Vận dụng những mô hình bảo vệ môi trường hiệu quả 

Cập nhật: 18-08-2015 | 06:50:01

Sở Tài nguyên - Môi trường vừa tổ chức đoàn tham quan, học hỏi kinh nghiệm bảo vệmôi trường (BVMT) tại TP.Hồ Chí Minh và tỉnh Tiền Giang. Theo ghi nhận của đoàn, nhiều mô hình BVMT hiệu quả ở các địa phương này phù hợp với điều kiện tại Bình Dương.

 

 Chị Nguyễn Thị Trang ở xã Bình Nghị, huyện Gò Công Đông, tỉnh Tiền Giang đang thuyết trình mô hình “Biến rác sinh hoạt thành phân bón”. Ảnh: P.HIẾU

 Ứng xử thân thiện với môi trường

Ông Nguyễn Hồng Nguyên, Phó Giám đốc Sở Tài nguyên - Môi trường, cho biết đoàn đi tham quan, học hỏi kinh nghiệm trong công tác BVMT lần này đã ghi nhận nhiều mô hình hay, hiệu quả của TP.Hồ Chí Minh và tỉnh Tiền Giang. Chẳng hạn như mô hình khu nhà trọ xanh - sạch - đẹp của Ủy ban MTTQVN TP.Hồ Chí Minh; mô hình khu phố tự quản ở phường 6, quận 5, TP.Hồ Chí Minh; mô hình nhà “5 không 3 sạch”, mô hình ủ phân từ rác thải sinh hoạt của Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh Tiền Giang…

 

Bình Dương hiện có hàng trăm khu nhà trọ công nhân tập trung tại các khu công nghiệp ở TX.Dĩ An, TX.Thuận An, TX.Bến Cát… Điều kiện vật chất, môi trường sống ở các khu nhà trọ này cũng tương tự như tại TP.Hồ Chí Minh. Do vậy, mô hình nhà trọ xanh - sạch - đẹp đang áp dụng tại TP.Hồ Chí Minh có thể áp dụng tại Bình Dương. Nếu làm tốt sẽ đem lại những lợi ích to lớn cho cơ quan chức năng trong phong trào toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân dân cư.

Đại diện Ủy ban MTTQVN TP.Hồ Chí Minh, cho biết mô hình khu nhà trọ xanh - sạch - đẹp đã được áp dụng tại hàng chục khu nhà trọ ở quận Thủ Đức, quận 12, huyện Hóc Môn… Hình thức là vận động một số chủ nhà trọ cùng tham gia tuyên truyền cho người thuê trọ hiểu biết về những lợi ích của công tác BVMT ngay nơi mình ở, từ đó sẽ có những hành động cụ thể, như: Thu gom rác đúng quy định, phân loại rác thải, tăng cường hệ thống chiếu sáng, ngày chủ nhật tổng vệ sinh khu nhà trọ… Những lợi ích mà mô hình đem lại là sự thay đổi lớn về nhận thức của người dân đối với công tác BVMT. Những khu nhà trọ xanh - sạch - đẹp còn có tác động tích cực đến tình hình an ninh, an toàn xã hội. Đó là những thành công ban đầu mà mô hình nhà trọ tự quản của TP.Hồ Chí Minh đã gặt hái được. Nhiều chủ nhà trọ tham gia mô hình đã được khen thưởng và động viên kịp thời; mô hình có sức lan tỏa nhanh và được đông đảo anh chị em công nhân phấn khởi đón nhận.

 

 

Anh Đoàn Nam Lê Thiện, Tỉnh đoàn Bình Dương, cho biết tác động của việc BVMT tại khu nhà trọ đem lại những lợi ích to lớn cho mọi người, nhất là đối với công nhân lao động; cùng với đó môi trường sống được bảo đảm giúp mọi người hiểu rõ, dù là nhà trọ nhưng cần ứng xử thân thiện như chính ngôi nhà của mình.

Biến rác sinh hoạt thành phân bón

Tỉnh Tiền Giang đang áp dụng mô hình “nhà 5 không 3 sạch” tại gần 100 cơ sở ở các khu dân cư, xóm, ấp. Đại diện Hội LHPN tỉnh Tiền Giang cho biết để mô hình này được nhân rộng, công tác truyền thông là rất cần thiết để loại bỏ thói quen, tập quán vứt bỏ rác, phế phẩm sinh hoạt bừa bãi gây ảnh hưởng đến môi trường sống. Bên cạnh đó, công tác tôn tạo cảnh quan, trồng cây tạo không gian xanh, hỗ trợ kinh phí xây nhà vệ sinh tự hoại … cũng được các ban ngành, đoàn thể cùng phối hợp thực hiện tạo thành phong trào ngay tại các khu dân cư.

Chị Nguyễn Thị Trang ở xã Bình Nghị, huyện Gò Công Đông, Tiền Giang, cho biết rất hồ hởi với mô hình “Biến rác thải sinh hoạt thành phân bón” mà gia đình đang áp dụng. Theo chị, hiện huyện Gò Công Đông có gần 200 hộ áp dụng mô hình này và được nhiều chị em phụ nữ, hộ nông dân tích cực hưởng ứng. Quy trình làm phân từ rác sinh hoạt chi phí thấp, đầu tư ban đầu là thùng rác chứa rác sinh hoạt lẫn ủ phân chỉ tốn khoảng 300.000 đồng. Hàng ngày chị thu gom rác thải sinh hoạt, thức ăn dư thừa cho vào thùng rác sinh hoạt, rồi cho thêm phân vi sinh vào để ủ rác thành phân. Chu kỳ để có phân bón thành phẩm là khoảng 65 ngày. Phân bón cho ra chất lượng rất tốt, nhiều hộ nông dân đã bón cho ruộng rau, vườn cây kiểng, cây ăn quả… kết quả thu lại rất khả quan.

Theo đánh giá của các thành viên trong đoàn tỉnh Bình Dương, mô hình làm phân bón từ rác thải sinh hoạt tại huyện Gò Công Đông không những bảo đảm vệ sinh môi trường mà còn tạo ra một loại phân bón tiết kiệm chi phí canh tác, trồng trọt, nâng cao chất lượng cây trồng, bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm và đem lại lợi nhuận nhiều hơn cho bà con nông dân.

Ông Nguyễn Hồng Nguyên cho biết tỉnh Bình Dương hiện có tốc độ công nghiệp hóa, đô thị hóa nhanh, việc học tập các mô hình BVMT tại một số tỉnh, thành bạn là rất cần thiết. Các thành viên trong đoàn chắc chắn sẽ có cái nhìn mới hơn, tích cực hơn trong công tác BVMT ngay tại địa phương mình. Hy vọng trong thời gian tới, phong trào BVMT tại tỉnh nhà sẽ có những hiệu quả cao hơn và thiết thực hơn ngay tại các khu dân cư từ nông thôn đến thành thị.

 PHÙNG HIẾU

 

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
Quay lên trên