TX.Tân Uyên: Vùng đất hứa đầy tiềm năng

Cập nhật: 07-08-2015 | 08:06:54

Những ngày tháng 8 này, Đảng bộ và nhân dân TX.Tân Uyên, vùng đất của Chiến khu Đ anh hùng đang ra sức thi đua lập thành tích chào mừng ĐH Đảng bộ thị xã lần thứ XI, nhiệm kỳ 2015-2020. Với những khu đô thị, công nghiệp nối tiếp nhau ra đời đã khẳng định Tân Uyên là vùng đất không chỉ giàu truyền thống cách mạng trong đấu tranh mà trong xây dựng phát triển cũng đầy tiềm năng.

 

 Một góc Khu công nghiệp Nam Tân Uyên, TX.Tân Uyên. Ảnh: Q.CHIẾN

 Đi lên từ công nghiệp hóa

Thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện Tân Uyên lần thứ X, Huyện ủy Tân Uyên (nay là Thị ủy Tân Uyên) đã ban hành Chương trình số 28- Ctr/HU, ngày 21-10-2011 về phát triển công nghiệp - dịch vụ (CN-DV) theo hướng tập trung bền vững giai đoạn 2011- 2015. Mục tiêu của chương trình là phát triển ngành CN-DV đa dạng, bền vững, có sức cạnh tranh cao và bảo đảm môi trường sinh thái; phát triển CN-DV theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn. Sau khi ban hành Chương trình số 28-Ctr/ HU, Ban Thường vụ Huyện ủy đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo triển khai, quán triệt thực hiện trong toàn Đảng bộ, qua đó đã chỉ đạo UBND huyện ban hành kế hoạch về việc triển khai thực hiện chương trình phát triển CN-DV theo hướng tập trung bền vững giai đoạn 2011- 2015 và tổ chức quán triệt đến các ban ngành, đoàn thể của thị xã và UBND các xã, phường; đồng thời hàng năm đều xây dựng kế hoạch và sơ kết việc thực hiện chương trình nhằm đánh giá kết quả đạt được, đề ra giải pháp thực hiện hoàn thành các mục tiêu mà chương trình đề ra. Qua 5 năm thực hiện, giá trị sản xuất công nghiệp trên địa bàn tăng bình quân từ 20 - 21%/năm. Tỷ trọng ngành công nghiệp trong cơ cấu kinh tế chiếm 60 - 61%; giá trị ngành dịch vụ tăng bình quân 26 - 27%/năm. Tỷ trọng ngành dịch vụ trong cơ cấu kinh tế chiếm 30 - 31%.

Chương trình phát triển CN-DV theo hướng tập trung bền vững được thực hiện trong điều kiện kinh tế trong nước và thế giới có nhiều biến động, thuận lợi, khó khăn thách thức đan xen nhau. Nhưng dưới sự tập trung chỉ đạo, lãnh đạo của Đảng bộ, nhìn chung các cấp ủy Đảng, chính quyền, các ban ngành, đoàn thể đã nhận thức rõ hơn và tích cực triển khai thực hiện Chương trình số 28- Ctr/HU. Qua 5 năm triển khai thực hiện, tốc độ phát triển CN-DV qua các năm đều tăng theo hướng năm sau cao hơn năm trước. Trong cơ cấu kinh tế, ngành CN-DV luôn chiếm tỷ trọng lớn và là động lực để thúc đẩy kinh tế phát triển bền vững. Các dự án đầu tư được bố trí tập trung vào khu, cụm công nghiệp đã xây dựng hoàn chỉnh cơ sở hạ tầng như: Khu công nghiệp Nam Tân Uyên, Khu công nghiệp - đô thị Tân Uyên, Cụm công nghiệp Tân Hiệp. Chủ trương này đã hạn chế được việc đầu tư riêng lẻ bên ngoài khu, cụm công nghiệp. Các dự án công nghiệp được bố trí có chọn lọc, bảo đảm thực hiện đúng theo quy trình về ngành nghề đầu tư của tỉnh, hạn chế ô nhiễm môi trường và phù hợp với quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất của địa phương. Các ngành công nghiệp chủ lực hiện nay của thị xã là: sản xuất chế biến các sản phẩm từ gỗ, may mặc, da giày, chế biến mủ cao su, sản xuất vật liệu xây dựng, gốm mỹ nghệ…

Trong tương lai, với tiềm năng và lợi thế sẵn có, Tân Uyên đang từng bước phát triển mạnh mẽ, hứa hẹn là vùng đất có nền CN-DV đa dạng và bền vững, xứng đáng với truyền thống anh dũng trong đấu tranh và kiên cường trong lao động sản xuất.

Tiến tới đô thị văn minh

Trên cơ sở chương trình hành động số 39-Ctr/HU về xây dựng và phát triển các khu đô thị, các khu dân cư TX.Tân Uyên giai đoạn 2011-2015, đến nay cơ sở hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội từng bước được nâng lên. Cảnh quan kiến trúc trong các khu đô thị, khu dân cư được đầu tư phát triển theo quy hoạch đã tạo được bộ mặt khang trang, tạo điều kiện thuận lợi cho việc thu hút các dự án đầu tư phát triển đô thị. Nhiều dự án phát triển nhà ở được hình thành trên địa bàn thị xã. Các công trình giao thông, cấp điện, nước, giáo dục, y tế, thông tin liên lạc… được đầu tư bảo đảm đáp ứng nhu cầu sinh hoạt và sản xuất của người dân. Đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân từng bước được nâng cao.

Trong nhiệm kỳ qua, TX.Tân Uyên cũng đã triển khai kế hoạch phát triển không gian đô thị với định hướng đưa vùng phía Nam Tân Uyên thành đô thị loại 4. Không gian công nghiệp - đô thị đã và đang mở rộng, cùng với việc đầu tư nâng cấp và mở rộng các trục giao thông chính, việc hình thành các khu, cụm công nghiệp, các khu dân cư đã góp phần phát triển hạ tầng kỹ thuật, tạo sự gắn kết khu đô thị và khu sản xuất. Qua đó, đã từng bước thay đổi diện mạo của thị xã và hình thành đô thị Nam Tân Uyên theo quy hoạch. Hiện nay, trên địa bàn thị xã có 4 dự án khu du lịch sinh thái tại 3 xã, phường: Bạch Đằng, Vĩnh Tân, Thái Hòa. Các khu du lịch đang trong giai đoạn vừa đầu tư hạ tầng vừa khai thác thu hút các hoạt động dịch vụ du lịch.

Với những thành quả bước đầu đạt được, trong báo cáo chính trị trình ĐH đại biểu Đảng bộ TX.Tân Uyên lần thứ XI, nhiệm kỳ 2015-2020, Đảng bộ thị xã tiếp tục điều chỉnh và tổ chức thực hiện quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội của thị xã đến năm 2020 và những năm tiếp theo; thực hiện tốt quy chế quản lý quy hoạch và kiến trúc đô thị toàn thị xã và quy hoạch phân khu tỷ lệ 1/2.000 cho 6 phường theo quy hoạch chung xây dựng đô thị Nam Tân Uyên, gắn với quy hoạch sử dụng đất đã được phê duyệt; tăng cường công tác quản lý nhà nước về trật tự xây dựng, quản lý quy hoạch, kiến trúc đô thị; tập trung xây dựng đô thị Tân Uyên theo 3 khu vực: Uyên Hưng - Khánh Bình; Thái Hòa - Tân Phước Khánh và khu đô thị - cảng du lịch Tân Ba - Cù lao Rùa; phấn đấu hoàn thành và đưa vào khai thác các khu dân cư, tái định cư đã được phê duyệt quy hoạch chi tiết; khuyến khích các doanh nghiệp, hộ gia đình xây dựng nhà ở phục vụ cho công nhân lao động, giúp cho người lao động an cư, lạc nghiệp, gắn bó lâu dài với quê hương Tân Uyên nói riêng và Bình Dương nói chung.

 

Sau khi thực hiện chia tách huyện Tân Uyên để thành lập TX.Tân Uyên từ ngày 1-4-2014, đến nay trên địa bàn TX.Tân Uyên có 2 khu và 3 cụm công nghiệp với tổng diện tích khoảng 1.900 ha và các khu vực phát triển sản xuất công nghiệp tập trung ở các xã, phường như Uyên Hưng, Tân Phước Khánh, Hội Nghĩa. Hiện thị xã có 900 doanh nghiệp vốn đầu tư nước ngoài đã được tỉnh cấp phép hoạt động, trong đó khoảng 70% đơn vị đã đi vào hoạt động sản xuất, kinh doanh, góp phần giải quyết việc làm cho trên 50.000 lao động trong và ngoài tỉnh; đóng góp phần lớn nguồn thu cho ngân sách thị xã hàng năm. Giá trị sản xuất công nghiệp đến năm 2015 đạt 9.328,5 tỷ đồng, tăng 44,85% so với đầu nhiệm kỳ và tăng 12,1% so với năm 2014. Trong đó, khu vực kinh tế trong nước chiếm 30,83%, kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài chiếm 69,17%.

 

 

 K.GIANG- C.SƠN

 

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
Quay lên trên