Từ ngày 20 đến 25-4-1975: Các đơn vị tiến vào Sài Gòn đến Sở Chỉ huy chiến dịch nhận nhiệm vụ, mục tiêu trên từng hướng

Cập nhật: 20-04-2015 | 08:09:01

Ngày 20-4-1975, quân địch ở Xuân Lộc rút chạy theo đường liên tỉnh số 2 về Bà Rịa. Quân đoàn 4 và các đơn vị Quân khu 7 chặn đánh, tiêu diệt một bộ phận lớn. Cùng lúc, Sư đoàn 5 thuộc Đoàn 232 tiến công địch ở Thủ Thừa - Bến Lức, diệt đồn bót địch. Cùng ngày, Trung đoàn l48 thuộc Sư đoàn 316 của Quân đoàn 3 đánh chiếm cứ điểm Bầu Nâu, Trà Võ, làm chủ 7km Đường 22 từ Cẩm An đến Bến Mương. Sư đoàn 8 của Quân khu 8, Trung đoàn 24, Trung đoàn 88 và hai tiểu đoàn Bộ đội địa phương Long An diệt 45 đồn bót, phân chi khu quân sự, giải phóng 12 xã thuộc các huyện Châu Thành, Cần Đước, Tân Trụ. Bộ đội đặc công Quân khu 9 đánh phá, khống chế sân bay Trà Nóc. Cùng ngày, Quân ủy Trung ương điện khẩn cho Bộ Tư lệnh 559 chỉ thị: Ưu tiên vận chuyển đạn dược; đạn 130mm, l00mm, Đ74, ĐKZ75 và ĐKZ 82, đạn cối 120mm; pháo 85mm, lựu 122mm. Ưu tiên về xăng dầu, trước hết là madút và dầu mỡ phụ. Chậm nhất 29-4 có ở Đồng Xoài.

 Quân giải phóng đánh chiếm sân bay Xuân Lộc. Ảnh: TƯ LIỆU

Từ ngày 20 đến ngày 25-4, các đơn vị lần lượt đến Sở Chỉ huy chiến dịch nhận nhiệm vụ, mục tiêu trên từng hướng.

Hướng tây - bắc, Quân đoàn 3 do Thiếu tướng Vũ Lăng làm Tư lệnh, đại tá Đặng Vũ Hiệp làm Chính ủy có 3 sư đoàn bộ binh và các đơn vị binh chủng (khoảng 46.000 người). Ngoài ra còn có hai trung đoàn Gia Định (1 và 2), các đội đặc công - biệt động của Thành đội Sài Gòn và được sự chi viện của pháo binh và phòng không chiến dịch. Lực lượng trên hướng này có nhiệm vụ đánh chiếm Đồng Dù, tiêu diệt Sư đoàn 25 ngụy, đánh chiếm sân bay Tân Sơn Nhất và cùng với Quân đoàn 1 chiếm Bộ Tổng tham mưu ngụy.

Hướng bắc và đông - bắc, Quân đoàn 1 (thiếu Sư đoàn 308) do Thiếu tướng Nguyễn Hòa làm Tư lệnh, Thiếu tướng Hoàng Minh Thi làm Chính ủy có hai sư đoàn bộ binh và các đơn vị binh chủng (khoảng 30.000 người) được tăng cường Trung đoàn 95 bộ binh (Sư đoàn 325, Quân đoàn 2) và một trung đoàn cao xạ tự hành, có nhiệm vụ đánh chiếm căn cứ Phú Lợi, tiêu diệt Sư đoàn 5 ngụy, tiếp đó đánh chiếm Bộ Tổng tham mưu và căn cứ Bộ Tư lệnh các binh chủng ngụy ở Gò Vấp.

Hướng đông và hướng đông - nam có hai quân đoàn. Quân đoàn 4 do Thiếu tướng Hoàng Cầm làm Tư lệnh, Thiếu tướng Hoàng Thế Thiện làm Chính ủy có 3 sư đoàn bộ binh và các đơn vị binh chủng (khoảng 30.000 người), được tăng cường Lữ đoàn 52 bộ binh (Quân khu 5), một tiểu đoàn pháo 130 ly, 3 tiểu đoàn xe tăng thiết giáp, một trung đoàn và một tiểu đoàn cao xạ hỗn hợp, có nhiệm vụ tiêu diệt sở chỉ huy Bộ Tư lệnh Quân đoàn 3 và Sư đoàn 18 ngụy ở Biên Hòa, sau đó thọc sâu vào nội thành chiếm dinh Độc Lập. Quân đoàn 2 do Thiếu tướng Nguyễn Hữu An làm Tư lệnh và Thiếu tướng Lê Linh làm Chính ủy có 3 sư đoàn bộ binh và các đơn vị binh chủng (khoảng 40.000 người), có nhiệm vụ đánh chiếm Bà Rịa, Nước Trong, Long Bình, chặn sông Lòng Tàu, sau đó phát triển vào nội thành, cùng Quân đoàn 4 chiếm dinh Độc Lập.

Hướng tây và tây - nam, Đoàn 232 do Trung tướng Lê Đức Anh làm Tư lệnh và Thiếu tướng Lê Văn Tưởng làm Chính ủy có 3 sư đoàn bộ binh, 3 tiểu đoàn xe tăng thiết giáp và 1 đại đội thiết giáp, 1 tiểu đoàn pháo 130 ly, 1 trung đoàn và 5 tiểu đoàn pháo cao xạ và bộ đội chủ lực, bộ đội địa phương Quân khu 8 (tất cả khoảng 42.000 người). Lực lượng trên hướng này có nhiệm vụ tiêu diệt Sư đoàn 25 ngụy, cắt đứt đường số 4, sau đó thọc sâu đánh chiếm biệt khu thủ đô ngụy, tổng nha cảnh sát.

Ở vùng ven thành phố, các đơn vị đặc công và lực lượng vũ trang tại chỗ có nhiệm vụ đánh và giữ các cầu quan trọng, dẫn đường cho các binh đoàn chủ lực đánh chiếm các mục tiêu ở nội thành, phát động quần chúng nổi dậy giành chính quyền ở cơ sở.

Đến ngày 20-4-1975, tức là chỉ 20 ngày sau khi giải phóng Đà Nẵng, 48 ngày kể từ khi bắt đầu nổ súng ở Tây nguyên, quân dân ta đã bao vây thành phố Sài Gòn - Gia Định trên tất cả các hướng. 5 quân đoàn binh chủng hợp thành, lực lượng vũ trang Nam bộ, cực Nam Trung bộ và thành phố Sài Gòn - Gia Định (gồm 270.000 người) đã chiếm lĩnh vị trí xuất phát tiến công cách nội đô trên dưới 50km và bí mật đưa một bộ phận lực lượng áp sát các mục tiêu. Lực lượng hậu cần phục vụ chiến dịch lên tới 180.000 người. Nắm vững thời cơ chiến lược, với tư tưởng chỉ đạo hành động “thần tốc, táo bạo, bất ngờ, chắc thắng”, quân dân ta đã hoàn thành việc tập kết lực lượng và phương tiện chiến tranh trong một thời gian ngắn, tạo nên thế trận mới với sức mạnh áp đảo, bảo đảm thắng lợi chắc chắn nhanh chóng và trọn vẹn cho chiến dịch giải phóng Sài Gòn. Đây là một bất ngờ lớn đối với Mỹ - ngụy.

Tại Thủ Dầu Một, trong thời gian 10 ngày trước khi bước vào chiến dịch Hồ Chí Minh, tất cả các lực lượng của tỉnh, huyện được học tập quán triệt Nghị quyết 15 ngày 29-3-1975 và bức thư của Trung ương Cục, lời kêu gọi của Ủy ban Nhân dân cách mạng tỉnh. Cán bộ, đảng viên, chiến sĩ các lực lượng vũ trang cùng các cơ quan dân chính Đảng của tỉnh khí thế xuống đường tổng công kích, tổng khởi nghĩa với quyết tâm giành thắng lợi lớn nhất. Mọi công tác chuẩn bị về lực lượng, mục tiêu, vận chuyển khí tài, đạn dược, lương thực thực phẩm, thuốc men dùng cho 3 tháng đã được tập kết tại các địa bàn đúng thời gian quy định.

 HÀ THĂNG

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
Quay lên trên