V-League 2014 qua góc nhìn của tân Trưởng BTC giải người Nhật: Bắt bệnh V-League!

Cập nhật: 18-03-2014 | 00:00:00

Sau khi chính thức nhận chức Trưởng ban tổ chức giải bóng đá VĐQG V-League vào ngày 15-3-2014, ông Tanaka Koji đã lần đầu tiên đến dự khán một trận đấu tại sân Gò Đậu, nhân cuộc đối đầu giữa Becamex Bình Dương (B.BD) và đội khách Quảng Nam trong khuôn khổ vòng 8. Người nước ngoài đầu tiên là Trưởng BTC V-League đã chia sẻ những nhận định của mình về giải đấu cao nhất của Việt Nam đang học tập ứng dụng công nghệ, kinh nghiệm quản lý điều hành từ BTC J-League (giải bóng đá nhà nghề Nhật Bản).

 

Ông Tanaka Koji (giữa) trên khán đài sân Gò Đậu theo dõi trận đấu B.BD - Quảng Nam ở vòng 8, vòng đấu đầu tiên mà ông chính thức làm nhiệm vụ sau khi được bổ nhiệm

Theo ông Tanaka Koji, các trận bóng đá của V-League hiện nay để bóng chết (bóng ngoài sân hoặc trận đấu bị ngắt quãng nhiều lần do cầu thủ bị đau, cần chăm sóc y tế) nhiều quá. Các tình huống này sẽ làm cho khán giả mất hứng, nhàm chán, dẫn đến chất lượng chuyên môn của trận đấu và của giải bị giảm sút theo. Đáng chú ý hơn, vị trưởng giải người Nhật Bản đã nhìn ra yếu điểm của bóng đá Việt Nam là sự phối hợp giữa các cầu thủ chưa nhiều, mà lại hay rê dắt bóng ở những thời điểm và tình huống không cần thiết. Theo phân tích của ông Tanaka Koji, việc cầu thủ quá lạm dụng kỹ thuật cá nhân, rê dắt bóng nhiều sẽ làm tốc độ các pha lên bóng và tốc độ trận đấu giảm.

Đặc biệt, ông Tanaka Koji cho rằng ngoài những điều trên thì việc cầu thủ ít phối hợp, hay rê dắt bóng, lạm dụng kỹ thuật cá nhân còn “tạo điều kiện cho đối phương tranh chấp trực tiếp và dễ dẫn đến chấn thương không đáng có. Vì thế, kinh nghiệm của các đội bóng tại J-League là tăng cường chuyền bóng, phối hợp ít chạm trên sân, chỉ nên sử dụng thế mạnh về kỹ thuật cá nhân ở một vài pha bóng phù hợp.

Tính cả trận đấu B.BD-Quảng Nam vào chiều 16-3, ông Tanaka Koji đã có 4 trận đấu quan sát các CLB tại V-League tranh tài. Dù số trận dự khán là chưa nhiều, nhưng bấy nhiêu là quá đủ để chuyên gia người Nhật điểm trúng thêm một “yếu huyệt” của bóng đá Việt Nam. Đó là “các cầu thủ Việt Nam chơi bóng phức tạp không cần thiết. Bóng đá hiện đại quan trọng nhất là cần đá đơn giản, nhưng hiệu quả. Vậy mà tôi thấy nhiều cầu thủ Việt Nam cố ý đá bóng khó cho chính mình và đồng đội: Lúc cần chuyền lại không chuyền; lúc chuyền thì lại đẩy đồng đội vào tình huống tranh chấp nguy hiểm, có thể dẫn đến chấn thương hoặc dẫn đến tự uy hiếp khung thành đội nhà; hay ít nhất cũng là lỡ mất cơ hội tốt để ghi bàn.

Ông Tanaka Koji chia sẻ với ông Cao Văn Chóng, Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Thể thao bóng đá Bình Dương, đơn vị quản lý điều hành CLB B.BD, đồng thời là Ủy viên BTC: “Sân Gò Đậu là sân đẹp nhất V-League hiện nay và B.BD cũng là đội bóng được xây dựng bài bản, theo hướng chuyên nghiệp, có lối chơi quyến rũ. Tuy vậy, cần phải để ý rằng bất kỳ CLB bóng đá nào trên thế giới thành công đều nhờ gắn với địa phương và Nhật Bản không là ngoại lệ. Kinh nghiệm thành công của chúng tôi là mỗi CLB nên có một công ty gồm 5 - 6 cổ đông và địa phương cũng là một cổ đông. Như vậy, sẽ giúp bảo đảm vấn đề tài chính vững mạnh, vừa mang tính bản sắc địa phương sẽ là đòn bẩy để giúp các CLB phát triển. Đương nhiên, CLB cần phải làm tốt khâu đào tạo trẻ để duy trì tính bản sắc trong lối chơi và giữ vững tính kế thừa, sự ổn định trong phát triển của CLB”.

 

 LONG VĨNH

 

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
Quay lên trên