Trường Trung cấp Mỹ thuật - Văn hóa Bình Dương: Đổi mới để phát triển

Cập nhật: 06-12-2018 | 09:25:30

Với ngành nghề truyền thống và hiện đại, trường Trung cấp Mỹ thuật - Văn hóa Bình Dương đang từng bước đổi mới chương trình đào tạo nhằm phát triển và đáp ứng nhu cầu về nguồn nhân lực phục vụ cho sự phát triển Thành phố thông minh Bình Dương tương lai.

 Bề dày lịch sử ngôi trường

Theo nhà nghiên cứu văn hóa dân gian Nguyễn Hiếu Học, trường Trung học Mỹ thuật Bình Dương có bề dày lịch sử gần 120 năm. Đây là trường mỹ nghệ đầu tiên, được thành lập sớm nhất (1901) Nam kỳ - có thể cả Việt Nam lúc đó. Trường đào tạo nhiều học viên làm nghề cho các làng nghề truyền thống, như: Sơn mài, điêu khắc, mỹ thuật trên mộc, gốm sứ... Năm 1932, trường đổi tên thành trường Mỹ nghệ Thực hành Thủ Dầu Một. Giai đoạn 1945-1975 là trường Kỹ thuật Bình Dương (đổi tên vào năm 1964). Năm 1977, trường đổi tên thành trường Trung học Mỹ thuật Công nghiệp Sông Bé. Từ năm học 2000-2001, trường được đổi tên thành trường Trung học Kỹ thuật Bình Dương... Từ năm 2012 đến nay, trường được gọi là trường Trung cấp Mỹ thuật - Văn hóa Bình Dương. Và đặc biệt ngày 7-7- 2006, trường Trung cấp Mỹ thuật - Văn hóa Bình Dương được công nhận Di tích lịch sử cấp tỉnh.

Học sinh trường Trung cấp Mỹ thuật - Văn hóa Bình Dương trong giờ học vẽ

Trường Trung cấp Mỹ thuật- Văn hóa Bình Dương hiện đang đào tạo 8 ngành nghề: Đồ họa, sơn mài, điêu khắc, thiết kế gỗ, thiết kế thời trang, quản lý văn hóa, thanh nhạc và hướng dẫn du lịch. Trong năm 2018, trường đã triển khai thực hiện các cuộc vận động của ngành Lao động- Thương binh và Xã hội nhằm thực hiện chủ trương đổi mới căn bản toàn diện công tác đào tạo nghề mỹ thuật và văn hóa theo hướng chuẩn hóa, xã hội hóa, từng bước hội nhập quốc tế trong tình hình kinh tế hiện nay. Các tổ chức công đoàn, Đoàn Thanh niên hàng tháng đều xây dựng hoạt động cụ thể, mang tính chất giáo dục cho học sinh (HS). Giáo viên và HS của trường cùng tham gia hiến máu nhân đạo, tổ chức các buổi giao lưu cầu lông, bóng chuyền với trường bạn để tăng cường mối quan hệ, giao lưu, hợp tác giữa các trường. Giáo viên, học sinh nhà trường còn tham gia nhiều hội thi thể thao - văn nghệ và đã nhận về nhiều giải thưởng các thể loại dự thi. Năm 2018, các hoạt động do Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tổ chức, trường đạt 2 giải nhất toàn đoàn và 1 giải ba toàn đoàn. Cũng trong năm 2018, trường có 14 sáng kiến kinh nghiệm theo yêu cầu đã được hội đồng thông qua. Nhà trường cũng có HS được chọn tham gia kỳ thi tay nghề quốc gia lần thứ 10 năm 2018 tại Hà Nội.

Những đóng góp của trường còn có thể kể đến như tham gia các cuộc thi về văn hóa nghệ thuật, tham gia Triển lãm Mỹ thuật khu vực Đông Nam bộ cũng như các hội thi trong và ngoài tỉnh. Nhiều họa sĩ là giáo viên của trường như Tấn Công, Châu Trâm Anh, Trương Bửu Sinh... đã đóng góp trên các lĩnh vực về hội họa, làm phù điêu tại các công trình di tích văn hóa lịch sử trong, ngoài tỉnh.

Đào tạo đáp ứng nhu cầu xã hội

Theo thầy Lê Văn Tài, Hiệu trưởng trường Trung cấp Mỹ thuật - Văn hóa Bình Dương, hướng đào tạo sắp tới là trường xây dựng chương trình phù hợp với nhu cầu địa phương, giúp HS tiếp cận với xu hướng thị trường, đáp ứng nhu cầu của xã hội trong các lĩnh vực mà HS đã được đào tạo. Đó là tổ chức nhiều đợt tham quan, đi thực tế tại các cơ sở sản xuất gốm sứ, gỗ, sơn mài như: Gốm sứ Minh Long (TX.Thuận An), làng nghề đồ gỗ của phường Phú Thọ, làng nghề sơn mài Tương Bình Hiệp (TP.Thủ Dầu Một)… Đó cũng là những làng nghề cần được bảo tồn, lưu truyền.

Một trong những hướng phát triển của trường là thực hiện tốt công tác phân luồng hướng nghiệp, thực hiện quy hoạch đào tạo phát triển nhân lực đáp ứng yêu cầu phát triển xã hội. Trường cũng tiếp tục mở rộng quy mô, đa dạng hóa các ngành nghề đào tạo, các hình thức đào tạo nhằm bảo đảm chất lượng phù hợp với khả năng cung ứng nhân lực và phát triển nhân lực của tỉnh nhà, của đòi hỏi đổi mới trong thời đại công nghiệp hóa. Bên cạnh đó, trường cũng chú trọng nguồn nhân lực chất lượng cao, gắn đào tạo phù hợp với yêu cầu về lao động của các doanh nghiệp ở Bình Dương. Ngoài việc đổi mới trong công tác giảng dạy, trường cũng đã đầu tư thêm trang thiết bị phục vụ chuyên ngành; trong đó có thiết kế đồ họa, thiết kế đồ gỗ. Đây được coi là 2 chuyên ngành đang có thế mạnh đào tạo theo nhu cầu xã hội.

Em Nguyễn Đức Tài, HS khoa thiết kế gỗ, cho biết đây là ngôi trường mà em cảm thấy rất thích hợp với sức học cũng như sở thích của em. Tài dự định sẽ ứng dụng việc học vào việc làm đồ gỗ gia dụng sau này. Cũng theo em, nếu mình học nghề được trang bị kiến thức đầy đủ thì sau này ra trường em tìm được công việc phù hợp là rất dễ dàng. Em Lê Minh Triết, HS khoa điêu khắc cũng cho biết thêm, hiện em được các thầy cô dạy làm điêu khắc trên chất liệu đất sét. Khi đãthành thạo em sẽ thực hành trên sắt, gỗ, đá... để làm ra sản phẩm cụ thể. Em yêu thích nghề điêu khắc và cảm thấy phù hợp với sức mình. Chia sẻ với chúng tôi, thầy Lê Văn Tài còn cho biết vấn đề học nghề, đào tạo nghề và việc làm cần được cả gia đình, xã hội quan tâm đúng mức. Chúng ta cần định hướng giúp các em ra trường, tìm việc làm phù hợp, có thu nhập ổn định.

 “Hiện tại, trường đang tập trung xây dựng lại chương trình mới nhằm phù hợp với yêu cầu đào tạo khi trực thuộc BộLao động - Thương binh và Xã hội. Hướng sắp tới, Ban giám hiệu nhà trường sẽ xây dựng chương trình phùhợp hơn với nhu cầu đào tạo, việc làm cho học viên. Việc đào tạo ngành nghề luôn được quan tâm để làm sao các em ra trường có việc làm, thu nhập ổn định. Bên cạnh đó là truyền thêm ngọn lửa đam mê về nghề mà các em đã chọn”.

(Thầy Lê Văn Tài, Hiệu trưởng trường Trung cấp Mỹ thuật - Văn hóa Bình Dương)

 

QUỲNH NHƯ

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
Quay lên trên