UBND tỉnh tổ chức họp giải quyết nhiều vấn đề quan trọng

Cập nhật: 25-05-2018 | 06:24:03

Hôm qua (24-5), dưới sự chủ trì của ông Trần Thanh Liêm, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh, UBND tỉnh đã tổ chức kỳ họp lần thứ 10 năm 2018 xem xét một số tờ trình, đề án do các sở, ngành trình, như Tờ trình và Dự thảo nghị quyết về kế hoạch điều chỉnh đầu tư công của tỉnh năm 2018; quy hoạch hệ thống bến thủy nội địa trên địa bàn tỉnh đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030... Tại cuộc họp, các đại biểu đã tranh luận sôi nổi nhiều vấn đề, trong đó nổi bật là việc tuân thủ quy định pháp luật và sử dụng ngân sách khi xem xét Đề án nâng cao năng lực vận tải hành khách công cộng giai đoạn 2018-2020.

Tuân thủ quy định pháp luật

Tại cuộc họp, liên quan đến tờ trình “Kế hoạch đầu tư công năm 2018” của Sở Kế hoạch - Đầu tư, ông Nguyễn Tầm Dương, Trưởng ban Kinh tế - Ngân sách HĐND tỉnh cho biết, ông đồng ý với kế hoạch kết dư từ năm 2016 trở về sau, chuyển hết sang năm 2018 vì phù hợp với quy định của pháp luật. Riêng năm 2018, có 1 công trình, dự án không nằm trong kế hoạch đầu tư hàng năm, đó là dự án Đền bù, mở rộng trục thoát nước suối Lồ Ồ (TX.Dĩ An). Tuy biết rằng, dự án này được tách ra từ 1 dự án lớn khác nhưng lại không phù hợp với quy định, nên đề nghị phải được xem xét, tính toán lại.

Xe buýt tập kết tại Bến xe khách Bình Dương. Ảnh: DUY CHÍ

Liên quan đến tờ trình “Kế hoạch - Đầu tư công năm 2018”, ông Nguyễn Thanh Trúc, Giám đốc Sở Kế hoạch - Đầu tư cho biết, Dự án thoát nước suối Lồ Ồ là dự án lớn sử dụng vốn vay hỗ trợ phát triển chính thức (ODA) cho nhu cầu bức thiết của tỉnh, của địa phương. Theo cam kết giữa Chính phủ với các nhà tài trợ, đến hết năm 2019, các nhà tài trợ sẽ chấm dứt giải ngân, đồng nghĩa với nguồn vốn bị cắt. Vì tính bức thiết của dự án đối với việc thoát nước, chống ngập tại TX.Dĩ An và phải bảo đảm nguồn vốn, nên UBND tỉnh đã đưa vào kế hoạch đầu tư công năm 2018 để có hướng điều chỉnh trong 6 tháng cuối năm. Việc bổ sung, điều chỉnh này hoàn toàn phù hợp với quy định.

Sau khi nghe lãnh đạo Sở Kế hoạch - Đầu tư giải trình, cuộc họp đã thông qua tờ trình “Kế hoạch - Đầu tư công năm 2018”. Đối với tờ trình về việc sắp xếp, tinh giản biên chế công chức, viên chức, số lượng người làm việc trong đơn vị sự nghiệp công lập và hội có tính chất đặc thù tỉnh Bình Dương từ năm 2018- 2021, lãnh đạo Sở Nội vụ cho biết, hiện tổng biên chế giao là 2.025 biên chế (theo số lượng biên chế công chức đến thời điểm 1-1-2018), giảm 557 biên chế so với năm 2017. Trong năm 2018, tỉnh sẽ tinh giản 67 biên chế do nghỉ hưu, nghỉ việc; cùng với đó tiến hành tinh giản theo lộ trình thông qua đề án tinh giản, sáp nhập, giải thể, hợp nhất một số cơ quan, đơn vị...

Sau khi lắng nghe ý kiến phân tích, góp ý của lãnh đạo các sở, ngành, ông Trần Thanh Liêm, Chủ tịch UBND tỉnh khẳng định, để thực hiện được kế hoạch tinh giản này là công việc rất khó, nhưng Bình Dương phải chấp hành theo chỉ tiêu của Chính phủ giao. Tại cuộc họp này tạm thời chưa thông qua tờ trình này để UBND tỉnh báo cáo Thường trực Tỉnh ủy để thống nhất ý kiến, trên tinh thần chấp hành nghiêm các quy định của pháp luật.

Sử dụng ngân sách hiệu quả, đúng quy định

Theo Đề án nâng cao năng lực vận tải hành khách công cộng giai đoạn 2018-2020, được đưa ra tại cuộc họp, từ khi bị cắt trợ giá đến nay lượng hành khách sử dụng phương tiện vận tải công cộng - xe buýt giảm mạnh. Nguyên nhân là do phương tiện đã sử dụng nhiều năm nên xuống cấp, không an toàn, nóng, giờ giấc không ổn định; doanh nghiệp phải tăng giá vé để tồn tại; giá vé xe buýt tại Bình Dương hiện cao hơn các thành phố lớn trong cả nước như Hà Nội, Đà Nẵng, TP.Hồ Chí Minh từ 2 đến 6 lần...

Ông Trần Bá Luận, Giám đốc Sở Giao thông - Vận tải nói: “Đây là đề án được chúng tôi nghiên cứu, tham khảo và cắt giảm rất nhiều so với trước; vấn đề nào không phù hợp với quy định đều bị cắt bỏ. Cho nên nếu làm việc theo kiểu “cầu an”, thiếu trách nhiệm, chúng tôi sẽ không tập trung nghiên cứu sâu như thế này. Bởi vì nếu đề án được thông qua, chúng tôi sẽ tiếp tục vất vả với rất nhiều công việc đầy khó khăn”.

Đề án nâng cao năng lực vận tải hành khách công cộng giai đoạn 2018-2020 được khái quát như sau: Ngân sách tỉnh sẽ chi ra khoảng 399 tỷ đồng, trong đó khoảng 166 tỷ đồng để đầu tư hệ thống nhà chờ, bến đỗ theo phương thức cho doanh nghiệp thuê và sẽ thu hồi lại sau; còn lại là vốn hỗ trợ các doanh nghiệp đầu tư, đổi mới phương tiện với lãi suất ưu đãi và doanh nghiệp phải có trách nhiệm hoàn vốn theo lộ trình. Để khuyến khích hành khách sử dụng phương tiện công cộng, Nhà nước sẽ trợ giá trực tiếp khoảng 5.000 đồng/ vé... Như vậy, số tiền ngân sách chi ra ban đầu cũng sẽ được thu hồi lại sau thời gian hoạt động.

Về dự án này, ông Nguyễn Tầm Dương đặt vấn đề, trong 7 ưu tiên của đề án thì ưu tiên số 6 hỗ trợ trực tiếp cho người đi xe buýt liệu có tăng số lượng hành khách khi mà phương tiện tốt, hạ tầng tốt nhưng chất lượng phục vụ không tương xứng. Ông bảo lưu ý kiến này vì cho rằng, nếu không nghiên cứu kỹ hiệu quả và kết quả cũng sẽ giảm. Là người từng nhiều năm gắn bó và trực tiếp chỉ đạo soạn thảo đề án này, ông Trần Thanh Liêm, Phó Chủ tịch UBND tỉnh nhìn nhận, hầu hết các nước trên thế giới đều dùng ngân sách để bù đắp cho hoạt động xe buýt; riêng Nhật Bản có Tập đoàn Tokyu đứng ra bù đắp do được Chính phủ giao quy hoạch, phát triển đô thị nên được chủ động điều tiết. Tại Việt Nam chưa làm được điều đó. Nhưng vì điều kiện phát triển chung của tỉnh, để giải quyết vấn đề bức xúc của đô thị, đề án cần sớm được thông qua và sẽ thực hiện theo lộ trình, với nền tảng quản lý là ứng dụng tối đa khoa học - công nghệ hiện đại, phù hợp với đà phát triển của đô thị Bình Dương.

Cho ý kiến về đề án này, ông Hà Văn Út, Giám đốc Sở Tài chính nói: “Tôi đồng tình với đề án mà Phó Chủ tịch UBND tỉnh đã quán triệt. Tôi xin đặt thêm vấn đề: “Có phải giá tăng làm cho hành khách đi xe buýt giảm? Theo tôi điều đó là không đúng, bởi vì qua nghiên cứu trực tiếp và thông tin mà báo chí nêu thì TP.Hồ Chí Minh cũng đã trợ giá trực tiếp nhưng lượng hành khách cũng không tăng. Thực tế, lãnh đạo Sở Giao thông - Vận tải TP.Hồ Chí Minh nhìn nhận, nguyên nhân hành khách giảm là do hạ tầng chưa tốt, con người phục vụ trên xe chưa tốt, chất lượng hoạt động của xe chưa tốt…

Nhiều đại biểu cho rằng, rút kinh nghiệm từ TP.Hồ Chí Minh, Bình Dương cần tổ chức đấu thầu những tuyến có tỷ lệ hành khách nhiều theo Nghị định 30 của Chính phủ. Bên cạnh đó, tỉnh cần đồng ý miễn giảm tiền thuê đất cho doanh nghiệp, nhưng khi hoạt động có hiệu quả thì chế độ miễn giảm phải thay đổi; đồng thời ưu tiên vào số đông sử dụng phương tiện công cộng như học sinh, sinh viên. Bởi vì có đối tượng này tham gia sẽ gián tiếp giảm được số lượng phương tiện là phụ huynh, doanh nghiệp tham gia đưa rước... Với những tính toán sát hợp, thực tế như thế mới mong phát huy hiệu quả sử dụng ngân sách cho những vấn đề xã hội.

“Tôi đồng tình và tiếp thu tất cả ý kiến đóng góp của các đại biểu góp ý về giải pháp nâng cao năng lực vận tải hành khách công cộng giai đoạn 2018-2020. UBND tỉnh giao Sở Giao thông - Vận tải tiếp tục chủ trì phối hợp với các doanh nghiệp nghiên cứu nâng cao hệ thống hạ tầng, gắn thêm biển báo phù hợp với yêu cầu phương tiện giao thông công cộng hiện đại. Đề án nâng cao năng lực vận tải hành khách công cộng giai đoạn 2018-2020 sẽ được triển khai theo lộ trình...”.

(Ông Trần Thanh Liêm, Chủ tịch UBND tỉnh)

 

DUY CHÍ

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
Quay lên trên