TX.Bến Cát: Quan tâm chăm sóc sức khỏe cho công nhân

Cập nhật: 25-02-2017 | 09:09:25

Bằng nhiều hình thức hỗ trợ, người lao động (NLĐ) được thụ hưởng, lĩnh hội tốt hơn các chương trình chăm sóc sức khỏe, giúp doanh nghiệp ổn định sản xuất và cải thiện đời sống NLĐ. Đó là nhờ TX.Bến Cát đẩy mạnh công tác chăm sóc, khám sức khỏe miễn phí cho NLĐ.

 CNLĐ Công ty TNHH Panko Vina được khám phát thuốc, chăm sóc sức khỏe ban đầu

 Từ một chương trình khám, chăm sóc sức khỏe

7 giờ sáng, tại khuôn viên ký túc xá Công ty TNHH Panko Vina (KCN Mỹ Phước, TX.Bến Cát), hàng trăm công nhân lao động (CNLĐ) đã có mặt và chờ đợi đoàn y bác sĩ tình nguyện đến khám, phát thuốc miễn phí. Thấy vậy, đoàn y bác sĩ dường như hối hả hơn, chuẩn bị “đồ nghề” bắt đầu buổi khám phát thuốc, tư vấn sức khỏe sinh sản cho nữ CNLĐ.

Chị Nguyễn Thị Sang, quê Long An, công nhân chuyền may thổ lộ: “Mấy ngày nay, tôi bị đau lưng, mua thuốc uống không hết. Được biết có đoàn y bác sĩ tình nguyện đến khám tôi mừng quá”. Hay anh Bùi Đình Dân, công nhân chuyền cắt đến bàn khám bệnh bác sĩ nói: “Mấy tháng nay, tôi bị đau bụng, hễ ăn vào là bụng đau thắt, đôi khi ói ra máu, đi ngoài phân có lẫn máu, có màu đen”. Trường hợp của chị Vương Mỹ Nga, quê Sóc Trăng, công nhân bộ phận thành phẩm thì băn khoăn: “Chúng em là CNLĐ, suốt ngày chỉ biết đến công việc trong phân xưởng, ít được đi khám phụ khoa. Em mong muốn công ty sẽ tạo điều kiện cho nữ CNLĐ đi khám phụ khoa, phòng tránh các bệnh xã hội”.

Bác sĩ Huỳnh Trần Dương Giang, Bệnh viện Đa khoa tỉnh cho biết: “Những năm qua, công tác chăm sóc sức khỏe sinh sản cho nữ công nhân ở các khu công nghiệp đã được ngành y tế quan tâm, đầu tư phát triển nhưng vẫn chưa đáp ứng được nhu cầu thực tế. Hầu như rất ít công nhân tự nguyện đến khám sức khỏe sinh sản tại các phòng khám hoặc trung tâm y tế. Công nhân thường tập trung làm việc, tăng ca thường xuyên nên ít có thời gian cũng như điều kiện chăm sóc sức khỏe bản thân. Tình nguyện giúp CNLĐ nghèo là nâng cao ý thức, tinh thần cống hiến của các y bác sĩ đối với bệnh nhân, giúp bác sĩ trẻ nâng cao tay nghề trong công việc”.

Tại buổi khám, phát thuốc, tư vấn sức khỏe, lần lượt từng CNLĐ xếp hàng đến bàn y bác sĩ thổ lộ căn bệnh hoặc thắc mắc của bản thân về sức khỏe sinh sản. Mỗi CNLĐ là một bệnh, từ ho, cảm cúm thông thường đến những bệnh nặng như đau bao tử, viêm loét dạ dày… Song, họ đều được đội tình nguyện y bác sĩ khám, chẩn đoán, phát thuốc và dặn dò công nhân một cách kỹ càng, tỉ mỉ.

Nhiều cách làm hay

TX.Bến Cát có rất nhiều công ty, xí nghiệp, thu hút số lượng lớn CNLĐ đến làm việc và sinh sống. Do điều kiện kinh tế hạn hẹp, nên hầu hết CNLĐ chưa được quan tâm chăm sóc sức khỏe thấu đáo. Qua việc tổ chức các hình thức chăm sóc sức khỏe sinh sản, các tổ chức công đoàn cơ sở ở TX.Bến Cát đã và đang nỗ lực góp phần chia sẻ khó khăn này với công nhân. Có thể nói, Bến Cát là địa phương có nhiều sáng kiến trong việc chăm sóc sức khỏe sinh sản cho công nhân, như tuyên truyền ngay tại công ty, xí nghiệp; thành lập đội ngũ cộng tác viên đến tận nhà trọ để tuyên truyền hay vận động doanh nghiệp thành lập phòng khám ngay tại công ty để tạo điều kiện thuận lợi cho CNLĐ quan tâm hơn sức khỏe bản thân… Tuy nhiên, vẫn còn tình trạng nhiều công nhân nữ vẫn chưa tiếp cận được các dịch vụ, dễ mắc các bệnh xã hội.

Song song với công tác chăm sóc sức khỏe sinh sản, Liên đoàn Lao động (LĐLĐ) TX.Bến Cát còn phối hợp với Trung tâm Y tế thị xã tổ chức chương trình chăm sóc sức khỏe ban đầu, khám phát thuốc miễn phí, tạo điều kiện cho CNLĐ tiếp cận y tế dễ dàng. Nhân các ngày lễ lớn của đất nước, như Ngày Quốc tế phụ nữ (8-3), Ngày Gia đình Việt Nam, Ngày Pháp luật Việt Nam, CNLĐ được khám phụ khoa miễn phí, giúp công nhân có điều kiện tìm hiểu thấu đáo các vấn đề liên quan đến chăm sóc sức khỏe sinh sản, biện pháp phòng ngừa các bệnh phụ khoa…

Trao đổi với chúng tôi, ông Nguyễn Thanh Liêm, Chủ tịch LĐLĐ TX.Bến Cát cho biết: “Với ý nghĩa chia sẻ khó khăn với CNLĐ, thời gian qua LĐLĐ thị xã luôn quan tâm, chăm lo mọi mặt đời sống vật chất, tinh thần. Đặc biệt công tác chăm sóc sức khỏe ban đầu, sức khỏe sinh sản cho nữ CNLĐ được các cấp công đoàn đẩy mạnh thực hiện. Cụ thể LĐLĐ thị xã tổ chức tuyên truyền sức khỏe sinh sản cho CNLĐ ngay tại công ty, xí nghiệp; thành lập đội ngũ cộng tác viên đến tận nhà trọ để tuyên truyền hay vận động doanh nghiệp thành lập phòng khám ngay tại công ty để tạo điều kiện thuận lợi cho CNLĐ quan tâm hơn sức khỏe bản thân. Hoạt động này không chỉ giúp doanh nghiệp có lực lượng lao động khỏe, gắn bó lâu dài với doanh nghiệp mà còn góp phần cải thiện đời sống NLĐ, xây dựng gia đình hạnh phúc, ấm no”.

 KIM HÀ 

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
Quay lên trên