Tuyên truyền Nghị quyết Trung ương 5 trong cán bộ, đảng viên và nhân dân với nội dung, hình thức phù hợp từng đối tượng

Cập nhật: 02-08-2012 | 00:00:00

(Trích Kết luận, chỉ đạo của Thường trực Tỉnh ủy do đ/c Nguyễn Minh Giao, UVTV, Trưởng ban Tuyên giáo Tỉnh ủy trình bày tại Hội nghị học tập, quán triệt và triển khai thực hiện Nghị quyết Hội nghị lần thứ 5, Ban Chấp hành Trung ương Đảng, khóa XI)

...Căn cứ các Kết luận và Nghị quyết Trung ương lần thứ 5 và qua phần trình bày của báo cáo viên, tôi xin lưu ý các đồng chí dự hội nghị cần nắm vững về những vấn đề cơ bản nhất của nội dung các kết luận, nghị quyết như sau:

1. Về tổng kết, sửa đổi, bổ sung Hiến pháp năm 1992

Trước hết, cần khẳng định, đây là một nội dung rất lớn, đặc biệt quan trọng bởi Hiến pháp năm 1992 và Hiến pháp của thời kỳ đầu đổi mới, là đạo luật cơ bản của Nhà nước, văn kiện chính trị - pháp lý quan trọng, thể hiện bản chất dân chủ, tiến bộ của Nhà nước ta, chế độ ta trong thời kỳ mới. Hiến pháp đã tạo cơ sở hiến định cho công cuộc đổi mới, đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Đến nay, Hiến pháp năm 1992 đã đi qua chặng đường 20 năm; có nhiều vấn đề mới được đặt ra, có những quy định của Hiến pháp năm 1992 đã bị thực tiễn vượt qua, không còn phù hợp. Vì vậy, việc sửa đổi, bổ sung Hiến pháp năm 1992 là yêu cầu khách quan, cần thiết. Ban Chấp hành Trung ương nhấn mạnh, việc sửa đổi, bổ sung Hiến pháp là công việc đặc biệt quan trọng, nhạy cảm phải có quan điểm và cách nhìn toàn diện, biện chứng, cụ thể, lịch sử, có cách làm khoa học, thận trọng; tránh tư duy xa rời thực tiễn; tiếp tục kế thừa những quy định của Hiến pháp năm 1992 và các bản Hiến pháp trước đây còn phù hợp. Đồng thời phải được tiến hành chặt chẽ, khoa học, dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam.

 Các đại biểu dự Hội nghị học tập, quán triệt Nghị quyết Trung ương 5 (khóa XI)

2. Về chính sách, pháp luật đất đai

Ban Chấp hành Trung ương đã nhất trí cho rằng: Đất đai là tài nguyên quốc gia vô cùng quý giá, là tư liệu sản xuất đặc biệt, là nguồn sống của nhân dân; là tài sản, là nguồn lực to lớn của đất nước. Phải tiếp tục khẳng định đất đai thuộc sở hữu toàn dân do Nhà nước đại diện chủ sở hữu và thống nhất quản lý; đồng thời quy định rõ ràng, cụ thể hơn các quyền của đại diện chủ sở hữu và quyền thống nhất quản lý của Nhà nước, đặc biệt là trong việc quyết định quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất; cho phép chuyển mục đích sử dụng và quy định thời hạn sử dụng đất; quyết định giá đất; tái định cư, tổ chức lại sản xuất và bảo đảm đời sống của nhân dân ở khu vực có đất bị thu hồi...

Lưu ý, một điểm mới của hội nghị lần này là Trung ương đã quy định rõ hơn sự khác nhau giữa quyền sở hữu đất và quyền sử dụng đất; quyền và trách nhiệm của Nhà nước với quyền và nghĩa vụ của người sử dụng đối với từng loại đất. Đồng thời, Ban Chấp hành Trung ương yêu cầu phải khẩn trương nghiên cứu sửa đổi, bổ sung Luật Đất đai và hoàn thiện pháp luật về đất đai để sớm khắc phục những hạn chế, yếu kém còn tồn tại hiện nay.

3. Về công tác phòng, chống tham nhũng, lãng phí

Hội nghị nhất trí cho rằng, từ khi Nghị quyết Trung ương 3 (khóa X) được ban hành, các cơ quan của Đảng, Nhà nước, Mặt trận Tổ quốc và cả hệ thống chính trị đã chủ động, tích cực vào cuộc. Tuy nhiên, công tác phòng, chống tham nhũng chưa đạt được yêu cầu “ngăn chặn, từng bước đẩy lùi tham nhũng”. Vì vậy, Trung ương nhấn mạnh, phải kiên trì và đẩy mạnh nhiệm vụ đấu tranh phòng, chống tham nhũng, lãng phí theo tinh thần Nghị quyết Đại hội XI của Đảng và Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XI). Tiếp tục quán triệt, thực hiện nghiêm túc các quan điểm, tư tưởng chỉ đạo và các nhiệm vụ, giải pháp của Nghị quyết Trung ương 3 (khóa X), gắn với việc thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XI). Đồng thời, Ban Chấp hành Trung ương quyết định chủ trương thành lập Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng trực thuộc Bộ Chính trị do Tổng Bí thư làm trưởng ban; lập lại Ban Nội chính Trung ương, vừa thực hiện chức năng một ban Đảng, đồng thời là cơ quan thường trực của Ban chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng. Quyết định này một lần nữa thể hiện quyết tâm cao của Trung ương trong việc đẩy mạnh cuộc đấu tranh phòng, chống tham nhũng với mong muốn đạt kết quả cao hơn, tốt hơn.

4. Một số vấn đề về chính sách xã hội từ nay đến năm 2020

- Về chính sách xã hội: Trung ương nhất trí cho rằng, trong suốt quá trình đổi mới, ngay khi nền kinh tế còn nhiều khó khăn, Đảng và Nhà nước ta đã sớm thực hiện chủ trương phát triển đồng bộ kinh tế và xã hội, chú trọng kết hợp tăng trưởng kinh tế với thực hiện tiến bộ và công bằng xã hội nên nhiều chính sách xã hội đã được ban hành và triển khai thực hiện. Tuy nhiên, kết quả đạt được có mặt còn thấp so với yêu cầu phát triển chung của toàn xã hội. Vì vậy, Ban Chấp hành Trung ương yêu cầu, trong thời gian tới, phải nghiêm túc quán triệt các quan điểm, tư tưởng chỉ đạo của Đảng, coi việc không ngừng cải thiện, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần cho người có công và bảo đảm an sinh xã hội là một nhiệm vụ thường xuyên, quan trọng của các cấp, các ngành, của cả hệ thống chính trị và là trách nhiệm của toàn xã hội.

5. Về vấn đề tiền lương, bảo hiểm xã hội

Hội nghị nhất trí nhận định: Qua gần 10 năm thực hiện cải cách chính sách tiền lương, bảo hiểm xã hội và trợ cấp ưu đãi người có công theo Kết luận của Hội nghị Trung ương 8 (khóa IX) và Hội nghị Trung ương 6 (khóa X), tuy đã đạt được một số kết quả bước đầu nhưng nhìn chung chưa đạt được mục tiêu, yêu cầu đề ra. Trung ương yêu cầu, trong năm 2012-2013, phải khẩn trương bổ sung, sửa đổi một số chính sách cần và có thể điều chỉnh ngay nhằm sớm khắc phục những bất hợp lý nổi cộm hiện nay. Đồng thời, khẩn trương nghiên cứu xây dựng Đề án cải cách chế độ tiền lương giai đoạn 2013-2020 cùng với các đề án có liên quan, tạo bước đột phá trong việc tạo nguồn, bảo đảm cho cải cách tiền lương, thu được kết quả.

Kính thưa các đồng chí!

Tất cả các kết luận và nghị quyết này đều liên quan chặt chẽ với nhau, có ý nghĩa to lớn đối với việc thực hiện Nghị quyết Đại hội XI của Đảng. Vì vậy, trách nhiệm của chúng ta, ngay sau hội nghị này, tôi đề nghị các cấp ủy Đảng trong toàn Đảng bộ cần nâng cao trách nhiệm, khẩn trương xây dựng kế hoạch và tổ chức triển khai việc học tập, quán triệt và thực hiện nghiêm túc theo đúng tinh thần Kế hoạch số 23/KH-TU ngày 15-6-2012 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về việc tổ chức học tập, quán triệt và triển khai thực hiện Nghị quyết Hội nghị lần thứ 5 Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa XI) cho cán bộ, đảng viên và tuyên truyền rộng rãi trong các tầng lớp nhân dân trong tỉnh với những nội dung, hình thức phù hợp từng đối tượng...

 

 

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
Quay lên trên