Từ ngày 1-1-2014, Bình Dương thực hiện thẻ BHYT có mã vạch

Cập nhật: 11-11-2013 | 00:00:00

 

Giám đốc Bảo hiểm xã hội tỉnh Bùi Hữu Phong

Giám đốc Bảo hiểm xã hội (BHXH) tỉnh Bùi Hữu Phong cho biết, từ 1-1-2014, cơ quan BHXH sẽ cấp thẻ bảo hiểm y tế (BHYT) có mã vạch. Câu hỏi mà nhiều người quan tâm là tại sao phải cần bổ sung vạch ấy vào thẻ BHYT? Phóng viên Báo Bình Dương đã có cuộc trao đổi với ông Bùi Hữu Phong về những vấn đề này.

* Thưa ông, thẻ BHYT có mã vạch khác gì so với thẻ BHYT sử dụng trước đây và sẽ tạo thuận lợi như thế nào cho cơ sở khám, chữa bệnh và người dân trong việc khám, chữa bệnh thẻ BHYT?

- Việc khám, chữa bệnh cho người có thẻ BHYT khi đi khám gặp nhiều trở ngại do khách quan có, do chủ quan có. Để từng bước giảm thời gian khi làm thủ tục nhận bệnh, thay vì y bác sĩ tiếp nhận sẽ nhìn thẻ BHYT của người bệnh để ghi lại đầy đủ các nội dung ghi trên thẻ, mất thời gian chờ đợi của người bệnh. Do vậy, từ 1-1-2014, tổ chức BHXH sẽ phát hành thẻ BHYT dưới dạng thẻ từ, để nơi nhận bệnh dùng thiết bị điện tử quét qua mã vạch, dữ liệu của thẻ BHYT sẽ tự động nhập vào chương trình của cơ sở khám chữa bệnh (KCB).  

 Bệnh nhân BHYT chờ đăng ký khám bệnh tại Bệnh viện Đa khoa Hoàn Hảo

* Thẻ BHYT in mã vạch có giá trị sử dụng trên toàn quốc và người có thẻ sẽ được hưởng lợi như thế nào thưa ông?

- Thẻ BHYT có mã vạch do BHXH tỉnh Bình Dương cấp có giá trị với tất cả các nơi KCB trên toàn quốc có nhiều cái lợi cho toàn xã hội. Thứ nhất, có lợi cho người có thẻ BHYT giảm thời gian chờ, thứ hai cơ sở KCB giảm nhiều thời gian viết từ khâu đầu đến khâu cuối, cơ quan BHXH nhận dữ liệu chính xác hơn do khi viết có thể sai sót.

* Theo lộ trình chung thẻ cũ của các đối tượng là người lao động, công nhân viên chức hết hạn sẽ được cấp thẻ BHYT có mã vạch. Còn các đối tượng thuộc diện BHYT tự nguyện, trẻ em dưới 6 tuổi hoặc đối tượng chính sách… thẻ cũ vẫn còn thời hạn sử dụng thì sao?

- Việc sử dụng thẻ BHYT tại Bình Dương tùy theo nhóm đối tượng thẻ, cho nên từ năm 2014 trở đi chúng ta phải chấp nhận tồn tại 2 loại thẻ: Thẻ có mã vạch và thẻ không có mã vạch. Nguyên nhân chính là do hạn sử dụng cuối cùng còn tồn tại, chúng ta không thể đổi hết thẻ BHYT hiện hành và cấp mới; vì rất tốn kém không có tính khả thi, ví dụ một số loại thẻ tự nguyện, người có công, hưu trí, học sinh, sinh viên… Đặc biệt đối với trẻ em dưới 6 tuổi thì 6 năm nữa mới đổi hết thẻ BHYT không có mã vạch.

* Thưa ông, để triển khai thẻ BHYT có mã vạch trên địa bàn tỉnh Bình Dương đạt kết quả, cơ quan BHXH đã triển khai đến các cơ sở y tế như thế nào?

- Chúng tôi đã có công văn hướng dẫn các đơn vị, vạch rõ những lợi thế và mong sự hợp tác chặt chẽ theo lộ trình của Chính phủ thì chúng ta sẽ thực hiện từ nay đến năm 2020 thẻ BHYT sẽ là thẻ từ. Như vậy ta mới chỉ áp dụng mã vạch 2014, phụ thuộc lớn vào phần mềm vi tính của các cơ sở (hiện trên 60 đơn vị toàn tỉnh, chưa kể trạm y tế).

* Nếu năm 2014, có 2 loại thẻ BHYT như trên thì cơ sở KCB có khó khăn không và nếu trạm y tế, phòng khám nhỏ không có phần mềm và thiết bị đọc mã vạch sẽ giải quyết như thế nào?

- Việc duy trì 2 loại thẻ là có thể chấp nhận được, nếu áp dụng đầy đủ thì 80% là thẻ mã vạch (80% bằng 1,2 triệu thẻ) và 20% còn lại không có mã vạch và từ 2015 trở đi sẽ là 90% là chấp nhận được. Nơi đã có đủ điều kiện phần mềm và thiết bị đọc mã vạch mà khi tiếp nhận thẻ không có mã vạch thì đành chấp nhận viết tay. Nơi không có thiết bị đọc cũng phải chấp nhận nhập hồ sơ bằng tay.

* Xin cảm ơn ông!

VĂN SƠN (thực hiện)
Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
Quay lên trên