Tuyến đường sắt ngoại ô TP. Hồ Chí Minh - Bình Dương: Góp phần giảm ùn tắc giao thông

Cập nhật: 13-05-2016 | 08:05:40

Sau sự cố sập cầu Ghềnh trên sông Đồng Nai, tuyến đường sắt ngoại ô được khôi phục để cùng lúc thực hiện 2 nhiệm vụ trung chuyển giữa 2 ga cuối cùng (Biên Hòa và Sài Gòn) trong hành trình đường sắt Bắc - Nam và vận chuyển hành khách, hàng hóa từ nội ô TP.Hồ Chí Minh ra ngoại ô (các địa phương vệ tinh). Sau gần 1 tháng hoạt động, tuyến đường sắt ngoại ô đã được người dân đánh giá cao vì tính an toàn, tiết kiệm và hiệu quả

 Hàng khách đi xe lửa tuyến ngoại ô xuống tại ga Dĩ An. Ảnh: DUY CHÍ

 Tiện lợi, hiệu quả
17 giờ chiều 11-5, tại ga Dĩ An, anh Trần Hải ở quận Thủ Đức, TP.Hồ Chí Minh cùng vợ con đang cầm vé chờ lên tàu về nhà ở TP. Hồ Chí Minh. Anh Hải chia sẻ, hôm nay anh đưa hai con đi đường sắt ngoại ô để các cháu được trải nghiệm thực tế, ngắm nhìn ngoại ô thành phố và khu vực xung quanh. Trong điều kiện giao thông thường bị tắc nghẽn vào giờ cao điểm như hiện nay thì tuyến đường sắt này rất hiệu quả và hữu ích.

Ông Đỗ Văn Tuấn, Trưởng ga Sóng Thần cho biết, hiện nay Công ty Cổ phần đường sắt Sài Gòn kết hợp vận hành tuyến trung chuyển hành khách, hàng hóa từ ga Biên Hòa về ga Sài Gòn (Hòa Hưng) trong hành trình đường sắt Bắc - Nam với tuyến đường sắt ngoại ô sau sự cố sập cầu Ghềnh trên sông Đồng Nai. 2 tuyến này đều đi qua 5 ga là Sóng Thần, Dĩ An, Bình Triệu, Gò Vấp và Sài Gòn. Điều thuận lợi là hành khách mua vé tuyến ngoại ô không cần chứng minh nhân dân. Giá vé suốt tuyến là 10.000 đồng/vé, đi dưới 2 ga giá vé là 5.000 đồng/ vé. Đoàn tàu có toa hành lý, vận chuyển xe máy cá nhân miễn phí; phí bốc xếp xe máy 5.000 đồng/lượt.

Cần sự kết nối

Ông Vũ Bình Triệu, trực ban ga Dĩ An cho biết, hành trình chạy tàu gần như liên tục 24/24 giờ nhưng mấy ngày gần đây, qua kiểm tra thực tế thì từ 24 giờ đêm hôm trước đến 4 giờ sáng hôm sau tàu chạy không có khách và hàng. Vì vậy, bộ phận điều độ đã điều chỉnh giờ chạy từ 4 giờ 30 sáng đến 20 giờ đêm. Ban đầu, khách thường là những người hiếu kỳ, đi thử cho biết nhưng gần đây lượng hành khách tăng dần.

Tại hội nghị tổng kết, Huyện ủy Bắc Tân Uyên đã tuyên dương 41 tập thể và 57 cá nhân tiêu Ông Đỗ Văn Tuấn, Trưởng ga Sóng Thần cho biết, khi cầu Ghềnh cải tạo xong, tuyến đường sắt ngoại ô vẫn tiếp tục hoạt động như một tuyến buýt hiện đại, chất lượng cao góp phần giảm ùn tắc giao thông đô thị.

Ghi nhận cho thấy, thời gian qua, lượng hành khách và hàng hóa qua ga Dĩ An rất ít, dù ga nằm ngay trung tâm TX.Dĩ An. Trong khi đó, phía ngoài ga có nhiều xe taxi, xe ôm đậu chờ đón khách; còn xe buýt thì ở điểm này không có. Theo ông Đỗ Văn Tuấn, Trưởng ga Sóng Thần, ở những đô thị lớn của các nước phát triển đường sắt ngoại ô rất thông dụng và phổ biến như xe buýt, vì an toàn, tiết kiệm và góp phần rất hiệu quả vào việc chống ùn tắc giao thông. Trước đây, tuyến đường sắt ngoại ô Sài Gòn - Biên Hòa hoạt động rất tốt, nhưng đến cuối thập niên 90 của thế kỷ XX phải đóng cửa vì phương tiện cá nhân phát triển mạnh, khách không còn mặn mà đi xe lửa. Giờ đây, ngành đường sắt phục hồi lại tuyến ngoại ô nhằm góp phần giải quyết ùn tắc giao thông, chứ không vì mục đích kinh tế.

Ông Lê Công Trí, cán bộ hưu trí ở phường Dĩ An, TX.Dĩ An góp ý, địa bàn Dĩ An, Thuận An nói riêng và tỉnh Bình Dương nói chung có rất nhiều người lao động đi và về hàng ngày giữa tỉnh Bình Dương và TP.Hồ Chí Minh. Nếu ngành đường sắt đẩy mạnh tuyên truyền, hợp tác với các khu công nghiệp, doanh nghiệp để người lao động sử dụng phương tiện này đi làm thì doanh nghiệp đỡ tốn chi phí đưa rước và góp phần tích cực để hạn chế tình trạng kẹt xe, ùn tắc giao thông như hiện nay.

 DUY CHÍ

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
Quay lên trên