Tư tưởng nhân văn và tầm nhìn chiến lược về xây dựng con người

Cập nhật: 18-09-2014 | 08:33:21

Một trong những nội dung chủ yếu làm nên giá trị tinh thần vô giá, kết tinh những tinh hoa trí tuệ, đạo đức của Hồ Chí Minh trong Di chúc mà Người đã để lại cho toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta, đó là tư tưởng nhân văn và tầm nhìn chiến lược về xây dựng con người.

 

Theo lời căn dặn của Bác, Bình Dương luôn chú trọng sự nghiệp “trồng người”. Trong ảnh: Giờ chào cờ thứ hai đầu tuần của học sinh trường trung - tiểu học Đức Trí (TX.Thuận An) Ảnh: A.SÁNG

 Thấm đẫm tư tưởng nhân văn

Nói đến tư tưởng nhân văn của Hồ Chí Minh là nói tới tất cả những gì mà Người đã suy nghĩ, hành động trong suốt cuộc đời cách mạng nhằm mục đích vì con người và giải phóng con người, để khi phải từ biệt thế giới này, Người “không có điều gì phải hối hận”. Trong Di chúc, phần viết về những việc cần làm sau thắng lợi của cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, Người đã nhấn mạnh: Đầu tiên là công việc đối với con người. Trước hết, Người căn dặn phải có một chính sách đối với những người đã vì Tổ quốc hy sinh và hậu phương gia đình họ, thể hiện thấm nhuần đạo lý, truyền thống tốt đẹp của người Việt Nam “uống nước nhớ nguồn, ăn quả nhớ kẻ trồng cây” và tôn vinh người có công với cách mạng.

Đối với nông dân, Hồ Chí Minh đã đề nghị miễn thuế nông nghiệp 1 năm để đồng bào thêm niềm phấn khởi, đẩy mạnh sản xuất. Đối với nhân dân lao động nói chung, Hồ Chí Minh căn dặn “Đảng cần có kế hoạch thật tốt để phát triển kinh tế và văn hóa nhằm không ngừng nâng cao đời sống của nhân dân”. Theo Hồ Chí Minh, yêu thương con người là phải sống với nhau có tình, có nghĩa. Người đã nhắc nhở: “Hiểu chủ nghĩa Mác - Lênin là phải sống với nhau có tình, có nghĩa. Nếu thuộc bao nhiêu sách mà sống không có tình, có nghĩa thì sao gọi là hiểu chủ nghĩa Mác- Lênin được”. Yêu thương con người vận dụng vào trong Đảng, trong tổ chức là “phải có tình đồng chí thương yêu lẫn nhau”. Trong Di chúc, Người cũng căn dặn, phải quan tâm sâu sắc đến việc bồi dưỡng, cất nhắc, giúp đỡ phụ nữ, để họ tiến bộ, bình đẳng và thật sự được giải phóng. Theo Người, “Nói phụ nữ là nói đến phần nửa của xã hội. Nếu không giải phóng phụ nữ thì không giải phóng một nửa loài người. Nếu không giải phóng phụ nữ là xây dựng chủ nghĩa xã hội chỉ có một nửa”…

Trong Di chúc của Hồ Chí Minh, điều làm chúng ta vô cùng xúc động là nội dung Người viết về việc riêng mà ở đó tư tưởng yêu thương con người và tất cả vì con người được thể hiện rất sâu sắc. Về việc tang lễ, Người dặn “chớ nên tổ chức điếu phúng linh đình để khỏi lãng phí thời giờ và tiền bạc của nhân dân”. Đối với thi hài, phần mộ và nơi an nghỉ cuối cùng của mình, Hồ Chí Minh cũng dặn lại những việc nên làm để cho “những người đến thăm viếng có chỗ nghỉ ngơi” và góp phần bảo vệ môi trường sinh thái vì cuộc sống của con người.

Tầm nhìn chiến lược xây dựng con người

Tư tưởng nhân văn mà cốt lõi là tình thương yêu con người, vì con người và giải phóng con người luôn gắn liền với tầm nhìn chiến lược khoa học của Hồ Chí Minh về xây dựng con người. Nổi lên trước hết là xây dựng Đảng và đội ngũ cán bộ, đảng viên trong điều kiện Đảng cầm quyền. Về điều này trong Di chúc Hồ Chí Minh nhấn mạnh 3 vấn đề: đoàn kết, tự phê bình và phê bình, đạo đức cách mạng. Sau 45 năm thực hiện Di chúc của Người, chúng ta nhận thấy bên cạnh những việc đã làm được vẫn còn nhiều việc phải bàn, phải làm để giữ gìn sự đoàn kết của Đảng, thực hành thường xuyên và nghiêm chỉnh tự phê bình và phê bình trên tình đồng chí thương yêu lẫn nhau và “thật sự thấm nhuần đạo đức cách mạng” như Hồ Chí Minh mong muốn.

Trong chiến lược về xây dựng con người, Hồ Chí Minh đặc bịêt coi trong việc đào tạo, bồi dưỡng thế hệ trẻ. Người đã từng nói: “Vì lợi ích mười năm thì phải trồng cây, vì lợi ích trăm năm thì phải trồng người. Chúng ta phải đào tạo ra những công dân tốt và cán bộ tốt cho nước nhà”. Đây là tư tưởng thể hiện rất rõ sự thống nhất giữa tính nhân văn cộng sản và tầm nhìn chiến lược về lựa chọn, bồi dưỡng phát huy nhân tố con người của Hồ Chí Minh.

Nghiên cứu tư tưởng nhân văn và tầm nhìn chiến lược của Hồ Chí Minh về xây dựng con người qua Di chúc của Người trong điều kiện mới có rất nhiều vấn đề đặt ra cả về phương diện lý luận và thực tiễn. Nhưng cần thấy sự thống nhất nội tại giữa tư tưởng nhân văn và tầm nhìn chiến lược về xây dựng con người chính là bắt nguồn từ điểm mấu chốt mà Hồ Chí Minh đã khẳng định: Vô luận tất cả đều do người làm ra và vì con người; con người là vốn quý nhất trên thế giới này. Điều quan trọng đối với chúng ta không chỉ ở chỗ ôn lại những điều Người căn dặn mà là hiện thực hóa trong cuộc sống của mỗi con người và toàn xã hội.

Trong điều kiện Đảng cầm quyền, trước hết đội ngũ cán bộ, đảng viên phải thực sự quan tâm tới con người, vì con người nhưng không thể dừng lại ở lời nói mà phải thống nhất giữa nói và làm. Đảng, Nhà nước và toàn xã hội phải làm tốt hơn nữa công việc “trồng người” và phát huy nhân tố con người trong sự nghiệp cách mạng. Đấu tranh khắc phục những khó khăn, trở lực và sự chống phá của kẻ địch để xây dựng con người Việt Nam trong điều kiện mới đặc biệt là xây dựng thế hệ trẻ. Đó là những công việc thiết thực để làm theo tư tưởng nhân văn và chiến lược xây dựng con người trong Di chúc.

(Nguồn: Báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam)

 

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
Quay lên trên