúng hãng. Bà Nguyễn Thị Hồng, cử tri xã An Sơn phản ánh: “Trong thời gian qua, gia đình tôi đã 2 lần mua phải phân bón giả, kém chất lượng. Điều này đã ảnh hưởng nặng đến hiệu quả trồng trọt của gia đình. Tình trạng phân bón giả đã gây nhiều thiệt hại cho người nông dân trong sản xuất. Tôi đề nghị cơ quan chức năng có giải pháp mạnh tay hơn và có định hướng, khuyến cáo, giới thiệu cho người nông dân những cơ sở bán phân bón bảo đảm chất lượng”.

Cũng trong đợt TXCT vừa qua, ông Nguyễn Văn Viễn, (ấp Phú Hưng, xã An Sơn, TX.Thuận An) đã nêu ý kiến đề nghị chính quyền chỉ đạo các cơ quan chuyên môn vào cuộc, dẹp vấn nạn phân bón giả, kém chất lượng. Cùng với đó, ông Viễn cũng đề nghị ngành nông nghiệp cần có chính sách hỗ trợ nông dân nhiều hơn để giữ vững vườn cây ăn trái Lái Thiêu; hướng dẫn người dân ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất nông nghiệp, phát triển nông thôn. Ông Viễn cho hay: “Người nông dân chúng tôi cũng ít được cán bộ nông nghiệp hướng dẫn, giới thiệu. Chúng tôi biết thông tin các mô hình hay trong sản xuất nông nghiệp thường thông qua các kênh truyền thông đại chúng. Vì vậy, người nông dân chúng tôi cần ngành nông nghiệp quan tâm nhiều hơn trong tư vấn, chuyển giao các mô hình hay trong sản xuất nông nghiệp để từng bước chuyển qua sản xuất nông nghiệp công nghệ cao”.

Hỗ trợ nông nghiệp, nông thôn

Cử tri các xã Lạc An và Hiếu Liêm (huyện Bắc Tân Uyên) và xã Long Hòa, Định An, Định Thành (Dầu Tiếng) cũng đề nghị tỉnh cần có chính sách hỗ trợ về kỹ thuật, phân bón, cây giống, nơi tiêu thụ để các sản phẩm nông nghiệp làm ra có nơi tiêu thụ ổn định, nhất là các mô hình nuôi, trồng xen canh các loại cây trồng, vật nuôi có giá trị kinh tế cao nhằm giúp cuộc sống của nông dân ổn định, phát triển. Cử tri các huyện Dầu Tiếng, Bàu Bàng, Bắc Tân Uyên, Phú Giáo đã gửi gắm kiến nghị cho ngành nông nghiệp cần có giải pháp căn cơ để không xảy ra tình trạng được mùa mất giá; cần có chính sách hỗ trợ giá bán cho người nông dân, nhất là các loại cây trồng, vật nuôi tiêu thụ hàng ngày. Ông Nguyễn Minh Hồng, ngụ xã Phước Hòa, Phú Giáo cho hay: “Đợt heo hơi xuống giá vừa qua, người nông dân thiệt hại nặng nề, vì giá heo hơi “chạm đáy”. Chúng tôi mong rằng, Nhà nước cần có chính sách hỗ trợ cho người nông dân những lúc khó khăn để người dân tiếp tục duy trì, phát triển chăn nuôi”.

Phát triển nông nghiệp công nghệ cao là xu hướng tất yếu, hiện Bình Dương cũng đã có nhiều mô hình nông nghiệp công nghệ cao xuất hiện nhưng để đẩy mạnh phát triển nông nghiệp công nghệ cao, cần phải có thêm những giải pháp đồng bộ hơn để giúp người nông dân tiếp cận các mô hình này. Đây cũng là ý kiến, kiến nghị của nhiều cử tri ở Phú Giáo. Nhiều nông dân địa phương này đề nghị cần có những giải pháp hỗ trợ cụ thể về khoa học và tín dụng để hỗ trợ phát triển nông nghiệp công nghệ cao; xây dựng thí điểm cơ chế nghiên cứu khoa học do doanh nghiệp đặt hàng, cùng đầu tư, nghiệm thu, sử dụng và thương mại hóa kết quả; điều chỉnh các cơ chế, chính sách nhằm đẩy mạnh hoạt động của các tổ chức trung gian thương mại hóa sáng chế; thí điểm phát triển một số loại hình chợ công nghệ cho riêng doanh nghiệp nông nghiệp công nghệ cao, trong đó có cả khâu chế biến, bao tiêu sản phẩm…

Chính sách hỗ trợ giữ và phát triển vườn cây ăn quả đặc sản tỉnh Bình Dương giai đoạn 2017-2021 đã được UBND tỉnh ban hành kèm theo Quyết định số 63/2016/QĐ-UBND với mục tiêu cơ bản là hỗ trợ phát triển 5 loại cây ăn quả đặc sản của vùng đất Lái Thiêu, bao gồm: Măng cụt, sầu riêng, dâu, bòn bon và mít tố nữ được trồng tại 4 xã, phường của TX.Thuận An (Bình Nhâm, Hưng Định, An Thạnh, An Sơn) và 2 loại cây bưởi ổi, bưởi đường lá cam được trồng ở xã Bạch Đằng, TX.Tân Uyên. Đây là một chính sách rất quan trọng, thể hiện sự quan tâm, của tỉnh trong việc hỗ trợ, tạo điều kiện cho bà con và khôi phục vườn cây ăn trái; góp phần gìn giữ và phát triển vườn cây ăn quả đặc sản trên địa bàn tỉnh theo hướng phát triển nông nghiệp đô thị nông nghiệp kỹ thuật cao gắn với công nghiệp chế biến, tạo mảng xanh bảo vệ môi trường kết hợp với du lịch sinh thái.

NHÓM P.V

Chia sẻ bài viết
Tags
HĐND

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
Quay lên trên