Trường Trung cấp nghề số 22, Bộ Quốc phòng: Điểm tựa cho bộ đội xuất ngũ lập thân, lập nghiệp

Cập nhật: 17-03-2015 | 08:27:31

Sau 5 năm thành lập, trường Trung cấp Nghề số 22, Bộ Quốc phòng (thuộc Quân đoàn 4), vượt qua những khó khăn nhanh chóng “lột xác” trở thành ngôi trường có cơ sở vật chất, trang thiết bị hiện đại và đội ngũ giáo viên lành nghề. Nhà trường đã hoàn thành tốt nhiệm vụ đào tạo nghề cho thanh niên, nhất là bộ đội xuất ngũ (BĐXN) và con em gia đình thuộc diện chính sách, giúp tạo việc làm, ổn định cuộc sống.

Các học viên theo học ngành công nghệ ô tô của trường Trung cấp Nghề số 22 trong giờ thực hành

3 mục tiêu chiến lược

Nhìn lại chặng đường phát triển của trường Trung cấp Nghề số 22 trong 5 năm qua, điều dễ nhận thấy là sự “lột xác” rất nhanh chóng. Ngày mới thành lập, trường chỉ có vài dãy nhà cấp 4 xập xệ do một đơn vị bộ đội trước đây để lại. Nhưng hiện nay, trường được xây dựng khang trang với các khu giảng đường, xưởng thực hành, bãi dạy lái xe đáp ứng đầy đủ phương tiện cho học viên học tập, 2.300m2 ký túc xá bảo đảm nơi ăn, ở cho 450 học viên nội trú và cán bộ, giáo viên.

Đại tá Hoàng Thọ Luật, Hiệu trưởng nhà trường cho biết, ngày 26-11-2009, trường Trung cấp Nghề số 22, Bộ Quốc phòng được thành lập theo Quyết định số 4472/QĐ-BQP của Bộ trưởng Bộ Quốc phòng, trụ sở chính ở TX.Dĩ An. Hiện trường đang đào tạo 2 bậc trung cấp nghề và sơ cấp nghề theo quy định cho các đối tượng là BĐXN, con em diện chính sách xã hội và các đối tượng khác có nhu cầu học nghề trên địa bàn. Đồng thời, nhà trường còn đào tạo nghề cho lao động xuất khẩu; liên kết đào tạo, bồi dưỡng nâng cao kỹ năng nghề cho người lao động theo yêu cầu của các cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ; tổ chức đào tạo và sát hạch lái xe từ hạng A1 đến hạng C...

Đại tá Hoàng Thọ Luật cũng cho biết thêm, để thực hiện tốt chức năng, nhiệm vụ cũng như nâng cao vị thế, uy tín của nhà trường, ngay từ khi mới thành lập, Ban giám hiệu nhà trường đã tập trung thực hiện 3 mục tiêu, đó là: “Nâng cao năng lực, chất lượng quản lý, điều hành đối với cán bộ, giáo viên nhà trường làm xuyên suốt; quy hoạch, đầu tư xây dựng và đổi mới trang thiết bị cơ sở phục vụ cho dạy và học theo đúng quy hoạch giai đoạn 2010-2015 và tầm nhìn đến 2020 làm trung tâm; nâng cao chất lượng đào tạo và giới thiệu việc làm sau đào tạo làm hiệu quả”. Để thực hiện đạt 3 mục tiêu này, trước tiên nhà trưởng tổ chức khảo sát thị trường lao động, nhu cầu sử dụng lao động của các doanh nghiệp trong các khu công nghiệp. Từ đó, nhà trường xác định mô hình đào tạo, đa ngành, đa nghề; đào tạo ngành mà xã hội đang cần để sau khi học xong, học viên có điều kiện tìm kiếm việc làm. Chẳng hạn như ngành công nghệ thông tin, công nghệ ô tô, hàn cắt kim loại, điện - điện tử, điều dưỡng đa khoa, dược trung cấp..., từ năm 2010- 2014, trường đã đào tạo được trên 16.000 học viên cho cả 2 hệ. Tỷ lệ học viên tốt nghiệp ra trường 100% đạt yêu cầu, trong đó 50% khá, giỏi. Cùng với đào tạo nghề, nhà trường thường xuyên liên hệ với các công ty, xí nghiệp đóng trên địa bàn và các tỉnh lân cận để giới thiệu việc làm cho học viên. Theo thống kê, hàng năm có từ 40 - 50% học viên được nhà trường giới thiệu việc làm sau khi tốt nghiệp.

“Để đáp ứng nhu cầu học nghề của học viên, trường đã phối hợp với các trường Đại học Công nghệ TP.HCM, trường Đại học Sư phạm Kỹ thuật TP.HCM, trường Cao đẳng nghề Việt - Úc... đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao trình độ chuyên môn, phương pháp sư phạm, phương pháp dạy nghề cho đội ngũ giáo viên; đồng thời thường xuyên gửi giáo viên đi tập huấn chuyên môn, tổ chức các buổi hội thảo chuyên đề, tạo điều kiện cho giáo viên đi học sau đại học... Hiện nay, đội ngũ giáo viên của nhà trường đã cơ bản có trình độ đại học và trên đại học, có tay nghề giỏi”, ông Luật cho biết.

Địa chỉ tin cậy của BĐXN

Trường Trung cấp Nghề số 22 tuy mới thành lập được 5 năm nhưng nơi đây đang là một trong những địa chỉ tin cậy của nhiều BĐXN bởi chất lượng đào tạo và các chính sách thu hút, hỗ trợ học viên. Với tinh thần “Học vì ngày mai lập nghiệp”, quy trình dạy và học ở nhà trường được cụ thể hóa bằng những khẩu hiệu ngắn gọn, dễ hiểu, dễ nhớ. Học viên chủ động tiếp cận bài học, giáo viên tận tình chỉ dạy cho học viên từ những thao tác nhỏ nhất đến những kiến thức tiên tiến mới cập nhật, nhờ vậy “sản phẩm” đào tạo sau mỗi khóa học đều đạt chất lượng tốt. Song hành với việc chuẩn hóa đội ngũ giáo viên, nhà trường xác định trang thiết bị và cơ sở là một trong những yếu tố quyết định đến kết quả đào tạo và việc làm cho học viên sau khi ra trường. Vì vậy, những năm qua, cùng với nguồn vốn đầu tư từ cấp trên, vốn tích lũy của trường và nhiều nguồn vốn linh hoạt khác, nhà trường đã đầu tư hơn 7,3 tỷ đồng để mua sắm trang thiết bị hiện đại phục vụ cho đào tạo dạy và học như máy tiện CNC, máy hàn công nghệ cao, ô tô đời mới... và đầu tư gần 94 tỷ đồng để xây dựng cơ sở vật chất như giảng đường, xưởng thực hành, ký túc xá... Trên cơ sở thực hiện đồng bộ các giải pháp trên đã giúp công tác đào tạo của nhà trường được nâng lên, tạo chuyển biến cả về chất và lượng; đáp ứng nhu cầu của học viên và nhu cầu xã hội.

Với những nỗ lực vượt qua khó khăn trong 5 năm qua, trường Trung cấp Nghề số 22 đã vinh dự đón nhận Huân chương Lao động hạng ba do Chủ tịch nước trao tặng.

 

 

Có mặt tại lớp dạy nghề công nghệ ô tô dành cho BĐXN, chúng tôi đã nhận thấy không khí “dạy tốt, học tốt” tại đây rất sôi động. Cả thầy và trò đều cố gắng hết sức để buổi học đạt kết quả tốt nhất. Giới thiệu về lớp học, thầy Nguyễn Văn Lộc, giáo viên ngành công nghệ ô tô cho biết, lớp đều là những học viên vừa xuất ngũ cách đây gần 1 tháng. Là BĐXN nên tinh thần học tập của các học viên rất nghiêm túc. “Vì muốn các em ra trường tìm được việc làm phù hợp nên lớp học không chạy đua theo thời gian mà làm theo kết quả những gì các em đã học được. Vì vậy lớp học rất nghiêm túc, duy trì sĩ số thấp, thầy - trò thường xuyên trao đổi, gần gũi giúp đỡ lẫn nhau. Tuy mới gắn bó với trường mới hơn 1 năm nhưng tôi rất hài lòng với môi trường này. Ban giám hiệu đang cố gắng xây dựng cơ sở vật chất, đầu tư trang thiết bị hiện đại để đáp ứng nhu cầu dạy và học nghề trong giai đoạn hiện nay”, thầy Lộc chia sẻ. Là thành viên năng nổ của lớp, học viên Bùi Văn Phụng An, quê Vĩnh Long, vừa xuất ngũ cho biết, hiện anh đang học trình độ sơ cấp theo chương trình của Quân đoàn 4 dành cho BĐXN. Sau khi học hết sơ cấp, anh sẽ đăng ký học lên trung cấp vì với ngành nghề đạo tạo, anh chắc chắn sẽ có một công việc ổn định.

Cũng theo đại tá Hoàng Thọ Luật, đối tượng học viên chủ yếu là BĐXN, vì vậy nhà trường thường tập trung ưu tiên, tạo điều kiện thuận lợi và có những chính sách đặc biệt dành cho học viên là BĐXN đúng như Quyết định 121/2009/QĐ-TTg ngày 9-10- 2009 của Thủ tướng Chính phủ và chỉ đạo của Bộ Tư lệnh Quân đoàn 4. Cụ thể, các học viên là BĐXN được miễn 100% học phí, chỗ ở; được hỗ trợ tiền sinh hoạt phí và tiền ăn mỗi tháng. Sau 5 năm hoạt động, trường đã đào tạo nghề cho hơn 14.000 BĐXN với nhiều ngành nghề khác nhau, thuộc hệ sơ cấp và trung cấp. Với tinh thần “Chủ động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm”, trường Trung cấp Nghề số 22 đã khắc phục khó khăn bước đầu để hoàn thành nhiệm vụ được giao, trở thành địa chỉ tin cậy của BĐXN, con em gia đình chính sách và cả người lao động có nhu cầu nâng cao tay nghề.

THU THẢO

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
Quay lên trên