TX.Thuận An: Tăng cường kiểm tra, lập lại trật tự kinh doanh phế liệu

Cập nhật: 02-11-2018 | 08:35:49

Hiện nay trên địa bàn TX.Thuận An có 235 cơ sở kinh doanh phế liệu (gọi tắt là cơ sở) đang hoạt động. Cùng với những đóng góp của các cơ sở trong việc thu gom phế liệu phát sinh trong đời sống sinh hoạt, sản xuất tại địa phương, hoạt động kinh doanh của các cơ sở cũng phát sinh nhiều hệ lụy, ảnh hưởng đến môi trường, tiềm ẩn nguy cơ cháy nổ và mất mỹ quan đô thị. Nhằm chủ động xử lý tình trạng trên, các xã, phường ở TX.Thuận An đã triển khai quyết liệt nhiều giải pháp nhằm di dời các cơ sở ra khỏi khu dân cư.

Nhiều vi phạm

Hiện nay, trên địa bàn TX.Thuận An có 235 cơ sở, trong đó thuộc thẩm quyền quản lý của xã, phường 195 cơ sở (diện tích kinh doanh dưới 500m2). Trong đó tập trung chủ yếu ở phường Bình Hòa, Thuận Giao, Bình Chuẩn và An Phú.


Cán bộ phường Bình Hòa gặp gỡ với chủ cơ sở phế liệu và chủ đất để tuyên truyền, vận động di dời cơ sở ra khỏi khu dân cư

Theo đánh giá của UBND TX.Thuận An, các cơ sở này đã góp phần trong việc xử lý chất thải phát sinh trong hoạt động sản xuất công nghiệp và đời sống sinh hoạt của người dân, góp phần tiết kiệm nguồn tài nguyên thiên nhiên và bảo vệ môi trường. Tuy nhiên, trong quá trình hoạt động, các cơ sở đã phát sinh một số bất cập như chưa tuân thủ quy định pháp luật về bảo vệ môi trường và phòng cháy chữa cháy…

Theo ghi nhận của P.V, dọc theo các tuyến đường Nguyễn Du, Bùi Hữu Nghĩa (phường Bình Hòa) có hàng chục cơ sở đang hoạt động, nằm xen kẽ với nhà dân. Những bãi đất trống gần các cơ sở này trở thành “bãi đáp” của phế liệu không sử dụng, đa phần là rác thải công nghiệp như vải vụn, kính vỡ, mút xốp… Đáng nói, một số cơ sở thay vì thuê một đơn vị chức năng xử lý chất thải không còn khả năng tái chế thì lại xử lý ngay tại chỗ bằng cách đốt, khiến bầu không khí cả một khu vực bị ô nhiễm; thậm chí dẫn đến nguy cơ cháy lan không kiểm soát, có thể gây hậu quả nghiêm trọng. Trong khi đó, theo báo cáo của UBND phường Bình Hòa, trên địa bàn phường hiện có 62 cơ sở, trong đó có 60 cơ sở không có giấy phép kinh doanh.

Nói về công tác kiểm tra xử lý các cơ sở này, ông Ngô Trọng Nghĩa, Chủ tịch UBND phường Bình Hòa, cho biết các cơ sở này mới phát sinh trong những năm gần đây và chủ yếu nằm xen lẫn trong các khu dân cư. Qua công tác kiểm tra, xử lý, 10 cơ sở cam kết di dời, 4 cơ sở đã ngưng hoạt động.

Trong khi đó tại phường Thuận Giao, UBND phường đã phối hợp với các ngành chức năng kiểm tra 25/34 cơ sở. Kết quả, lực lượng chức năng đã phát hiện và xử lý nhiều trường hợp vi phạm về đất đai, xây dựng… Qua đó ra quyết định xử lý với tổng số tiền phạt hơn 51 triệu đồng. Có 5 cơ sở đã di dời. Theo lãnh đạo UBND phường Thuận Giao, công tác kiểm tra, xử lý gặp một số khó khăn như một số chủ cơ sở thường né tránh, không cung cấp giấy tờ liên quan hoặc không liên hệ với chủ đất cho thuê dẫn đến khó khăn trong việc xử lý vi phạm hành chính…

Tăng cường công tác kiểm tra, xử lý

Ông Nguyễn Thanh Hội, Chủ tịch UBND phường Thuận Giao, cho biết thời gian tới UBND phường sẽ tiếp tục kiểm tra việc chấp hành quyết định xử lý hành chính của các cơ sở; đồng thời rà soát và tập trung kiểm tra, tham mưu xử lý các cơ sở nằm xen lẫn trong khu dân cư nếu vi phạm. Đồng thời, UBND phường tiếp tục chỉ đạo Công an phường tăng cường công tác kiểm tra hành chính đối với các cơ sở cố tình tránh né, không hợp tác.

Trong khi đó, ông Ngô Trọng Nghĩa, Chủ tịch UBND phường Bình Hòa, cho biết UBND phường đã thành lập Tổ kiểm tra liên ngành để kiểm tra việc chấp hành quy định pháp luật đối với các cơ sở trên địa bàn. Theo kế hoạch, Tổ kiểm tra liên ngành sẽ phối hợp cùng các cơ quan chức năng kiểm tra hồ sơ pháp lý có liên quan đến hoạt động của các cơ sở như: Kế hoạch bảo vệ môi trường, đất đai, xây dựng, phòng cháy chữa cháy… Nếu phát hiện vi phạm thì tham mưu cấp thẩm quyền ra quyết định xử phạt; đồng thời làm tốt công tác hậu kiểm nhằm tham mưu cấp trên ra quyết định cưỡng chế đối với các trường hợp không chấp hành. Trước tiên các cơ sở trong khu dân cư ở KP.Bình Đáng và dọc tuyến đường Nguyễn Du sẽ được kiểm tra.

Mới đây, tại phiên họp của Thường trực HĐND thị xã về kết quả xử lý các doanh nghiệp, cơ sở phế liệu gây ô nhiễm môi trường và có nguy cơ cháy nổ trên địa bàn thị xã, Thường trực HĐND TX.Thuận An đề nghị UBND thị xã xem xét lại các kiến nghị, đề xuất bảo đảm quy định của pháp luật và phù hợp với tình hình thực tế địa phương; đồng thời chỉ đạo các ngành rà soát các quy định pháp luật hiện hành để tham mưu và tăng cường công tác phối hợp giữa các ngành, các cấp để có giải pháp xử lý, ngăn chặn có hiệu quả các hành vi vi phạm pháp luật của cơ sở gây ô nhiễm môi trường và có nguy cơ xảy ra cháy nổ.

Thường trực HĐND thị xã còn đề nghị UBND thị xã chỉ đạo các ngành liên quan tham mưu chặt chẽ ngay từ khâu cấp phép kinh doanh; tăng cường công tác kiểm tra, hậu kiểm đối với các cơ sở vi phạm và cố tình tránh né không hợp tác. Kiên quyết xử lý, di dời và từng bước giảm số lượng các cơ sở, nhất là trong các khu dân cư và không để phát sinh các cơ sở mới. Đài Truyền thanh thị xã phối hợp với UBND các xã, phường và lực lượng Cảnh sát Phòng cháy và chữa cháy tăng cường công tác tuyên truyền việc chấp hành các quy định về đăng ký kinh doanh, môi trường, đất đai, xây dựng và phòng cháy đối với các cơ sở kinh doanh, nhất là cơ sở kinh doanh phế liệu; đồng thời vận động người dân di dời các cơ sở gây ô nhiễm môi trường và có nguy cơ xảy ra cháy nổ ra khỏi khu dân cư nhằm tạo chuyển biến tích cực về ý thức bảo vệ môi trường và phòng ngừa, hạn chế thiệt hại do cháy nổ gây ra.

Phòng Tài chính và Kế hoạch thị xã phối hợp cùng các ngành liên quan tăng cường công tác kiểm tra sau khi cấp phép kinh doanh và thường xuyên kiểm tra các cơ sở có dấu hiệu vi phạm để kịp thời tham mưu xử lý các trường hợp vi phạm.

Cách làm hay xử lý dứt điểm tình trạng kinh doanh phế liệu trong khu dân cư

Hiện nay, một số địa phương kết hợp công tác kiểm tra, xử lý cơ sở với việc vận động chủ đất không cho các tổ chức, cá nhân thuê mặt bằng kinh doanh phế liệu. Cụ thể, UBND các xã, phường sẽ tiến hành mời chủ cơ sở và chủ đất (người cho chủ cơ sở thuê mặt bằng) để gặp gỡ đối thoại với họ. Tại buổi gặp này, lãnh đạo địa phương cùng cán bộ chuyên trách lắng nghe chủ cơ sở bày tỏ tâm tư nguyện vọng và lý do chưa di dời cơ sở. Nếu những nguyện vọng nào của chủ cơ sở thuộc thẩm quyền giải quyết thì UBND phường tiếp thu và giải quyết thỏa đáng, bảo đảm quyền lợi hợp pháp cho họ. Nếu ngoài thẩm quyền thì lãnh đạo địa phương sẽ đề nghị các cấp thẩm quyền giải quyết. Trong trường hợp chủ cơ sở mong muốn có mặt bằng mới hoặc cần vốn để chuyển đổi ngành nghề kinh doanh thì địa phương sẵn sàng tạo điều kiện hỗ trợ theo quy định.

Ngoài ra, lãnh đạo các địa phương còn tuyên truyền những mặt trái của hoạt động kinh doanh phế liệu như tiềm ẩn nguy cơ cháy nổ, ô nhiễm môi trường… đối với chính cuộc sống của những người trực tiếp thu mua, phân loại phế liệu. Đặc biệt, lãnh đạo địa phương còn nhấn mạnh chủ trương không cho kinh doanh phế liệu trong khu dân cư để chủ đất hiểu rõ. Kết thúc buổi gặp này, chủ cơ sở và chủ đất sẽ ký cam kết. Theo đó, chủ cơ sở sẽ dừng hoạt động thu mua phế liệu hoặc tìm địa điểm mới phù hợp; chủ đất cam kết sẽ không cho thuê mặt bằng để kinh doanh phế liệu.

Với cách làm trên, nhiều địa phương đã vận động di dời nhiều cơ sở hoặc chuyển đổi ngành nghề kinh doanh. Điển hình như tại phường Lái Thiêu chỉ còn 4/11 cơ sở hoạt động; phường Hưng Định có 4 cơ sở đã ngưng hoạt động và 1 cơ sở cam kết di dời vào cuối năm 2019

NGUYỄN HẬU

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
Quay lên trên