Từ tàu “không số” đến tàu ngầm Kilô - Bài 1

Cập nhật: 04-05-2015 | 08:12:02

Bài 1: Nền móng đầu tiên

Ngày 7-5-2015, Quân chủng Hải quân vừa tròn 60 năm xây dựng, chiến đấu, chiến thắng và trưởng thành. 60 năm qua, dưới sự lãnh đạo của Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh, thường xuyên trực tiếp là Quân ủy Trung ương và Bộ Quốc phòng; sự phối hợp hiệp đồng chặt chẽ của các đơn vị bạn; được sự đùm bọc giúp đỡ của cấp ủy, chính quyền, nhân dân các địa phương trong cả nước, sự ủng hộ của kiều bào ta ở nước ngoài và bạn bè quốc tế; các thế hệ sĩ quan, quân nhân chuyên nghiệp, hạ sĩ quan - chiến sĩ, công nhân viên quốc phòng qua các thời kỳ luôn đoàn kết thống nhất, vượt mọi khó khăn gian khổ, quyết tâm phấn đấu vươn lên xây dựng Hải quân nhân dân Việt Nam không ngừng trưởng thành lớn mạnh, trở thành lực lượng nòng cốt bảo vệ chủ quyền biển đảo thiêng liêng của Tổ quốc.

Tàu “không số” Đoàn 125 Hải quân vận chuyển vũ khí chi viện cho chiến trường miền Nam. Ảnh: TL

Sau thắng lợi của chiến dịch Điện Biên Phủ (7-5- 1954), kết thúc cuộc kháng chiến trường kỳ, gian khổ của nhân dân ta chống thực dân Pháp xâm lược, Hiệp định Giơnevơ được ký kết, lập lại hòa bình trên toàn cõi Đông Dương; miền Bắc Việt Nam được giải phóng, nhân dân ta dưới sự lãnh đạo của Trung ương Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh, đi lên xây dựng cuộc sống mới xã hội chủ nghĩa. Để bảo vệ, giữ vững trật tự an ninh trên các vùng duyên hải, chống mọi hoạt động của bọn hải phỉ, biệt kích, đặc vụ, bảo đảm an toàn cho nhân dân đi lại làm ăn trên các vùng biển, đảo của Tổ quốc, quán triệt chủ trương của Đảng, cuối tháng 7-1954, Bộ Tổng Tư lệnh chỉ thị cho Cục Tác chiến, Bộ Tổng Tham mưu khẩn trương tổ chức nghiên cứu đề án xây dựng lực lượng bảo vệ vùng biển.

Giữa tháng 4-1955, ba đề án xây dựng lực lượng phòng thủ bờ bể đã hoàn thành, được Tổng Quân ủy thông qua, gồm: Đề án tổ chức biên chế cơ quan; Trường Huấn luyện bờ bể; Xưởng sửa chữa, đóng mới ca nô và kế hoạch lựa chọn, điều động cán bộ, chiến sĩ về xây dựng thủy quân; đề án xây dựng các đài, trạm quan sát, các khu tuần phòng và trận địa pháo bờ biển; đề án xây dựng lực lượng tàu thuyền hoạt động ở ven biển. Thực hiện Quyết nghị của Tổng Quân ủy, ngày 26-4-1955, Bộ Quốc phòng - Tổng Tư lệnh đã ra quyết định thành lập Trường Huấn luyện bờ bể (phiên hiệu C45) và Xưởng sửa chữa tàu thuyền (phiên hiệu C46), là hai cơ sở bảo đảm về kỹ thuật hải quân và đào tạo cán bộ của Cục Phòng thủ bờ bể sẽ ra đời sau đó. Ngày 7-5-1955, Bộ Quốc phòng ra Nghị định số 284/ NĐ-A thành lập Cục Phòng thủ bờ bể bao gồm cơ quan cục và hai đơn vị trực thuộc là C45 và C46, với quân số ban đầu có 141 cán bộ, chiến sĩ, công nhân viên. Nhiệm vụ của Cục Phòng thủ bờ bể là cơ quan giúp Bộ Tổng tư lệnh chỉ đạo các lực lượng phòng thủ bờ bể, tổ chức đào tạo cán bộ, nhân viên thủy thủ; sản xuất, sửa chữa dụng cụ, phương tiện về thủy quân; xây dựng các thủy đội để bàn giao cho các khu và liên khu làm nhiệm vụ quản lý, bảo vệ chủ quyền, an ninh trên các vùng sông, biển.

Ngày 7-5-1955 đã trở thành mốc lịch sử đánh dấu sự ra đời của Hải quân nhân dân Việt Nam. Sau ngày thành lập, Trường Huấn luyện bờ bể đã gấp rút đào tạo cán bộ, thủy thủ, với phương châm “thực hành nhiều hơn lý thuyết”, sau hai tháng khai giảng, ngày 12- 8-1955, trường đã hoàn thành đào tạo khóa học đầu tiên với tổng số gần 400 cán bộ, thủy thủ. Cùng thời gian đó, Xưởng 46 khẩn trương tiến hành sửa chữa, đóng mới tàu thuyền. Sau hai tháng thành lập, xưởng đã sửa chữa xong chiếc tàu Tơ-rông-bơ-rơ và 5 chiếc ca nô phục vụ cho thực hiện nhiệm vụ. Đến ngày 19- 8-1955, Xưởng 46 đã cùng với hai xưởng đóng thuyền ở Tiên Yên và Quảng Yên hoàn thành sản xuất 20 ca nô gỗ lắp máy GMC, trang bị súng trọng liên 12,7mm và đại liên Mác-xim, cung cấp cho hoạt động bảo vệ an ninh trên vùng sông, biển của Tổ quốc. Ngày 24-8- 1955, cục tổ chức trọng thể lễ thành lập hai thủy đội Sông Lô và Bạch Đằng tại Trường Huấn luyện bờ bể, bên bờ sông Cấm, TP.Hải Phòng. Đại tướng Võ Nguyên Giáp, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng - Tổng Tư lệnh và đồng chí Đỗ Mười, Chủ tịch Ủy ban quân chính TP.Hải Phòng, cùng đông đảo cán bộ, chiến sĩ Cục Phòng thủ bờ bể và nhân dân thành phố đã chứng kiến buổi ra mắt của hai thủy đội. Tại buổi lễ, Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã huấn thị: “Đây là những viên gạch đầu tiên, là tiền thân của lực lượng tàu chiến đầu tiên của Hải quân nhân dân Việt Nam sau này”.

Những năm 1955-1958, Cục Phòng thủ bờ bể tích cực tổ chức đào tạo, huấn luyện, sản xuất, sửa chữa phương tiện, vũ khí, trang bị kỹ thuật, vật tư… lựa chọn cử cán bộ, chiến sĩ, công nhân ra nước ngoài và một số trường ở trong nước để học tập, đào tạo cơ bản lâu dài; đồng thời tích cực xây dựng các cơ sở vật chất kỹ thuật. Trên cơ sở nền móng là Cục Phòng thủ bờ bể, ngày 24-1- 1959, Bộ Quốc phòng ra Nghị định số 322/NĐ thành lập Cục Hải quân thuộc Bộ Tổng Tham mưu, với chức năng nhiệm vụ là cơ quan giúp Bộ Quốc phòng - Tổng Tư lệnh nghiên cứu, thực hiện kế hoạch xây dựng và chỉ huy lực lượng hải quân, quản lý các quân cảng, bảo vệ hải phận miền Bắc trong thời bình, phối hợp với các binh chủng và lực lượng vũ trang các địa phương chiến đấu trong thời chiến. Theo đó, biên chế tổ chức của cục cũng thay đổi, có 5 phòng chức năng (Tham mưu, Chính trị, Hậu cần, Công trình, Đo đạc biển) và 5 đơn vị trực thuộc (trường Huấn luyện Hải quân, Đoàn 130, Xưởng 46, Đoàn 135, Tiểu đoàn Công binh 145). Đây là sự kiện đánh dấu bước phát triển mới của Cục Phòng thủ bờ bể từ cơ quan nghiên cứu chuyển sang chỉ đạo, chỉ huy mọi hoạt động của lực lượng hải quân.

Ngày 20-4-1959, Đảng bộ Cục Hải quân được thành lập đặt dưới sự lãnh đạo trực tiếp của Tổng Quân ủy. Trong thời gian này, liên tiếp các đơn vị, lực lượng của Cục Hải quân được xây dựng, phát triển. Trong giai đoạn lịch sử đầu tiên này, bộ đội hải quân đã 3 lần được vinh dự đón Bác Hồ về thăm. Lần thứ nhất vào ngày 30-3-1959. Lần thứ hai vào ngày 15-3-1961 và lần thứ ba vào ngày 13-11-1962. Trong các lần về thăm, Bác đã ân cần thăm hỏi và căn dặn cán bộ, chiến sĩ, công nhân viên quốc phòng hải quân rất nhiều điều. Người dạy: “Ngày trước ta chỉ có đêm và rừng. Ngày nay, ta có ngày, có trời, có biển. Bờ biển ta dài, tươi đẹp, ta phải biết giữ gìn lấy nó”. Lời dạy đó của Bác vừa là lời chỉ bảo ân tình, sâu sắc, vừa là mệnh lệnh thiêng liêng, trở thành tư tưởng chỉ đạo xuyên suốt trong xác định nhiệm vụ và hành động của các thế hệ cán bộ, chiến sĩ Hải quân nhân dân Việt Nam.

Cùng với xây dựng lực lượng chiến đấu bảo vệ chủ quyền vùng biển ở miền Bắc, Trung ương Đảng và Bác Hồ đã chú trọng chỉ đạo xây dựng lực lượng chi viện cho cách mạng miền Nam bằng đường biển. Tháng 7-1959, Tổng Quân ủy quyết định thành lập Tiểu đoàn 603 vận tải đường biển chi viện miền Nam. Rút kinh nghiệm của chuyến vận chuyển đầu tiên không thành công và giải thể đơn vị, ngày 23-10-1961, Bộ Quốc phòng quyết định thành lập Đoàn 759 - vận tải quân sự đường biển, đặt dưới sự chỉ đạo trực tiếp của Bộ Quốc phòng. Ngày 19-10-1962, con tàu Phương Đông 1 đã thực hiện thắng lợi chuyến vận chuyển 30 tấn vũ khí vào cập bến Vàm Lũng (Cà Mau) an toàn, mở thông con đường vận chuyển chiến lược trên biển mang tên Chủ tịch Hồ Chí Minh. Tiếp sau đó, hàng chục chuyến tàu “không số” bí mật vận chuyển chi viện cho miền Nam liên tục được thực hiện thành công. Nhiều chiếc tàu vận tải vỏ sắt trọng tải 50 - 100 tấn được đóng mới cung cấp cho đơn vị làm nhiệm vụ đặc biệt quan trọng này. Tháng 10-1963, Đoàn 759 chuyển về trực thuộc Hải quân và đổi tên thành Đoàn 125 Hải quân (1-1964); tiếp tục lập được nhiều chiến công. Đến cuối năm 1963, lực lượng Hải quân Việt Nam đã có sự phát triển vượt bậc. Sau gần 9 năm (5.1955 - 12.1963) xây dựng, Hải quân nhân dân Việt Nam đã có các lực lượng tàu tuần tiễu ven biển, tàu phóng ngư lôi, tàu săn ngầm, vận tải, trinh sát và một số tàu phục vụ khác như tàu dầu, tàu chở nước, tàu đo đạc biển, trục vớt… có khả năng tác chiến độc lập hoặc hiệp đồng chiến đấu trên biển; hệ thống cầu cảng, các đơn vị công binh công trình, lực lượng bảo đảm, phục vụ cùng với các cơ sở vật chất kỹ thuật đã được xây dựng; hệ thống ra đa, đài trạm quan sát được bố trí dọc ven biển từ Quảng Ninh đến Cửa Tùng. Cùng với đó là sự phát triển nhanh chóng cả về số lượng, chất lượng của đội ngũ cán bộ, chiến sĩ hải quân, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ cao hơn trong tình hình mới của cách mạng.

Bài 2: Ra quân đánh thắng trận đầu

 P.V

(Theo tài liệu Cục Chính trị - Bộ Tư lệnh Hải quân) 

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
Quay lên trên