Truyền thông góp phần kiềm chế, giảm thiểu tai nạn giao thông

Cập nhật: 06-12-2017 | 10:42:31

Trong những năm qua, thực hiện Chỉ thị của Ban Bí thư Trung ương Đảng và Chương trình hành động của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về “Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác bảo đảm trật tự, an toàn giao thông (TTATGT) đường bộ, đường sắt, đường thủy nội địa (ĐTNĐ) và khắc phục ùn tắc giao thông (UTGT)”, Sở Thông tin và Truyền thông (TT&TT) đã ban hành nhiều văn bản chỉ đạo, hướng dẫn nội dung tuyên truyền cho các cơ quan báo chí và hệ thống đài truyền thanh thực hiện công tác bảo đảm TTATGT và kéo giảm tai nạn giao thông (TNGT) trên địa bàn tỉnh.

Trên cơ sở đó, Báo Bình Dương đã thực hiện trên 7.500 tin, bài, ảnh, tin truyền hình, phóng sự truyền hình, video clip... Nội dung tuyên truyền tập trung vào những mô hình, giải pháp kéo giảm, ngăn chặn TNGT; vấn đề giáo dục TTATGT trong trường học; ra quân lập lại trật tự đô thị, TTATGT; xử lý tình trạng xe chở hàng quá tải; vấn đề kiểm tra hoạt động của phương tiện vận tải qua thiết bị giám sát hành trình...


Băng rôn tuyên truyền về an toàn giao thông được treo trên nhiều tuyến đường tại các địa phương trong tỉnh

Các chương trình phát thanh, truyền hình của Đài Phát thanh - Truyền hình Bình Dương tập trung tuyên truyền công tác bảo đảm TTATGT trong các dịp lễ, tết, lễ hội xuân; tuyên truyền phát động ra quân Năm ATGT... Thông qua các hoạt động thông tin này, đài đã phản ánh chung tình hình giao thông, ATGT trên địa bàn tỉnh; công tác tuần tra, kiểm soát lập lại TTATGT của các lực lượng chức năng; việc lắp đặt và sử dụng các thiết bị giám sát hành trình hoạt động vận tải đối xe khách và xe container...

Tạp chí Lao động Bình Dương cũng đã thực hiện hàng trăm tin, bài, ảnh tuyên truyền trong đội ngũ công nhân, viên chức tỉnh về việc tăng cường kiểm tra, giám sát sức khỏe đội ngũ lái xe kinh doanh vận tải; các chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước, nhất là công tác tuyên truyền xây dựng ý thức, hình thành văn hóa giao thông; ý nghĩa và sự cần thiết của công tác kiểm tra, giám sát và bảo vệ sức khỏe của đội ngũ lái xe trong công tác bảo đảm TTATGT...

Riêng hệ thống các đài truyền thanh đã thực hiện việc tuyên truyền về ATGT lồng ghép trong các chương trình thời sự phát thanh hàng ngày và các chuyên mục ATGT, Tìm hiểu pháp luật, Vì an ninh Tổ quốc, Pháp luật và Đời sống... Trong đó đã tập trung tuyên truyền Luật Giao thông đường bộ; Nghị định 46/2016/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ và đường sắt; các quy định của pháp luật về ATGT; tăng cường công tác bảo đảm TTATGT, kéo giảm TNGT... với gần 8.000 tin, bài, chuyên mục phát thanh, câu chuyện truyền thanh.

Theo bà Phạm Thụy Ngọc Hà, Phó Giám đốc Sở TT&TT, trong 5 năm (2012-2017), công tác tuyên truyền phổ biến giáo dục pháp luật về TTATGT luôn được tỉnh quan tâm chỉ đạo, xem đây là một công tác mang tính chiến lược quan trọng hàng đầu trong việc nâng cao nhận thức và ý thức chấp hành quy định của pháp luật về ATGT của người dân, nhiều hoạt động tuyên truyền với quy mô toàn tỉnh đã tạo hiệu ứng tích cực và thu hút toàn xã hội ngày càng quan tâm đến công tác bảo đảm TTATGT đường bộ, đường sắt, ĐTNĐ và khắc phục UTGT.

Đến nay, đội ngũ phóng viên, biên tập viên các cơ quan báo chí và đài truyền thanh trên địa bàn tỉnh đã tích lũy nhiều kinh nghiệm trong hoạt động tuyên truyền, đa dạng hóa nội dung, hình thức phù hợp với từng đối tượng cụ thể... Đồng thời thông qua các phương tiện thông tin đại chúng, các sản phẩm truyền thông được triển khai rộng khắp trên địa bàn tỉnh thường xuyên và liên tục đã góp phần quan trọng trong việc kiềm chế, giảm thiểu TNGT, giảm thiệt hại về người và tài sản do TNGT, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội địa phương, xây dựng nét đẹp văn hóa trong giao thông, thực hiện nếp sống văn minh đô thị.

 

Theo Sở TT&TT, Bình Dương hiện có 7 cơ quan báo chí, gồm: Báo Bình Dương, Đài Phát thanh - Truyền hình Bình Dương, Tạp chí BTV, Tạp chí Lao động Bình Dương, Tạp chí Đại học Thủ Dầu Một, Tạp chí Kinh tế kỹ thuật, Tạp chí Văn nghệ Bình Dương. Hệ thống đài truyền thanh có 9 đài truyền thanh cấp huyện, 91 đài truyền thanh cấp xã. Ngoài ra, trên địa bàn còn có 1 cơ quan thường trú; 4 văn phòng đại diện cơ quan báo chí; 19 phóng viên thường trú và phóng viên đưa tin của các cơ quan báo chí Trung ương và tỉnh, thành bạn đến đưa tin về Bình Dương.

Theo Sở TT&TT, nhằm tiếp tục tuyên truyền thực hiện Chỉ thị của Ban Bí thư Trung ương Đảng và Chương trình hành động của Tỉnh ủy về “Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác bảo đảm TTATGT đường bộ, đường sắt, ĐTNĐ và khắc phục UTGT” và các văn bản quy định của pháp luật về ATGT... Sở TT&TT tiếp tục tổ chức đẩy mạnh công tác tuyên truyền trên các phương tiện thông tin đại chúng của tỉnh, thông qua các hình thức, nội dung lồng ghép các chuyên đề, chuyên mục, chuyên trang, xây dựng các tiểu phẩm tuyên truyền về TTATGT phù hợp với từng đối tượng, nhất là đối tượng công nhân lao động và thanh thiếu niên.

Sở cũng sẽ phối hợp tốt với Ban ATGT tỉnh, các sở, ban, ngành, đoàn thể xây dựng nội dung chương trình nhằm góp phần làm phong phú thêm nội dung và hình thức tuyên truyền; xây dựng đĩa CD, VCD tuyên truyền cho hệ thống đài truyền thanh cơ sở. Đồng thời tổ chức tập huấn, bồi dưỡng kỹ năng công tác tuyên truyền về ATGT cho đội ngũ phóng viên, biên tập viên, cộng tác viên của các cơ quan báo chí, website tỉnh, đài truyền thanh cấp huyện và cấp xã để đội ngũ này tác nghiệp ngày càng tốt hơn và tham dự các hội nghị, tập huấn về ATGT do Trung ương tổ chức...

BÌNH MINH

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
Quay lên trên