Vai trò của CIA trong cuộc chiến Việt Nam

Cập nhật: 22-03-2010 | 00:00:00
Năm 2009, Cơ quan Tình báo Trung ương Mỹ (CIA) đã cho giải mật tài liệu mang tên “CIA and the Generals: Covert Support to military government in South Vietnam”. Tài liệu này do ông Thomas L.Ahern, Jr., một nhân viên CIA từng làm việc tại Sài Gòn từ năm 1963 đến đầu năm 1965, đúc kết từ những tài liệu mật của CIA.

 

Tài liệu nêu trên dài 243 trang này vừa được ông Trần Bình Nam, một học giả người Việt ở nước ngoài, tóm tắt lại và phổ biến nhằm “ôn cố tri tân” về một giai đoạn lịch sử đã qua nhưng còn ảnh hưởng sâu đậm đến đời sống của mỗi người Việt trong cũng như ngoài nước.

 

Cái chết của ông Diệm

 

Trong phần nhập đề, ông Thomas Ahern nhắc lại quan hệ Mỹ và Việt Nam Cộng hòa từ năm 1954 cho đến ngày 30-4-1975.

  Người dân Việt Nam sống giữa 2 gọng thép Mỹ - ngụy. Ảnh: Tư liệu

 

Ông viết rằng sau khi người Pháp thất bại tại Điện Biên Phủ, người Mỹ thay thế dần người Pháp vì người Mỹ cho rằng nếu Việt Nam sụp đổ, toàn vùng Đông Nam Á cũng sụp đổ theo thuyết domino. Người Mỹ ủng hộ ông Ngô Đình Diệm củng cố miền Nam Việt Nam từ vĩ tuyến 17 trở vào, qua trung gian ông Ngô Đình Nhu, em ruột của ông Diệm. Cùng với các lực lượng vũ trang của ông Diệm, CIA phát động phong trào tự vệ để bảo vệ nông thôn. Đây là kinh nghiệm chống nổi dậy đầu tiên của CIA tại Việt Nam.

 

Chương trình của ông Diệm là tiêu diệt các thành phần Cộng sản còn lại ở miền Nam trước khi rút ra Bắc theo Hiệp định Giơnevơ. Đến năm 1959, hầu hết tổ chức Cộng sản gài lại miền Nam đều bị tiêu diệt. Nhưng chương trình bài Cộng quá nặng tay và thi hành một cách bừa bãi đụng chạm đến các thành phần không Cộng sản trong quần chúng như thành phần thiểu số và tôn giáo khác và không có chương trình nâng cao đời sống nông thôn để thu phục lòng dân nên mất dần sự ủng hộ của quần chúng. Cuối năm 1959, Hà Nội đưa người vào Nam và làm cho sự kiểm soát của ông Diệm tại nông thôn ngày càng lỏng dần.

 

Để cứu chế độ Diệm, Mỹ tăng cường viện trợ quân sự và kinh tế. Đầu năm 1963, khi cao trào chống chế độ ông Diệm của Phật giáo nổ ra tại miền Trung, Mỹ có 12.000 cố vấn quân sự tại miền Nam.

 

Cung cách đàn áp phong trào Phật giáo của ông Diệm không phù hợp với quan niệm tự do tôn giáo của Mỹ làm cho Mỹ bất mãn, đồng thời sự kiểm soát nông thôn của ông Diệm ngày càng sa sút, nên vào tháng 8-1963, theo đề nghị của Đại sứ Henry Cabot Lodge, Mỹ quyết định hạ bệ ông Diệm.

 

Sau khi quân đảo chính chiếm Bộ Tổng tham mưu và giết Đại tá Lê Quang Tung, người làm việc cận kề với CIA và là Chỉ huy trưởng lực lượng đặc biệt, các tướng đảo chính kêu gọi anh em ông Diệm đầu hàng. Ông Diệm và ông Nhu lợi dụng trời tối rời Dinh Độc Lập và sau đó bị bắt tại một nhà thờ Công giáo ở Chợ Lớn. Trước đó Đại sứ Cabot Lodge có hứa giúp hai anh em ông Diệm và ông Nhu an toàn rời khỏi Việt Nam, nhưng khi ông Diệm và ông Nhu bị bắt không thấy Mỹ nhắc lại. Các sĩ quan của tướng Dương Văn Minh, người lãnh đạo cuộc đảo chính đã bắn chết hai ông Diệm và Nhu trên một xe thiết giáp…

 

“Hòa bình ló dạng”

 

Tình hình chính trị tạm ổn định sau khi tướng Nguyễn Văn Thiệu đắc cử Tổng thống vào tháng 9-1967 qua một bản Hiến pháp mới. Tháng 2-1968, Cộng sản tổng tấn công vào các đô thị miền Nam (cuộc tổng tấn công Mậu Thân).

 

Cuộc tấn công không thành công nhưng làm cho chương trình bình định của ông Thiệu giậm chân tại chỗ, tạo một tâm lý bi quan đối với dân chúng Mỹ và báo giới Mỹ nên không khí chống chiến tranh tại Mỹ lên cao buộc Tổng thống Johnson vào cuối tháng 3-1968 tuyên bố không ra ứng cử Tổng thống lần thứ hai và đề nghị thương thuyết với Hà Nội.

 

Tháng 5-1968, khi các cuộc tiếp xúc chính thức giữa Mỹ và Hà Nội bắt đầu tại Paris, Cộng sản mở cuộc tấn công Mậu Thân 2 nhưng cũng không thành công, giúp quân đội Việt Nam Cộng hòa và Mỹ lấy lại thế tấn công và cuối năm 1968 xem như bình định và kiểm soát 73% dân chúng miền Nam.

“Một điều cần nói là không có một tài liệu nào, nhất là tài liệu liên quan đến hoạt động tình báo, là hoàn toàn trung thực. Giải mật một tài liệu mật tự nó cũng có thể là một phần của một chương trình tình báo khác. Tài liệu “CIA and the Generals: Covert Support to military government in South Vietnam” cũng không nằm ngoài quy luật đó”.

 

Tuy nhiên, tình hình này không giúp cho Hubert Humphrey (ứng cử viên đảng Dân chủ) đắc cử để có thể tiếp tục đường hướng của Johnson. Tổng thống Nixon đắc cử và bắt đầu chương trình Việt Nam hóa chiến tranh.

 

Giữa năm 1969, Tổng thống Nixon tuyên bố đợt rút quân đầu tiên. Đặc điểm của tình hình chiến trường Việt Nam trong những năm 1969-1971 là trong khi Mỹ ra sức cải tiến và trang bị cho quân đội miền Nam thì Liên Xô và Trung Quốc cũng viện trợ dồi dào cho Bắc Việt. Hai bên Nam-Bắc cố giành đất và dân chuẩn bị cho một giải pháp chính trị từ cuộc hòa đàm Paris.

 

Mùa xuân năm 1972, Cộng sản Bắc Việt mở cuộc đại tấn công miền Nam đe dọa các tỉnh cửa ngõ dẫn vào Sài Gòn, nhưng không được như ý muốn bởi quân đội Nam Việt Nam với sự yểm trợ của không lực Mỹ.

 

Tháng 10-1972, Hà Nội tuyên bố đồng ý về một văn bản ngừng bắn và chấm dứt chiến tranh. Dựa vào đó, trước ngày bầu cử Tổng thống Mỹ, Cố vấn an ninh quốc gia Henry Kissinger tuyên bố “hòa bình ló dạng”. Hòa bình thật sự chưa ló dạng nhưng lời tuyên bố của Kissinger đã giúp Tổng thống Nixon đắc cử nhiệm kỳ 2 một cách áp đảo.

 

Sau cuộc bầu cử, Mỹ đòi thay đổi vài điều khoản trong bản hiệp định dự thảo. Hà Nội phản ứng bằng cách rút ra khỏi cuộc hòa đàm nhưng sau đó đã trở lại bàn hội nghị và ký Hiệp định Paris vào tháng 1-1973. Bản hiệp định không buộc quân đội Bắc Việt rút khỏi miền Nam. Mỹ tìm cách thi hành hiệp định và giúp Nam Việt Nam tự lực. Nhưng sau đó Nixon dính vào vụ Watergate phải từ chức (tháng 8-1974), Phó Tổng thống Gerald Ford trở thành Tổng thống Mỹ.

 

Vào thời điểm này, Tòa đại sứ Mỹ tại Sài Gòn được tin tình báo cho biết quân đội Bắc Việt chuẩn bị tổng tấn công vào năm 1975. Cuộc tấn công mở màn ngày 10-3-1975 tại cao nguyên miền Trung Việt Nam và kết thúc ngày 30-4-1975 khi xe tăng Bắc Việt tiến vào Sài Gòn và trực thăng của Đại sứ Mỹ rời mái nhà tòa đại sứ trước khi trời sáng.

 

Quân số CIA tại Sài Gòn khi ông Diệm bị lật đổ gồm khoảng 200 người. Một bộ phận lo việc bình định và tình báo. Bộ phận khác lo việc tuyển mộ người làm việc cho CIA hay mở rộng sự liên hệ với các viên chức chính quyền và thành phần đối lập phi Cộng sản để thu lượm tin tức và thúc đẩy xây dựng dân chủ.

 

Khi trận Mậu Thân xảy ra, quân số CIA đã lên đến 1.000 người, trong đó có 600 nhân viên làm việc tại 4 văn phòng CIA ở 4 vùng chiến thuật. Từ năm 1969 khi Mỹ bắt đầu kế hoạch giảm quân, nhân sự CIA giảm dần. Bốn vùng vẫn duy trì văn phòng nhưng mọi công tác quan trọng đều dồn về trung tâm CIA tại Sài Gòn.

 

Nỗ lực bất thành của CIA

 

Tài liệu “CIA and the Generals: Covert Support to military government in South Vietnam” nói về hoạt động của CIA trong nỗ lực không cho Hà Nội chiếm miền Nam sau khi ông Diệm bị lật đổ. Thoạt tiên Đại sứ Cabot Lodge cấm CIA liên lạc mật thiết với các ông tướng để duy trì tính độc lập của chính quyền miền Nam trước dư luận quốc tế.

 

Nhưng mấy tháng sau, khi thấy tình hình bất ổn (vì các ông tướng bất lực), Đại sứ Lodge cho phép CIA làm việc chặt chẽ với các ông tướng để theo dõi và điều chỉnh tình hình đảo chính. Quan hệ đặc biệt này của CIA đối với các ông tướng làm cho CIA đóng một vai trò quan trọng trong các biến chuyển chính trị tại Sài Gòn, chủ yếu là ổn định chính trị, không khác gì ảnh hưởng CIA đã có dưới thời Tổng thống Ngô Đình Diệm.

 

Vào năm 1966, CIA dùng ảnh hưởng của mình để thuyết phục các ông tướng hưởng ứng chính sách của chính quyền Johnson lúc đó đang tìm cách liên lạc với các thành phần ôn hòa của Mặt trận Giải phóng miền Nam.

 

Trong cuộc bầu cử tổng thống tháng 9-1967, CIA nhận được chỉ thị của Washington ủng hộ liên danh tướng Thiệu và tướng Kỳ, nhưng cần tỏ vẻ trung lập và dùng ảnh hưởng tạo ra một cuộc bầu cử dân chủ. Sau khi thắng cử, ông Thiệu loại hết những người miền Bắc thân tướng Kỳ trong chính quyền, CIA lại phải một phen vận động và tuyển mộ người miền Nam (làm việc cho CIA).

 

Sau cuộc tấn công Mậu Thân, CIA triển khai một kế hoạch thành lập những đảng chính trị có căn bản quần chúng theo mô thức của Mỹ, nhưng ông Thiệu chưa sẵn sàng xây dựng một nền tảng dân chủ cho miền Nam nên nỗ lực này không đưa đến kết quả nào.

 

Tuy nhiên, Mỹ nghĩ rằng ông Thiệu cần thiết cho sự ổn định chính trị nên Mỹ không thúc bách ông Thiệu. Từ đầu năm 1970, CIA đã có kế hoạch giúp ông Thiệu tái đắc cử nhiệm kỳ 2 dự trù vào cuối năm 1971 nhưng vẫn với cách thức nhằm tạo một hình ảnh bầu cử dân chủ.

 

Qua cuộc tấn công Mậu Thân, CIA nhận ra rằng chừng nào Nga và Trung Quốc còn ồ ạt giúp Hà Nội thì chừng đó Mỹ còn cần cố vấn và yểm trợ không lực cho Nam Việt Nam nếu muốn Nam Việt Nam còn tồn tại.

 

Khi cuộc tấn công lắng xuống, hòa đàm Paris bắt đầu, công tác chính yếu của CIA là vận động để ông Thiệu chấp thuận hướng thương thuyết của Mỹ tại Paris. Trong công tác này CIA vận dụng nhân sự đã gài trong chính quyền ông Thiệu để gây áp lực với ông Thiệu một cách hữu hiệu. Sau khi ký Hiệp định Paris, nhiệm vụ của CIA là thúc đẩy ông Thiệu thi hành hiệp định.

 

Vào cuối năm 1974, CIA biết Hà Nội sắp mở cuộc tổng tấn công vào đầu năm 1975, nhưng không có kế hoạch gì để ngăn chặn. Sau khi ông Thiệu ra lệnh rút quân khỏi cao nguyên miền Trung Việt Nam tạo ra sự hỗn loạn. Trước cảnh hỗn loạn tại Đà Nẵng, CIA biết rằng khó có đủ thì giờ di tản an toàn nhân viên Mỹ, quân nhân và viên chức Nam Việt Nam ra khỏi Việt Nam, CIA đã thi hành kế hoạch trì hoãn bằng cách vờ thương thuyết với Hà Nội để có thời gian rút lui.

 

Đó là công tác cuối cùng của CIA trong cuộc chiến Việt Nam.

(Theo SGGP)

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
Quay lên trên