NHẬT KÝ CHIẾN DỊCH GIẢI PHÓNG MIỀN NAM 1975

Từ ngày 9 đến 20-4-1975: Mở toang “Cánh cửa thép” Xuân Lộc

Cập nhật: 09-04-2015 | 08:50:24

Thị xã Xuân Lộc (tỉnh Long Khánh) nằm trên ba trục giao thông quan trọng: đường số 1, đường số 20 (Sài Gòn đi Đà Lạt) và đường số 15 (Sài Gòn đi Vũng Tàu). Đây là một cửa ngõ quan trọng của Sài Gòn, được quân ngụy xây dựng thành một khu vực phòng thủ trọng yếu trên tuyến phòng thủ cơ bản Biên Hòa - Bà Rịa - Vũng Tàu. Lực lượng địch phòng giữ Xuân Lộc có Sư đoàn 18 bộ binh, sư đoàn mạnh nhất của Quân đoàn 3 ngụy, 1 liên đoàn biệt động quân, 1 trung đoàn thiết giáp, 9 tiểu đoàn bảo an của tiểu khu Long Khánh. Khi bị tiến công, quân địch ở Xuân Lộc còn được sự chi viện nhanh chóng của lực lượng dự bị chiến lược (dù, thủy quân lục chiến) ngụy, toàn bộ hỏa lực pháo binh của Quân đoàn 3 và không quân từ hai sân bay chiến lược rất gần là Biên Hòa, Tân Sơn Nhất.

 Bộ đội tiến vào giải phóng Xuân Lộc (Ảnh tư liệu)

 

Ngày 9-4-1975, Quân đoàn 4 tiến công thị xã Xuân Lộc, một vị trí trọng yếu trên tuyến phòng thủ phía đông bắc Sài Gòn của quân ngụy. Thực hiện sự chỉ đạo “thần tốc” của Bộ Tổng Tư lệnh, ban đầu Quân đoàn 4 (đơn vị chủ công chiến dịch giải phóng Xuân Lộc), thực hiện phương án sử dụng một bộ phận bộ binh, toàn bộ xe tăng, pháo binh tiến công thẳng vào sở chỉ huy tiểu khu, sở chỉ huy Sư đoàn 18, thực hành bao vây chia cắt diệt viện nhằm giải phóng thị xã.

Tuy nhiên, sau 5 ngày chiến đấu, các đơn vị không dứt điểm được các mục tiêu. Quân Sài Gòn dồn lực lượng về Xuân Lộc (quân số lên 9 chiến đoàn gồm cả bộ binh, dù, tăng - thiết giáp, chưa tính 8 tiểu đoàn bảo an địa phương) điên cuồng phản kích, sử dụng loại bom mới mà Mỹ vừa cung cấp (9-4-1975) gây thương vong cao cho lực lượng tham gia chiến dịch Xuân Lộc. Mặc dù tham gia địch đang ở thế thua, tan rã lớn, tinh thần sĩ quan, binh lính hoang mang, nhưng trong thế sụp đổ và thất bại hoàn toàn, chúng đã dồn sức kháng cự quyết liệt, nhất là ở cửa ngõ của sào huyệt cuối cùng. Ta và địch giành giật nhau từng đoạn hào, từng căn nhà, góc phố. Quân đoàn 3 ngụy gấp rút điều Lữ đoàn 1 dù, Trung đoàn 8 (Sư đoàn 5 bộ binh) và Liên đoàn 2 biệt động quân, 8 tiểu đoàn pháo binh và 2 chiến đoàn xe tăng, xe bọc thép từ Sài Gòn lên và từ Tây Ninh sang tăng cường cho Sư đoàn 18, quyết “tử thủ Xuân Lộc”. Máy bay địch cất cánh từ các sân bay Biên Hòa, Tân Sơn Nhất, Trà Nóc (Cần Thơ) ném bom dữ dội xuống Xuân Lộc. Trận chiến đấu trở nên gay go, quyết liệt.

Trong tình hình đó, Bộ Tư lệnh Miền và Quân đoàn 4 quyết định chuyển cách đánh, từ tiến công thẳng vào thị xã sang đánh các đơn vị địch đến phản kích đứng chân chưa vững ở vòng ngoài, chia cắt Xuân Lộc với Biên Hòa và cắt đường số 2 từ Xuân Lộc đi Bà Rịa. Trung đoàn 95 (Sư đoàn 325, Quân đoàn 2) mới từ Tây nguyên vào và 1 đại đội xe tăng được tăng cường cho mặt trận. Pháo của Quân đoàn 4 bắn mãnh liệt vào các vị trí của 2 Trung đoàn 43, 48 (Sư đoàn 18) và Lữ đoàn 1 dù của địch, chi viện cho bộ binh diệt từng bộ phận quân địch khi chúng nống ra cứu nguy cho đồng bọn ở vòng ngoài. Trận địa pháo cơ giới đặt tại Hiếu Liêm và pháo mang vác của Đoàn 113 đặc công Miền liên tục bắn phá sân bay Biên Hòa. Sư đoàn 6 (Quân khu 7) và Trung đoàn 95 đánh chiếm chi khu Túc Trưng, Kiên Tân, tiêu diệt Trung đoàn 52 (Sư đoàn 18), sau đó phát triển theo đường số 20 đánh lui Lữ đoàn 3 kỵ binh từ Biên Hòa ra phản kích, chiếm ngã ba Dầu Dây. Đường số 1 từ Biên Hòa đi Xuân Lộc bị cắt đứt. Quân địch ở Xuân Lộc bị tổn thất nặng. Thị xã Xuân Lộc hoàn toàn bị bao vây, cô lập.

Trước nguy cơ bị tiêu diệt hoàn toàn và khi thấy cánh quân duyên hải của ta đến gần, ngày 20-4 lực lượng còn lại của địch ở thị xã Xuân Lộc bỏ chạy về Bà Rịa. Bộ đội ta truy kích, diệt một bộ phận quân địch, giải phóng thị xã Xuân Lộc và toàn tỉnh Long Khánh.

Thị xã Xuân Lộc được giải phóng. “Cánh cửa thép” phía đông Sài Gòn đã mở.

Trong thời gian chuẩn bị cho nhiệm vụ giải phóng thị xã Thủ Dầu Một, đối với lực lượng vũ trang của tỉnh, Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh quyết định sử dụng lực lượng vũ trang ba thứ quân của tỉnh cho chiến dịch tiến công và nổi dậy giải phóng thị xã, giải phóng tỉnh; điều động lực lượng tập trung của hai huyện Dầu Tiếng và Bắc Bến Cát, đồng thời chỉ đạo cho các địa phương tiếp tục động viên thanh niên tòng quân bổ sung cho tỉnh thành lập Tiểu đoàn 3 Phú Lợi. Các đơn vị được phân công nhiệm vụ như sau:

- Tiểu đoàn Phú Lợi 1, làm nhiệm vụ dẫn đường cho Sư đoàn 320B (Quân đoàn 1) đánh vào Sài Gòn. Nhiệm vụ tiếp theo của tiểu đoàn là đánh chiếm và giải phóng chi khu Lái Thiêu. Đại đội 74 đặc công phối hợp lực lượng tại chỗ đánh chiếm yếu khu Búng, xã An Thạnh.

- Tiểu đoàn Phú Lợi 2, được Sư đoàn 312 (Quân đoàn 1) chi viện pháo, đánh chiếm và giải phóng xã Bình Mỹ, sau đó giao lại cho du kích xã, tiểu đoàn tiếp tục phát triển cùng bộ đội chủ lực đánh chiếm tiểu khu Phú Lợi và thị xã Thủ Dầu Một (các mục tiêu trọng yếu trong nội ô thị xã).

- Tiểu đoàn Phú Lợi 3 (sau khi thành lập xong) cùng Tiểu đoàn Phú Lợi 2 tiếp quản thị xã.

- Đại đội công binh 506, phối hợp với du kích xã Phú Chánh, đánh chiếm giải phóng xã Phú Chánh xong giao lại cho địa phương, phát triển vào thị xã.

- Đại đội 73 đặc công cùng lực lượng huyện Dĩ An (có sự chi viện của Đoàn Đặc công 113 của trên), đánh chiếm chi khu, phát triển xuống đề pô xe lửa Dĩ An.

Công tác chuẩn bị mọi mặt cho cuộc tiến công và nổi dậy của các lực lượng trong tỉnh được tiến hành rất khẩn trương. Lực lượng vũ trang của tỉnh ráo riết chuẩn bị phương án hiệp đồng chiến đấu, tổ chức lực lượng dẫn đường cho các đơn vị của Quân đoàn 1 đánh chiếm các mục tiêu đã hoàn tất.

 HÀ THĂNG

 

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
Quay lên trên