Tự hào truyền thống gia đình

Cập nhật: 08-10-2014 | 10:28:58

Trong ngôi nhà đầy ắp tiếng cười của con cháu, mẹ Việt Nam anh hùng Nguyễn Thị Sâm, sinh năm 1937, ngụ ấp Bàu Càm, xã An Long, huyện Phú Giáo cảm thấy vui và mãn nguyện. Tuy buồn vì những mất mát đau thương không gì bù đắp được bởi chồng và một con của mẹ đã vĩnh viễn rời xa nhưng mẹ vẫn phấn khởi cho biết luôn tự hào về truyền thống gia đình bởi chồng con mẹ đã hy sinh vì sự nghiệp cách mạng.

Mẹ sinh ra trên mảnh đất Phước Sang anh hùng, trong một gia đình giàu truyền thống cách mạng. Năm lên 19 tuổi, mẹ cùng người thân tích cực tham gia tiếp tế cho cách mạng, nuôi giấu cán bộ. Nhờ đó mà mẹ quen người thanh niên tên Nguyễn Văn Tài, sinh năm 1935, ở huyện Chơn Thành, tỉnh Sông Bé (nay là tỉnh Bình Phước), cũng là một cán bộ nằm vùng và hai người nên nghĩa vợ chồng. Gia đình nhà chồng mẹ cũng là gia đình cách mạng, các anh chồng cũng đã hy sinh cho sự nghiệp cách mạng và được công nhận là liệt sĩ. Mẹ cho biết sau khi lấy chồng, mẹ ít đi vào khu căn cứ hơn để chăm lo cho gia đình và tạo điều kiện cho chồng chuyên tâm vào hoạt động bí mật. Gia đình mẹ cũng đã trở thành cơ sở cách mạng.

Nghi ngờ chồng mẹ hoạt động cách mạng, nhiều lần kẻ địch bắt bớ tra khảo nhưng do không có chứng cứ để buộc tội ông, chúng đành thả nhưng vẫn nhiều lần cho bọn mật thám theo dõi. Mặc dù đầy những nguy hiểm trong quá trình công tác nhưng mẹ cho biết chưa một lần khuyên chồng từ bỏ ý chí và niềm tự hào về truyền thống gia đình của mình. Thế rồi, vào năm 1966, trong một lần trên đường đi công tác, ông đã hy sinh do bị chỉ điểm và bị địch bắn. Chồng hy sinh, 4 đứa con còn nhỏ dại, mẹ vẫn một tay nuôi dạy các con nên người, đồng thời vẫn tiếp tục làm cơ sở tiếp tế cho cán bộ. Các con mẹ cũng từ đó được nuôi dưỡng lòng yêu nước và căm thù giặc.

Gạt đi nỗi đau mất chồng, mẹ Sâm tần tảo sớm hôm nuôi dạy các con nên người. Năm 1972, anh Nguyễn Văn Sẵng, sinh năm 1956, người con trai đầu của mẹ vừa tròn 18 tuổi cũng xin mẹ lên đường nhập ngũ cầm súng chiến đấu, bảo vệ quê hương. Dẫu biết rằng nếu con dấn thân sẽ phải chịu nhiều mất mát, hy sinh, nhưng mẹ cũng tự hào vì con mình đã lớn khôn, biết phát huy truyền thống cách mạng của gia đình; biết lựa chọn con đường chính nghĩa mà đi. Hai năm sau ngày tiễn con lên đường, trái tim người mẹ hiền lại một lần quặn thắt đi khi hay tin anh Nguyễn Văn Sẵng hy sinh vào ngày 29-1-1974 trong một lần đi công tác. Thêm một lần trái tim người vợ, người mẹ đớn đau khi người thân hy sinh. Mẹ cho biết chẳng trái tim người vợ, người mẹ nào không đớn đau khi chồng con hy sinh. Nhưng mẹ cũng tự hào vì sự hy sinh đó, bởi không có những hy sinh mất mát của chồng, của con, của các đồng chí, đồng đội thì làm sao có được độc lập cho dân tộc, cho đất nước như ngày hôm nay, nên mẹ đã vượt qua tất cả nỗi đau để nuôi dạy những người con còn lại nên người.

Mẹ Sâm cho biết cho đến bây giờ mẹ vẫn luôn nhắc nhở con cháu về truyền thống gia đình, phải biết vươn lên trong cuộc sống, sống có ích, sống xứng đáng với những hy sinh, mất mát của cha ông. Thấm nhuần lời dạy của mẹ, các con, cháu của mẹ không ngừng nỗ lực vươn lên để trở thành người có ích. Anh Đỗ Văn Hoàng, sinh năm 1960, con mẹ Sâm cho biết: “Mẹ thường hay nói với chúng tôi về truyền thống gia đình, về ba, về anh hai tôi. Dù đã hơn 30 năm qua mộ phần anh hai giờ chẳng biết nơi đâu, nhưng với mẹ tôi, với anh em chúng tôi thì ba và anh hai mãi là niềm tự hào của chúng tôi”.

 

HOÀI PHƯƠNG

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
Quay lên trên