Tỷ lệ ly hôn tăng, vì sao? 

Cập nhật: 22-04-2016 | 10:28:17

Theo thống kê của ngành tòa án tỉnh, tỷ lệ án hôn nhân gia đình thời gian gần đây có xu hướng ngày càng gia tăng, độ tuổi của đương sự gửi đơn ly hôn ngày càng trẻ. Theo nhiều chuyên gia, khi xã hội phát triển, suy nghĩ phóng khoáng, yêu nhanh cưới vội đã góp phần làm gia tăng thực trạng này.


Những vụ việc ly hôn luôn để lại nhiều hệ lụy cho người trong cuộc cũng như con cái của họ (ảnh minh họa, nguồn Internet)

Thiếu kỹ năng sống!

Từ đánh giá của những thẩm phán chuyên thụ lý án hôn nhân gia đình tại các tòa án thì có rất nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng này, nhưng nguyên nhân chủ yếu vẫn là thiếu kỹ năng sống trước khi bước vào cuộc sống hôn nhân khiến các cặp vợ chồng cảm thấy bế tắc.

Điển hình như trường hợp của anh N.V.T. và chị N.T.H. (ngụ TX.Bến Cát), hai người yêu nhau được 5 năm mới bắt đầu tính đến chuyện hôn nhân. Chần chừ đến 5 năm là do H. không muốn… cưới. Nhưng anh T. cứ hối thúc nên H. chấp nhận về làm vợ anh như một nghĩa vụ! Sau khi kết hôn, hai người nảy sinh mâu thuẫn dữ dội vì chị H. không hề biết làm chuyện nhà, chuyện gì cũng phó thác cho người giúp việc. Khi người giúp việc nghỉ làm thì cái nhà “như cái ổ chuột”. H. không hề động tay vào việc gì vì từ nhỏ đến lớn cô được gia đình bảo bọc, công việc nhà đều không phải làm tới. Vì vậy, cô cũng không biết phải bắt đầu từ đâu để vun vén cho gia đình. Từ khi có con thì mọi việc ngày càng diễn tiến xấu hơn, ban ngày thì H. giao con cho bà ngoại, đến tối thì giao cho chồng. Từ thực tế trên khiến cuộc sống của hai vợ chồng lục đục suốt ngày, H. đưa đơn ly hôn rồi ôm con về nhà ngoại để được tự do, thoải mái.

Một trường hợp khác là chị T.H.V. (ngụ TX.Thuận An) thì nguyên nhân dẫn đến ly hôn là do mối quan hệ giữa mẹ chồng-nàng dâu. Má chồng đâm bực vì làm cái gì cũng phải hỏi ý con dâu. Bà đem chuyện này nói với con trai thì vợ chồng xảy ra bất hòa. Chị một mực đòi ra ở riêng, còn anh thì thương mẹ một mình. Cuối cùng, khi chị gây áp lực ly hôn thì anh cũng đồng ý vì vợ không tôn trọng mẹ chồng!

Trong một lần thụ lý đơn xin ly hôn, một vị thẩm phán không khỏi ngỡ ngàng khi hai vợ chồng đương sự nộp đơn xin ly hôn khi họ mới cưới nhau được… 2 tháng. Hỏi ra mới biết nguyên nhân là do anh chồng còn ham đua đòi và thích tụ tập bạn bè. Anh chồng sau khi cưới thì yêu cầu vợ đưa hết tiền cưới mà cha mẹ cho để mua chiếc SH và điện thoại iPhone 6 để “lấy le” với bạn bè. Không được đi hưởng tuần trăng mật, không có tiền tiêu xài mà anh này cứ suốt ngày nhậu nhẹt với bạn bè như thời còn trai trẻ, chán nản, hai tháng sau, cô vợ nộp đơn xin ly hôn. Anh chồng cũng không ngần ngại ký đơn.

Muôn mặt hôn nhân

Theo một số thẩm phán chuyên xử án ly hôn thì khi điều kiện kinh tế gia đình không bảo đảm cũng là nguyên nhân khiến các cặp vợ chồng có nguy cơ tan vỡ. Các cặp vợ chồng sau khi lập gia đình phải tự lo cho mái ấm của mình, điều kiện kinh tế chưa bảo đảm hoặc chưa có nghề nghiệp ổn định, vội sinh con sớm nên kinh tế gia đình gặp rất nhiều khó khăn. Nỗi khốn khó cứ đeo bám khiến vợ chồng sinh ra mâu thuẫn không thể tháo gỡ. Trong khi đó, nhiều gia đình vợ chồng có nghề nghiệp ổn định, điều kiện kinh tế khá giả, nhưng cứ mãi chạy theo đồng tiền rồi không xem vợ, chồng ra gì, tình cảm nhạt phai rồi dẫn đến ly hôn. Có trường hợp yêu nhau rất sâu đậm, những tưởng không thể sống thiếu nhau, thế nhưng sau khi kết hôn thì cuộc sống không còn màu hồng và kết thúc ở tòa án.

Điển hình như trường hợp của anh L.K.S. và chị N.T.T. quen nhau từ khi còn là sinh viên. Hai gia đình vốn không khá giả nên sau khi cưới họ phải tự bươn chải lo cho gia đình mới của mình. Lúc chưa có con thì tằn tiện cũng đủ, có con rồi thì đủ thứ phải chi tiêu. Cảnh thiếu trước hụt sau khiến cả hai cảm thấy mệt mỏi. Anh S. đâm ra chán nản rồi tập tành nhậu nhẹt. Chị T. một mình lo trong lo ngoài cũng không đủ tiền cho chồng sáng say chiều xỉn. Khuyên nhủ mãi cũng không xong, chị đành viết đơn trong nước mắt.

Hiện tại, độ tuổi ly hôn ngày càng trẻ hóa, đa số đều rơi vào độ tuổi đẹp nhất là từ 20 - 30 tuổi, cái tuổi mà mọi người bắt đầu xây dựng cuộc sống hôn nhân, cuộc sống gia đình bền vững. Thế nhưng, số bạn trẻ này cứ gặp chút khó khăn, trắc trở là chấp nhận chia tay. Có rất nhiều nguyên nhân dẫn đến ly hôn như bạo hành gia đình, ngoại tình, sinh con một bề, điều kiện kinh tế gia đình không ổn định… Khi yêu nhau, người ta thường che đi những khiếm khuyết, tô hồng ưu điểm của bản thân. Nhưng khi ở chung với nhau, mọi tính tốt tính xấu đều bộc lộ, từ đó mới xuất hiện xung đột, mâu thuẫn tình cảm trong cuộc sống hôn nhân và hệ lụy là kéo nhau ra tòa xin ly hôn ngày càng gia tăng. 

 Theo TAND tỉnh, trong năm 2013, án hôn nhân và gia đình (HNGĐ) phát sinh nhiều nhất là ly hôn, chiếm 92,54% án sơ thẩm. Nguyên nhân ly hôn chủ yếu xuất phát từ mâu thuẫn gia đình. Năm 2014, TAND 2 cấp đã giải quyết 4.763/4.937 vụ, việc đã thụ lý. So với năm 2013, án thụ lý tăng 418 vụ, việc; giải quyết tăng 361 vụ, việc. Năm 2015, TAND 2 cấp đã giải quyết 5.730/5.847 vụ, việc đã thụ lý, trong đó xét xử: 557 vụ (chiếm 9,71%); hòa giải đoàn tụ thành 61 vụ (đạt tỷ lệ 1,06%); công nhận sự thỏa thuận của các đương sự 3.536 vụ (đạt 61,66% số án HNGĐ đã giải quyết). So với năm 2014 thì án thụ lý tăng 910 vụ, việc; giải quyết tăng 967 vụ, việc. Năm 2015, án HNGĐ phát sinh nhiều nhất là vẫn là ly hôn chiếm 92,52% án sơ thẩm.

 THỦY TRINH

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
Quay lên trên