UBND TX.Tân Uyên có cấp sai giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho gia đình ông Nguyễn Văn Trực?

Cập nhật: 14-08-2014 | 09:37:14

Những ngày qua, ông Nguyễn Văn Trực ngụ ấp Tân Hội, phường Tân Hiệp, TX.Tân Uyên đứng ngồi không yên khi phải chứng kiến một phần diện tích đất của gia tộc mình để lại nay bị lọt vào tay người khác. Càng bức xúc hơn khi hàng chục năm nay, mẹ ông Trực là người đứng tên trong giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (GCN QSDĐ) một cách hợp pháp, nhưng không được tòa án công nhận. Qua 2 phiên tòa sơ thẩm lẫn phúc thẩm, xét xử về việc tranh chấp đất giữa hộ ông Nguyễn Văn Trực và ông Nguyễn Chí Thanh, tòa cho rằng UBND huyện Tân Uyên (nay là TX.Tân Uyên) đã sai sót trong việc cấp GCN QSDĐ cho gia đình ông Trực. Thực hư vụ việc ra sao?

Phần đất tranh chấp đang được ông Thanh cho xây nhà kiên cố

Trong đơn khiếu nại gửi đến Báo Bình Dương, ông Trực trình bày: Phần đất tranh chấp với ông Nguyễn Chí Thanh có diện tích là 228,5m2 và phần đất này nằm trong thửa đất 525 do ông Trực đứng tên GCN QSDĐ. Nguồn gốc thửa đất này là do cha mẹ để lại cho bà Nguyễn Thị Thương, mẹ của ông Trực quản lý, sử dụng từ trước năm 1975. Năm 1976, thấy hoàn cảnh gia đình ông Nguyễn Văn Ở, cha của ông Thanh đông con nhưng không có nơi ở, nên bà Thương cho sống nhờ trên đất của mình. Năm 1999, bà Thương đã kê khai, đăng ký và được UBND huyện Tân Uyên (nay là TX.Tân Uyên) cấp sổ đỏ toàn bộ thửa đất 525. Năm 2003, bà Nguyễn Thị Thương mất, ông Trực được thừa kế khu đất do bà Thương để lại. “Phần diện tích mà mẹ tôi cho gia đình ông Ở sống nhờ chỉ chừng 59m2 và ông Ở chỉ dựng căn nhà nhỏ để mở quán cà phê. Cách đây khoảng 15 năm, ông Trực đã cho xây rào tách riêng biệt phần đất này với phần đất của gia đình mình. Cuối năm 2011, khi UBND TX.Tân Uyên cho mở rộng đường ĐT746, đã lấy hết phần đất của ông Thanh làm quán. Tôi là người trực tiếp đứng ra nhận khoản tiền bồi thường giải tỏa, gia đình ông Thanh chỉ được UBND huyện Tân Uyên đền bù phần tài sản trên đất. Bởi, bao năm qua gia đình tôi chính thức đứng tên trong sổ đỏ hợp pháp, cũng như thực hiện đầy đủ việc nộp thuế đất hàng năm cho Nhà nước”, ông Trực cho biết.

Đơn xác nhận phần đất tranh chấp của nguyên cán bộ địa chính Đỗ Văn Em

Khoảng giữa năm 2013, khi thấy ông Nguyễn Chí Thanh cho người đào móng xây nhà trên phần đất của mình, ông Trực liền phản đối, trình báo việc xây dựng trái phép này lên chính quyền phường Tân Hiệp. Sau khi chính quyền địa phương hòa giải không thành, ông Trực đã làm đơn khởi kiện việc này lên Tòa án Nhân dân TX.Tân Uyên. Ngày 14-3- 2014, Tòa án TX.Tân Uyên tiến hành xét xử sơ thẩm và ông Thanh là người thắng kiện. Tòa kiến nghị UBND TX.Tân Uyên thu hồi, điều chỉnh GCN QSDĐ đã cấp cho ông Trực để cấp lại cho ông Thanh với diện tích 228,5m2 tại thửa đất 525. Đồng thời, buộc ông Thanh phải giao cho ông Trực số tiền là giá trị quyền sử dụng đất tương ứng với diện tích đất 114,25m2 là 65.122.500 đồng… Không hài lòng với bản án của phiên tòa sơ thẩm, ông Trực kháng cáo tiếp tục đưa vụ kiện này lên Tòa án Nhân dân tỉnh.

Tại phiên tòa phúc thẩm ngày 18-7-2014 vừa qua, ông Thanh cho rằng về nguồn gốc đất tranh chấp, trước đây là đất đồn bót của quân đội Pháp. Đến năm 1954, giặc Pháp đầu hàng rút bỏ đồn bót thì ba mẹ ông Thanh đến khai phá cất nhà. Năm 1962, Mỹ - ngụy gom dân vào ấp chiến lược, nên gia đình ông Thanh tản cư vào ấp Hóa Nhựt, xã Tân Vĩnh Hiệp. Năm 1975, ba mẹ ông Thanh về cất nhà trên nền nhà cũ. Sau khi ba mẹ mất, ông Thanh tiếp tục sử dụng đất này cho đến nay. HĐXX cấp phúc thẩm xét thấy việc cấp đất cho bà Nguyễn Thị Thương là không đúng pháp luật, có sai sót. Bởi, khi cấp đất cho bà Thương, cơ quan xét duyệt cấp đất không thẩm tra và xác nhận vào đơn xin đăng ký QSDĐ về tình trạng đất đai hiện có căn nhà của ba mẹ ông Thanh đang ở. Bà Nguyễn Thị Thương không có biên bản xác nhận ranh giới, mốc giới thửa đất sử dụng; lẽ ra Hội đồng xét cấp đất UBND xã Tân Hiệp, nay là phường Tân Hiệp phải xác định trường hợp này là chưa đủ điều kiện đăng ký và cấp GCN QSDĐ do vi phạm tiểu mục 2 mục 1.2.4 phần 2 Thông tư số 346/1998-TT-TCĐC của Tổng cục Địa chính hướng dẫn thủ tục đăng ký lập hồ sơ địa chính và cấp GCN QSDĐ… Xét, việc gia đình ông Trực có quá trình đăng ký kê khai nhưng không có sự quản lý sử dụng phần diện tích đất tranh chấp này; việc ông Trực cho rằng cho gia đình ông Thanh ở nhờ trên đất nhưng không có chứng cứ chứng minh. Từ những phân tích nêu trên, HĐXX phiên tòa phúc thẩm đã xét cho ông Nguyễn Chí Thanh thắng kiện vụ tranh chấp, giao cho ông Thanh diện tích đất 228,5m2 nằm một phần trong thửa 525.

Tuy nhiên, khi trình bày khiếu nại của mình, ông Trực rất bức xúc và cho rằng tòa xét xử chưa thấu tình, đạt lý và không thuyết phục. Rất nhiều chứng cứ trong vụ kiện này chưa được tòa quan tâm xem xét. Ông Trực cho biết: Tòa cho rằng UBND TX.Tân Uyên cấp GCN QSDĐ cho gia đình tôi sai quy trình là không đúng; bởi vì, trong hồ sơ vụ kiện tranh chấp đất đã gửi 2 cấp tòa xem xét, tôi có gửi đơn xác nhận về việc kê khai đất của ông Đỗ Văn Em, nguyên Cán bộ địa chính xã Tân Vĩnh Hiệp. Ông Em đã có xác nhận với nội dung như sau: “Từ năm 1997 đến năm 2001, tôi là cán bộ địa chính xã Tân Vĩnh Hiệp, tôi xin xác nhận việc đo đạc, lập bản đồ địa chính đất của gia đình bà Nguyễn Thị Thương. Đầu năm 1997, xã Tân Vĩnh Hiệp có thông báo cho nhân dân địa phương về việc đo đạc lập bản đồ địa chính. Khi đến hộ ông Nguyễn Văn Ở đo đạc thì ông Ở nói rằng: “Đất này là đất của bà Nguyễn Thị Thương cho tôi ở nhờ”. Tôi có mời bà Nguyễn Thị Thương đến để chỉ ranh đất đo đạc và lập bản đồ địa chính do bà Nguyễn Thị Thương đứng tên. Đến tháng 6-1999, bà Nguyễn Thị Thương có nhận GCN QSDĐ do UBND huyện cấp. Nay tôi xác nhận lại sự việc như trên và cam đoan lời xác nhận của tôi đúng sự thật, tôi chịu trách nhiệm về lời xác nhận trước pháp luật”. Hơn nữa, hàng chục năm qua gia đình tôi trực tiếp đóng thuế thửa đất này chứ không phải là ông Thanh. Tôi là người được thừa kế tài sản của cha mẹ mình để lại một cách hợp pháp, có đủ giấy tờ để chứng minh… Vậy mà, nay bị xử mất đất là thiệt hại đến quyền lợi hợp pháp của mình rồi!”, ông Trực than thở.

Trong đơn xác nhận nguồn gốc đất cho ông Trực gửi đến tòa để xem xét, ông Nguyễn Văn Dằng, nguyên Trưởng ban điều hành ấp Long Hội, xác nhận: “Năm 1977, tôi có đến quán cà phê của ông Ở - ba của ông Thanh để kê khai ruộng đất. Tôi có hỏi ông Ở về nguồn gốc đất mà ông đang cất quán cà phê thì ông Ở bảo rằng: Vì hoàn cảnh gia đình tôi đông con, tôi lại không có ruộng, trong khi sức khỏe của tôi ngày càng yếu nên tôi xin bà Nguyễn Thị Thương, mẹ ông Trực cho mượn phần đất để cất tạm quán cà phê sinh sống qua ngày và lo cho các con”…

Từ xác nhận của nguyên cán bộ địa chính, nguyên Trưởng ban điều hành ấp Long Hội, xã Tân Vĩnh Hiệp, nay là khu phố Tân Hội, phường Tân Hiệp, TX.Tân Uyên, cho thấy: Chính quyền địa phương UBND huyện Tân Uyên trước đây đã rà soát rất kỹ nguồn gốc đất, cũng như cấp GCN QSDĐ cho hộ của bà Nguyễn Thị Thương là chính xác. Ông Trực cho biết sẽ tiếp tục khiếu nại lên Tòa án Nhân dân tối cao để được xem xét lại vụ việc này một cách công bằng, đúng luật.

NHÓM P.V BẠN ĐỌC - PHÁP LUẬT

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
Quay lên trên