Từ ngày 13-4-1975: Quân và dân miền Nam tiếp tục tiến công vây ép Sài Gòn

Cập nhật: 13-04-2015 | 08:33:08

Trong khi lực lượng vũ trang B2 tiếp tục đẩy mạnh tiến công địch, các Quân đoàn 1 và 3 đang thần tốc tiến về Sài Gòn. Ngày 13-4-1975, Sư đoàn 320B và sở chỉ huy nhẹ của Quân đoàn 1 đến Đồng Xoài. Hai ngày sau (15-4- 1975), toàn bộ lực lượng của Quân đoàn 1 tới vị trí tập kết tại Nha Bích và Dầu Tiếng. Tại đây, Tỉnh ủy Thủ Dầu Một, các lực lượng vũ trang và nhân dân địa phương đã chuẩn bị sẵn địa bàn; dự trữ lương thực, giúp đỡ Quân đoàn nhanh chóng củng cố lực lượng, nắm tình địch và địa hình, chuẩn bị bước vào chiến đấu.

Đến trước ngày 26-4-1975, với sự nỗ lực vượt bậc của lực lượng vũ trang B2 và cuộc hành quân thần tốc của các quân đoàn 1, 2, 3, ta đã hình thành được thế trận bao vây Sài Gòn từ nhiều hướng:

Ở hướng đông, các Quân đoàn 4 và 2 đã vào vị trí tập kết tại Long Khánh, ta đã cắt đứt quốc lộ 1, áp sát đến Trảng Bom, làm tê liệt sân bay Biên Hòa, sẵn sàng cắt đứt quốc lộ 15, sông Lòng Tàu và khống chế Vũng Tàu.

Hướng tây và tây nam, các đơn vị cánh quân tây nam và nam và lực lượng vũ trang Quân khu 8, Quân khu 9 đã bám dọc quốc lộ 4 từ Sài Gòn về đồng bằng sông Cửu Long, chuẩn bị cắt đứt quốc lộ 4 từ Mỹ Tho đến Cần Thơ, đồng thời cắt kinh Chợ Gạo, khống chế sân bay Trà Nóc (Cần Thơ), tiến công, kìm chân các Sư đoàn 21, Sư đoàn 7 và Sư đoàn 9 ngụy. Đặc biệt đã mở thêm được một hướng tiến công phía nam Sài Gòn với sự có mặt của 2 trung đoàn chủ lực Khu 8 ở cần Đước, Cần Giuộc.

Ngày 13-4-1975: Đề nghị Bộ Chính trị cho Chiến dịch giải phóng Sài Gòn - Gia Định được mang tên “Chiến dịch Hồ Chí Minh”

Thể theo nguyện vọng của cán bộ, chiến sĩ trên chiến trường, ngày 13-4-1975, Bộ Tư lệnh chiến dịch thống nhất đề nghị Bộ Chính trị Trung ương Đảng cho Chiến dịch giải phóng Sài Gòn - Gia Định được mang tên “Chiến dịch Hồ Chí Minh”.

Sau đó vào lúc 19 giờ ngày 14-4-1975, Bộ Chỉ huy chiến dịch nhận được bức điện số 37/TK của Bộ Chính trị do đồng chí Lê Duẩn, Bí thư thứ nhất Ban Chấp hành Trung ương Đảng ký gửi vào với nội dung Bộ Chính trị đồng ý “Chiến dịch Giải phóng Sài Gòn - Gia Định” lấy tên là “Chiến dịch Hồ Chí Minh.

V.H (tổng hợp)

 

Hướng tây bắc và bắc trên vùng giải phóng rộng lớn từ Tây Ninh đến Phước Long, các Quân đoàn 1 và 3 đã tiến vào khu vực tập kết ở Nha Bích và ở Dầu Tiếng.

Các tuyến đường chiến dịch đã nốì liền với tuyến chiến lược (ở cả hai phía tây - đông) và thông suốt trên các cánh, các hướng, bảo đảm cơ động cơ giới tốc độ nhanh.

Bên cạnh đòn quân sự, Bộ Chỉ huy chiến dịch còn xây dựng một kế hoạch nổi dậy của quần chúng làm chủ các phường khóm, đường phố, công sở; công bố chính sách khoan hồng của cách mạng đối với tù, hàng binh để lôi kéo một bộ phận binh lính ngụy buông súng không chống cự, giảm bớt sự đối kháng. Cán bộ binh vận của B2 còn lôi kéo được cả một số tướng lĩnh ngụy ngả về phía cách mạng. Phòng Quân báo Bộ Tham mưu B2 cung cấp cho Bộ Chỉ huy chiến dịch đầy đủ hồ sơ binh yếu địa chí và các mục tiêu quan trọng trong nội đô, cử các chiến sĩ trinh sát dẫn đường cho các cánh quân đánh chiếm nội đô.

Sau khi thị xã Xuân Lộc được giải phóng, cánh cửa phía đông trên đường tiến vào Sài Gòn đã mở, Quân đoàn 4, Quân đoàn 2, Sư đoàn 3 (Quân khu 5) và các lực lượng vũ trang địa phương thành một mũi vu hồi chiến dịch rất hiểm ở phía đông, đông - nam Sài Gòn.

Trong khi đó ở phía tây nam Sài Gòn, việc vận chuyển vật chất, cơ động lực lượng, chuẩn bị bàn đạp tiến công cho các lực lượng vũ trang cũng được triển khai tích cực…

Tại Sài Gòn, 6 trung đoàn đặc công, 4 tiểu đoàn và 11 đội biệt động bí mật triển khai lực lượng ở vùng ven và áp sát các mục tiêu ở nội thành, chuẩn bị chiếm và giữ các cầu lớn ra vào thành phố.

Thành ủy Sài Gòn - Gia Định do đồng chí Võ Văn Kiệt làm Bí thư, điều động 1.700 cán bộ vào các quận nội thành và các xã vùng ven, sẵn sàng phát động quần chúng nổi dậy phối hợp với đòn tiến công của bộ đội chủ lực. Bộ đội địa phương thuộc Bộ Tư lệnh thành phố có 2 trung đoàn và 5 tiểu đoàn, mỗi huyện có 1 - 2 đại đội. Nhiều đội tuyên truyền xung phong được thành lập. Hàng trăm xe trang bị các phương tiện truyền thanh sẵn sàng làm nhiệm vụ kêu gọi quần chúng nổi dậy. Nhiều nơi quần chúng in truyền đơn, may băng cờ, viết biểu ngữ... khắp nơi nô nức không khí chuẩn bị đón bộ đội vào giải phóng thành phố.

Tại tỉnh Thủ Dầu Một, ngoài sự chuẩn bị của lực lượng vũ trang tỉnh, kế hoạch triển khai lực lượng của các huyện như sau:

- Huyện Nam Bến Cát, sử dụng lực lượng huyện (2 đại đội), cùng du kích các xã giải phóng khu vực ba xã Tây Nam, giải phóng thị trấn, phối hợp với lực lượng Sư đoàn 312, Quân đoàn 1, chốt chặn đường 13 ngăn chặn không cho Sư đoàn 5 bộ binh ngụy đóng ở Lai Khê rút chạy về Sài Gòn, tiến tới bức hàng địch tại căn cứ Lai Khê.

- Các huyện Phú Giáo, Tân Uyên, sử dụng lực lượng huyện, du kích các xã phối hợp chiến trường chung kết hợp tiến công và nổi dậy, đánh chiếm thị trấn sau đó phát triển các mục tiêu khác.

- Riêng thị xã Thủ Dầu Một cùng với lực lượng vũ trang, Tỉnh ủy sẽ tổ chức cán bộ các đoàn thể, các ngành của tỉnh, tổ chức thành 7 đoàn công tác, bám sát các ấp ven thị xã phát động quần chúng, chuẩn bị nổi dậy. Khi lực lượng vũ trang tiến công, các đoàn công tác phát động quần chúng phối hợp khởi nghĩa cướp chính quyền.

Như vậy, đến trước giờ nổ súng tổng công kích vào nội thành Sài Gòn - Gia Định, ta đã tạo được thế trận bao vây thành phố từ nhiều mặt. Một thế tiến công mạnh và hiểm, thế bao vây và chia cắt địch, phối hợp trong và ngoài, tiến công quân sự và nổi dậy của quần chúng đã hình thành.

HÀ THĂNG (Nguyên Trưởng phòng Lịch sử Đảng - Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy)

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
Quay lên trên